Lo ngại nhập siêu năm 2012
Các doanh nghiệp, hiệp hội nhận định: Năm 2012, xuất khẩu sẽ khó khăn hơn nhiều năm trước, khả năng nhập siêu cao tái diễn.
Xuất khẩu gặp khó
Năm 2011, tỷ lệ nhập siêu thấp nhất kể từ năm 2007, với 10,02%, tương đương 9,5 tỷ USD. Thành công này có được, phần lớn do giá và các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và lượng xuất khẩu tăng mạnh, nhất là giá nông thủy sản. Tuy nhiên, điều này khó lặp lại trong năm 2012.
Trong dự báo tình hình xuất khẩu năm 2012, Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu sẽ tăng khoảng 13% so với năm 2011 và đạt kim ngạch khoảng 108,8 tỷ USD, nhu cầu nhập khẩu khoảng 121,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2011. Như vậy, nhập siêu khoảng 13 tỷ USD, bằng khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong khi đó, mặt hàng xuất khẩu là thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản gần như chưa có biện pháp gì để nâng cao giá trị, sản lượng. Do hạn chế về diện tích canh tác và sản lượng. Dự kiến, nhóm hàng nông, thủy sản đạt kim ngạch 20,2 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2011.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực sẽ giảm tương đối về giá cũng như khó mở rộng thị trường xuất khẩu. Điển hình như mặt hàng nhân điều, xuất khẩu dự báo đạt 1,45 tỷ USD với khối lượng xuất khẩu 180 nghìn tấn, giảm 1,7% về trị giá.
Mặt hàng thủy sản vẫn gặp khó khăn do các nước đặt ra hàng rào kỹ thuật mới, các tiêu chuẩn mới, kiểm dịch chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, những thị trường truyền thống của Việt Nam vẫn được duy trì nên dự kiến xuất khẩu thủy sản năm 2012 đạt trị giá khoảng 6,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng cao nhất trong nhóm hàng này. “Đây là thách thức rất lớn đòi hỏi toàn ngành phải phấn đấu” - ông Biên thừa nhận.
Là một trong những mặt hàng mang lại nhiều tỷ USD cho Việt Nam, theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2012 sẽ gặp nhiều khó khăn về thị trường.
Năm nay mặt hàng gạo, dự kiến xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn với tổng giá trị đạt 3,5 tỷ USD. Dù lượng xuất khẩu không giảm nhưng dự báo giá gạo sẽ giảm do có sự cạnh tranh về giá gạo của Ấn Độ, Pakistan tại một số thị trường xuất khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia…
Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), ông Diệp Thành Kiệt, cho biết, các doanh nghiệp trong ngành lo nhất là việc trồi sụt đơn hàng ở thị trường châu Âu, thị trường xuất khẩu chính hiện nay của ngành da giày Việt Nam. Mục tiêu xuất khẩu được đánh giá khá khiêm tốn là xuất khẩu 7 tỷ USD trong năm 2012 mà Lefaso đặt ra đã phản ánh sự thận trọng này.
Phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex), Lê Tiến Trường, cho biết, mục tiêu xuất khẩu 15 tỷ USD của ngành dệt may trong năm 2012 là hết sức khó khăn và đầy thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn. Những khó khăn nhìn thấy trước là việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản.
“Chi phí đầu vào như điện, nước, xăng dầu, tiền lương, lãi suất cho vay... ở mức cao ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành dệt may trong năm nay. Đến nay các doanh nghiệp ngành dệt may chưa có nhiều đơn hàng lớn trong khi như năm ngoái nhiều đơn vị đã ký được đơn hàng đến hết quý II của năm”, ông cho biết.
Thay đổi chính sách thương mại
Trao đổi với chúng tôi, một thành viên Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, nguyên nhân của tình trạng nhập siêu không phải do việc nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng, vì như năm 2011 chỉ chiếm chưa tới 10% trong tổng giá trị nhập khẩu. Chính nhu cầu nhập hàng hóa cho sản xuất mới là nguyên nhân chính gây nhập siêu.
Ngoài ra, nền công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam còn nhiều hạn chế, công nghiệp phụ trợ kém phát triển, sản xuất chủ yếu mang tính gia công nên đã tạo ra sự phát triển nhanh về số lượng trong khi chất lượng ít có sự cải thiện. Hầu hết máy móc, nguyên vật liệu chính đều phải nhập khẩu.
“Rất cần có sự thay đổi về chính sách thương mại như cần hướng thu hút đầu tư vào những ngành có hệ số lan tỏa kinh tế cao và chỉ số kích thích nhập khẩu thấp để phát huy lợi thế (ví dụ nhóm ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến sản phẩm từ nông nghiệp).
Cùng với biện pháp tăng xuất khẩu để giảm nhập siêu, cần nghiên cứu những biện pháp mang tính dài hạn như: Tăng hiệu quả đầu tư, tăng năng lực cạnh tranh, đặc biệt là tăng cường phát triển công nghiệp phụ trợ để tăng giá trị gia tăng sản xuất trong nước…”, thành viên này nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, về mặt nhập khẩu, cần định hướng phù hợp để từng bước quy hoạch lại sản xuất nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu thiết yếu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất và gia công xuất khẩu, tăng cường sản xuất hàng trong nước thay thế nhập khẩu.
Ngoài ra, cần xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế để hạn chế nhập khẩu các hàng hóa kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân, hàng hóa không khuyến khích nhập khẩu.
Phạm Tuyên
Tiền Phong
|