Thứ Bảy, 21/01/2012 14:13

Thị trường BĐS: Gà không còn… trứng vàng

“Đến giờ này tôi vẫn còn hai lô đất, nhờ có mối quan hệ mới mua được với giá sỉ, cứ vui mừng tưởng mình mua rẻ nên tôi rất kỳ vọng vào khoảng lợi lớn từ đây. Ai ngờ đến cuối năm, đã giảm giá hơn 10 triệu đồng/m2, chấp nhận bị lỗ vốn mà vẫn chưa bán được để trả nợ ngân hàng” – chị Thu Hương một nhà đầu tư cá nhân tại Hà Nội thở dài...

Bị bao vây bởi lãi suất cao, lạm phát hai con số, nguồn cung thừa và những chính sách siết chặt tín dụng của Chính phủ, thị trường bất động sản năm 2011 gần như rơi vào tình trạng im ắng còn các cụm từ “trầm lắng”, “đóng băng”, “lao dốc” lại liên tục được nhắc đến.

Hết thời siêu lợi nhuận

Nhìn lại bốn năm trước, khi bất động sản (BĐS) đang là lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất, nguồn vốn cho kênh này thu hút sự chú ý không chỉ của nhà đầu tư lớn có kinh nghiệm, mà cả các DN không hề có chuyên môn và thậm chí là nhà nhà, người người xếp hàng để tìm mua địa ốc. Giống như nhiều người muốn kiếm tiền dễ dàng, chị Hương cũng lao vào mua bán BĐS mặc dù không có chút chuyên môn nào trong lĩnh vực này. Điều đáng chú ý là theo báo cáo nghiên cứu do Cty Colliers International đưa ra thì trong những khách hàng tìm mua BĐS ở nước ta có đến 60-70% người mua để đầu cơ với mục đích chờ giá lên thì bán. Điều này đã khuấy lên một thời kỳ nóng sốt của ngành siêu lợi nhuận này khi biên lợi nhuận “khủng khiếp” lên tới 200-300% và từ đây tín dụng liên tục được bơm vào thị trường này.

Nhưng kể từ khi chính sách thắt chặt tín dụng vào thị trường BĐS chính thức thực hiện, mạch máu nuôi sống các chủ đầu tư BĐS gần như bị cắt đứt từ tháng 2 vừa qua, thị trường địa ốc dần dần đi từ tình trạng đóng băng đến lao dốc. Hầu hết giao dịch đều chững lại, một loạt các dự án đình đám trên thị trường như Geleximco, Vân Canh, Bắc An Khánh... nay đều im hơi lặng tiếng. Báo cáo kết quả khảo sát mới nhất của Cty CBRE VN cho thấy, 70% số lượng dự án đã giảm giá, 20% giữ giá và 10% còn lại không có hoặc rất ít giao dịch.

Trước sức ép đáo hạn ngân hàng ở thời điểm cuối năm, các khoản nợ lãi suất cao, sản phẩm kém thanh khoản, nhiều dự án đã bị đình trệ, hàng loạt DN địa ốc và các nhà đầu cơ đã bán tháo sản phẩm với giá bèo để rút chân ra khỏi thị trường. Rõ ràng đầu tư vào BĐS giờ đây không còn là “con gà đẻ trứng vàng” như kỳ vọng của các nhà đầu cơ và sự khởi sắc trở lại của thị trường này có khả năng sẽ còn rất lâu.

Khó khăn của người này là cơ hội của người khác

Mỗi năm nước ta cần thêm 100 triệu m2 sàn mới để đáp ứng nhu cầu nhà ở của số lượng dân thành thị gia tăng nhanh chóng.

Khó khăn là vậy, nhưng nếu nhìn vấn đề một cách lạc quan thì việc các nhà đầu tư phải bán tháo sản phẩm lại là cơ hội tốt cho những người có nhu cầu mua nhà thực. Tình trạng “đóng băng” của thị trường đang góp phần kéo giá nhà đất xuống mức hợp lý hơn, đúng với thực tế và vừa với túi tiền của người dân, trong bối cảnh mà nhu cầu địa ốc, nhất là nhu cầu về nhà ở bình dân đang rất lớn. Chính vì vậy mà ngay trong giai đoạn nhiều phân khúc giảm mạnh thì thông tin từ ông Phan Thành Mai - Tổng thư ký Hiệp hội BĐS VN cho biết: “Phân khúc nhà ở bình dân với giá dao động trong khoảng từ 12- 16 triệu đồng/m2 lại đang thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân”.

Ông Mai nhận định, với tốc độ gia tăng dân số ở thành thị hiện nay thì chúng ta dự kiến sẽ cần khoảng 905 triệu m2 nhà ở vào năm 2015 và 1.260 triệu m2 vào năm 2020. Mới đây nhất, trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2015 diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 22m2 sàn/người. Trong khi hiện tại diện tích nhà ở bình quân mới khoảng 17 m2/người vì vậy cả nước cần phấn đấu mỗi năm xây dựng mới 100 triệu m2 sàn. Những con số trên thể hiện một khoảng trống lớn ở phân khúc căn hộ bình dân đang hiện hữu và chắc chắn đây là phân khúc nếu các nhà đầu tư tập trung trong các năm tiếp theo sẽ thành công.

Tuy nhiên đây chỉ là cơ hội cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp và có năng lực thật sự chứ không dành cho những người kinh doanh theo kiểu ăn xổi ở thì. Những yêu cầu này sẽ làm giảm mức lợi nhuận của nhà đầu tư, vì vậy nếu không có kinh nghiệm và năng lực, các nhà đầu tư sẽ khó kiếm lợi nhuận.

Thị trường BĐS rõ ràng đang trong giai đoạn chuyển giao và thanh lọc nhưng chúng ta cần nhìn vào hiện trạng của thị trường dưới con mắt tích cực hơn. Vì đây sẽ là cơ hội giúp thị trường “lột xác” để trở nên lành mạnh và hữu ích hơn.

Thái Thảo

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Bất động sản: Tắt ngấm hy vọng trong quý I/2012 (20/01/2012)

>   Bất động sản 2012: 'Chặt quá cũng chết, lỏng quá cũng chết' (19/01/2012)

>   Tuần Châu sẽ xây dựng bến du thuyền nhân tạo lớn nhất thế giới (19/01/2012)

>   Bất động sản “được mùa” cuối năm (18/01/2012)

>   Mua văn phòng cho thuê lại: Nhìn thì ham, làm gặp khó (18/01/2012)

>   Giảm giá nhà đất: Nói chỉ để mà nói (18/01/2012)

>   Thị trường bất động sản năm 2012: Dự báo táo bạo (18/01/2012)

>   Bất động sản hạng sang vẫn bán được (17/01/2012)

>   Cuối năm, môi giới, công chứng kêu trời (17/01/2012)

>   Sự thật về giảm giá bất động sản năm 2011 (17/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật