Chủ Nhật, 01/01/2012 09:16

Kinh tế TG 2011: Phương Đông mới nổi, phương Tây tụt dốc

Nếu như năm 2011, cụm từ được nhắc đến nhiều nhất là “khủng hoảng nợ”, thì một xu hướng được cho là đang định hình cấu trúc kinh tế thế giới cũng hết sức nổi bật, đó là “một phương Đông mới nổi và một phương Tây đang tụt dốc”.

Những ngày cuối cùng của năm 2011, tại thủ đô Athens của Hy Lạp, các cửa hàng đều treo biển giảm giá tới 70%. Nhưng bên trong, bầu không khí vắng lặng. Bà Evgenia Lollou, Chủ cửa hiệu “Hãy chộp lấy” cho biết: “Không ai muốn mua gì cả. Người ta đến đây thậm chí còn chẳng cười nổi nữa”.

Nhưng có một khu phố ở Athens vô cùng đông khách những ngày này, đó là phố bán vàng. Ông Aristides Dimopoulos, Cán bộ hưu trí Hy Lạp nói rằng: “Thu nhập của tôi chỉ là lương hưu và bị cắt giảm đến mức tôi không thể giúp con cái đi học được nữa. Tôi buộc phải đi bán đồ gia bảo để phụ cấp cho nó”.

Cuộc khủng hoảng nợ đã khiến truyền thống đón Giáng sinh và năm mới ở Hy Lạp - quê hương của các vị thần đang bị thay đổi hoàn toàn.

Ông Nikos Stathopoulos, Nhà nghiên cứu văn hoá Hy Lạp nói: “Trước đây vào mùa lễ này, người ta đi mua vàng để làm quà tặng. Còn bây giờ, người ta đi bán những món vàng đã được tặng từ trước đó”.

Trái ngược với con số 60 ngàn doanh nghiệp Hy Lạp phá sản năm nay, thì những cửa hàng vàng lại đang mọc lên “như nấm sau mưa” ở Athens.

Và ở Pháp

Nếu nói về bức tranh kinh tế thế giới năm 2011 thì cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu là mảng màu tối nhất. Ngay tại Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai của châu Âu, những tác động của khủng hoảng nợ công đã bắt đầu lộ rõ. Tại đại lộ Champs Elysee, nơi tập trung rất nhiều cửa hàng cửa hiệu, vào những ngày cuối năm này, bầu không khí mua sắm ngày một chùng xuống. Có tới một nửa người dân Pháp quyết định cắt giảm chi tiêu cho năm mới này. Và điều đó không phải là vô cớ.

Cô Felicia Letoquil, Nhân viên ngành dịch vụ chia sẻ: “Cuộc sống của chúng tôi không còn như trước. Thu nhập thấp đi, tiền thuê nhà cao lên. Bạn thấy đấy, ngày càng nhiều người lang thang trên phố - có nghĩa là họ không có việc làm hoặc không có nhà để ở. Khủng hoảng còn khiến mọi người chán nản và lo lắng về tương lai”.

Năm nay, châu Âu đặc biệt thấm thía với cụm từ “nợ công”. Nợ là do các chính phủ đã vay mượn dễ dãi, quản lý yếu kém và chi tiêu quá đà. Từ Hy Lạp, virus nợ đã lan rộng khắp châu Âu và đe doạ làm tan rã khu vực đồng Euro.

Còn tại Mỹ

“Nợ” là do chính phủ đã “vay” quá nhiều tiền để cứu các tập đoàn trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Từ “Nợ công”, món nợ của các chính phủ đã chuyển thành “Nợ riêng” đổ lên đầu người dân. Tăng thuế, giảm lương, cắt giảm việc làm... cùng với sự bất bình đẳng tại Mỹ: 1% người giàu nhất nắm giữ gần một nửa tài sản của đất nước... tất cả đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng lòng tin bùng phát từ khu phố tài chính Wall Street của Mỹ và lan rộng khắp các châu lục.

Người biểu tình Phong trào “Chiếm phố Wall” nói: "Chúng tôi tức giận với những gì diễn ra tại phố Wall - nơi hoạt động của các tập đoàn tài chính. Đây là một phần của chủ nghĩa tư bản Mỹ”.

Chống nợ công, châu Âu đã phải dùng đến “thuốc đắng”: Cắt giảm mọi thứ có thể.

Và tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay ở Pháp, người ta kì vọng vào sự giúp đỡ từ các nền kinh tế mới nổi. Lí do vì cán cân quyền lực đang thay đổi, Trung Quốc củng cố vị trí Á quân. Brazil năm nay đã soán ngôi của Anh, trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới. Còn Hàn Quốc cũng vừa tham gia Câu lạc bộ các nước có kim ngạch thương mại vượt 1000 tỉ USD. Có lẽ vì thế mà tại Cannes, những vị nguyên thủ này được săn đón nhiệt tình, trong khi Tổng thống Mỹ Obama chỉ nhận được những cái bắt tay thật vội vàng.

Ông Ali Velshi, Bình luận viên tài chính cấp cao, Kênh CNN cho rằng: “Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay là một cơ hội lịch sử đối với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi vì các nước phát triển như châu Âu và Mỹ đâu còn tiền để cứu các ngân hàng nữa. Người dân các nước phát triển thì không muốn cắt giảm thêm nữa, nên giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ châu Âu bây giờ sẽ trông chờ vào những nền kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil”.

Sức mạnh từ những nền kinh tế mới nổi có thể thấy ngay tại nước Anh, hầu như tất cả các cửa hàng ở Manchester đều sử dụng tiếng Hoa. Những nhân viên bán hàng người Anh giờ đây phải đi học một ngoại ngữ mới: Tiếng Trung để phục vụ “những thượng đế ” từ Viễn đông.

Một khách hàng Trung Quốc nói: “Chỉ là món quà cho em họ tôi. Hơn 2000 bảng không có gì lớn lắm.Tôi không quan tâm đến giá tiền. Tôi muốn tiêu thật nhiều”.

Ông Richard Dodd, Tập đoàn bán lẻ Anh nhận định: “Người Trung Quốc giờ đây đã tăng gấp rưỡi số tiền họ có trong túi so với 4 năm trước. Nên sức mua của họ khủng khiếp lắm, chứ không như người tiêu dùng châu Âu đâu”.

Năm mới 2012 đang đến! Ở Mỹ, người ta đổ xô đi mua... vì hàng siêu giảm giá. Ở Hy Lạp và Italy, dân tình đổ xô đến những siêu thị từ thiện để nhận hàng trợ cấp. Ở Bắc Kinh - Trung Quốc, tết Dương lịch, người người ăn Tết. Chỉ có những con người sẽ tiếp tục ở ngoài trời vào thời khắc chuyển giao sang năm mới: Những người biểu tình phong trào “Chiếm phố Wall”…

 Nguyệt Hà - Nguyễn Hoàng

vtv

Các tin tức khác

>   Tây Ban Nha công bố biện pháp cắt giảm chi tiêu (31/12/2011)

>   Mỹ đã hoãn trình đề nghị nâng mức trần nợ công (31/12/2011)

>   Tương lai châu Âu và 9 ngày cần theo dõi trong tháng 1/2012 (30/12/2011)

>   Đồng euro thấp nhất 10 năm so đồng yen (29/12/2011)

>   Trung Quốc sẽ để tỷ giá đồng NDT "linh hoạt" hơn (29/12/2011)

>   Ngân hàng châu Âu vẫn căng thẳng thanh khoản (29/12/2011)

>   Nga cắt giảm lãi suất lần đầu sau hơn 18 tháng (29/12/2011)

>   Năm xu hướng kinh tế cần chú ý trong năm 2012 (29/12/2011)

>   8 kênh đầu tư tốt nhất năm 2011 (29/12/2011)

>   Nhân dân tệ tỉ thí đôla Mỹ (29/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật