Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng:
Kiểm soát thị trường BĐS, phát triển nhà ở quốc gia
Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, triển khai chiến lược nhà ở quốc gia để đảm bảo nhu cầu chỗ ở cho người dân... là mối quan tâm hàng đầu của ngành xây dựng mà Bộ trưởng Bộ Xây dựng TRỊNH ĐÌNH DŨNG. Chia sẻ với PV Báo SGGP trong những ngày đầu xuân, ông cho biết:
Mục tiêu của ngành xây dựng luôn là những mục tiêu dài hơi, trong đó năm 2012 được coi là năm quan trọng để thực hiện mục tiêu đó. Trong 5 năm tới, ngành xây dựng đặt mục tiêu tăng trưởng của các doanh nghiệp trong ngành từ 12% - 15%; diện tích bình quân nhà ở đạt 22m2/người, phấn đấu xây dựng tối thiểu khoảng 10 triệu m2 nhà ở xã hội; tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt 38% với 870 đô thị... Tuy nhiên, điều cần làm trước mắt vẫn là giải quyết những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay, đó là tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, lo chỗ ở cho người dân. Bộ Xây dựng sẽ đưa ra những chương trình hành động mạnh mẽ, quyết liệt để phát triển thị trường bất động sản theo hướng lành mạnh.
Bên cạnh đó, sẽ tổ chức triển khai thực hiện ngay chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30-11-2011.
|
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng |
* PV: Nhìn lại năm qua, thị trường bất động sản thật sự gặp khủng hoảng. Bộ trưởng có thể cho biết những giải pháp cụ thể tháo gỡ vấn đề này năm nay?
* Bộ trưởng TRỊNH ĐÌNH DŨNG: Năm 2011 là một năm quá khó khăn đối với thị trường bất động sản. Doanh nghiệp thiếu vốn, thị trường trì trệ, mọi cánh cửa hầu như đều đóng lại. Tôi cho rằng phải bắt tay hành động thật sớm, thật kiên quyết trong việc kiến tạo thể chế, chính sách pháp luật dẫn đường để tăng cường quản lý kiểm soát thị trường bất động sản như tháo gỡ các khó khăn về xác định giá đất, thuế thu nhập cá nhân trong chuyển nhượng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và tài sản trên đất, đẩy nhanh việc thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ đầu tư bất động sản nhằm hỗ trợ vốn cho thị trường... Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục kiến nghị giảm tăng trưởng và tỷ trọng tín dụng bất động sản với lộ trình hợp lý, tránh gây sốc, đồng thời áp dụng các biện pháp tăng tính thanh khoản, tránh đóng băng thị trường. Các tổ chức tín dụng cần ưu tiên bố trí nguồn vốn để cho vay đầu tư các dự án phát triển nhà ở phục vụ đối tượng thu nhập thấp; các dự án sẽ hoàn thành và có khả năng thu hồi vốn đầu tư trong năm 2012.
* Nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp và trung bình được dự báo ở mức cao do quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế. Theo bộ trưởng, làm thế nào để đáp ứng được nhu cầu này trong bối cảnh khó khăn như hiện nay?
* Điều quan trọng vẫn là cơ chế chính sách. Cùng với việc khuyến khích, ưu đãi các DN tham gia đầu tư xây dựng quỹ nhà để bán, cho thuê giá rẻ, Nhà nước cũng sẽ chủ động đầu tư quỹ nhà xã hội từ vốn ngân sách hoặc theo hình thức BT đổi đất lấy công trình… Nhà ở xã hội có thể không đặt ra các tiêu chí cao như nhà thương mại nhưng phải được chú trọng về chất lượng, thực sự đem lại cuộc sống tiện nghi, hạnh phúc cho người dân.
* Chương trình cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã được đưa ra từ nhiều năm nay, tuy nhiên đến thời điểm này, tiến độ thực hiện mới chỉ đạt... 1%. Quan điểm của bộ trưởng về vấn đề này thế nào và năm 2012 sẽ có chuyển động cụ thể gì?
* Theo tôi, không thể thực hiện cải tạo lại nhà chung cư cũ với cách làm như hiện nay. Bộ Xây dựng đang soạn thảo nghị định về cải tạo chung cư cũ. Cách tiếp cận mới là, Nhà nước đảm nhận chủ đầu tư các dự án cải tạo chung cư cũ thay vì DN phải đứng ra như hiện nay. Người dân sẽ được lựa chọn, chuyển tới khu nhà mới do Nhà nước xây dựng, với ưu đãi về diện tích lớn hơn. Khu đất giải tỏa sẽ được đấu giá hoặc sử dụng làm công trình công cộng. Bộ Xây dựng cùng các sở chuyên ngành của địa phương có trách nhiệm thông báo lộ trình xây dựng nhà chung cư, công bố những công trình nào phải di dời hàng năm, khi đã công bố rồi thì người dân phải có trách nhiệm di dời, Nhà nước phải có quỹ nhà trước cho người dân đến ở.
* Xin cảm ơn Bộ trưởng.
Bích Quyên thực hiện
Sài Gòn Giải phóng
|