Khủng hoảng nợ châu Âu 2012: “Chưa có dấu hiệu kết thúc”
(Vietstock) – Tưởng chừng 2011 là năm “một mất một còn” của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, tức Eurozone sụp đổ hoặc khủng hoảng kết thúc. Tuy nhiên, không kịch bản nào xảy ra.
Điều đó có nghĩa là những bất ổn mà nhà đầu tư từng phải đối mặt trong phần lớn thời gian của năm 2011 sẽ tiếp tục tồn tại nếu không nói là trầm trọng hơn trong nửa đầu năm nay.
* Tương lai châu Âu và 9 ngày cần theo dõi trong tháng 1/2012
“Rất nhiều yếu tố, cả chính trị và kinh tế, có thể tác động xấu đến niềm tin nhà đầu tư. Trong bối cảnh này, bất ổn là điều không thể tránh khỏi”, nhận định của ông Grant Lewis, Giám đốc nghiên cứu tại Daiwa Capital Markets, London.
Bất chấp hàng loạt cuộc họp thượng đỉnh được tổ chức trong năm ngoái, vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu nào để giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng. Được biết, khủng hoảng nợ đã trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đến nền kinh tế toàn cầu và là nguyên nhân khiến các thị trường tài chính trên toàn thế giới suy sụp.
Dù sự sụp đổ của liên minh tiền tệ Eurozone vẫn là điều khó có thể xảy ra nhưng nhà đầu tư chưa hoàn toàn loại bỏ khả năng xảy ra kịch bản xấu nhất. Ông Lewis nói: “Khả năng đổ vỡ còn thấp nhưng chắc chắc là không thể bỏ qua. Đó không phải là điều chúng tôi từng nói cách đây 12 tháng”.
Các nhà lãnh đạo Eurozone đã có nhiều hành động hướng đến một giải pháp có tính ràng buộc hơn đối với các vấn đề kinh tế và chính trị tại khu vực nhằm giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, cho đến nay các giải pháp vẫn chưa được thực hiện, chứng tỏ khó khăn trong việc dung hòa lợi ích giữa các quốc gia trong khối.
Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi kinh tế Eurozone dường như đã rơi vào suy thoái trong lúc các Chính phủ trên khắp khu vực áp dụng thêm các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mới. Điều này khiến các nhà làm chính sách khó khăn hơn khi phải vừa cắt giảm chi tiêu vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Khi chúng ta bước vào năm mới, môi trường đầu tư không có gì thay đổi. Hay nói nhẹ nhàng hơn, các điều kiện kinh tế tại châu Âu vẫn còn ảm đạm và chưa có dấu hiệu kết thúc rõ ràng”.
Việc thiếu một giải pháp toàn diện đã khiến các tổ chức xếp hạng tín nhiệm liên tục cảnh báo hạ bậc tín nhiệm của các Chính phủ, một động thái được xem là có thể tác động xấu đến các thị trường nợ.
Cả Ý và Tây Ban Nha đều phải phát hành hàng trăm tỷ EUR trái phiếu để tái tài trợ cho các khoản nợ hiện tại và huy động tiền mặt. Theo HSBC, Ý có thể phát hành khoảng 245 tỷ EUR trong năm 2012, cao hơn so với mức 223 tỷ EUR trong năm 2011. Tây Ban Nha cũng sẽ tham gia thị trường trong năm tới với kế hoạch phát hành 87 tỷ EUR trái phiếu.
Ý là một mối lo ngại cực kỳ lớn vì khoảng nợ khổng lồ 1.9 ngàn tỷ EUR của nước này quá lớn để có thể giải cứu. Tuy nhiên, vì là nền kinh tế lớn thứ 3 của Eurozone, Ý lại không thể sụp đổ vì tầm quan trọng của quốc gia này trong hệ thống.
Dù Ý và Tây Ban Nha sẽ thu hút gần như toàn bộ sự quan tâm của các thị trường nhưng Hy Lạp vẫn là nước có nguy cơ vỡ nợ cao nhất. Và điều này có thể buộc Hy Lạp phải rời Eurozone.
“Rủi ro Hy Lạp rút khỏi liên minh tiền tệ là rất cao nhưng ngoài Hy Lạp, tất cả các quốc gia khác sẽ được giữ lại trong Eurozone bằng các biện pháp can thiệp mạnh nếu cần thiết”.
Theo dự kiến, Hy Lạp sẽ nhận được gói giải cứu thứ hai trong năm nay nhưng vẫn còn tồn tại bất đồng rất lớn xung quanh việc liệu các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” sẽ khắc phục được vấn đề nợ nần của nước này hoặc đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái sâu hơn.
Trong khi đó, vai trò của các nhà đầu tư thuộc lĩnh vực tư nhân trong quá trình tái cấu trúc nợ Hy Lạp – một điều kiện cần của gói giải cứu thứ hai – vẫn chưa được quyết định.
Về mặt lý thuyết thì vào tháng 10/2011, các ngân hàng và nhà đầu tư đã tự nguyện đồng ý giảm 50% giá trị trái phiếu Chính phủ Hy Lạp. Các cuộc đàm phán vẫn chưa kết thúc nhưng trong tuần trước một số nhà đàm phán đại diện cho chủ nợ của Hy Lạp cho biết các bên đã đạt được một số tiến triển.
Đồng thời, bức tường lửa tài chính, vốn được xem là có thể ngăn chặn sự lây lan của cuộc khủng hoảng, vẫn đang phát huy tác dụng. Một số nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào tiến triển của cuộc cải cách các yếu tố cơ bản chẳng hạn như phát hành trái phiếu chung (Eurobond).
Hơn nữa, sau gần hai năm nếm trải cuộc khủng hoảng, một số nhà đầu tư bày tỏ niềm lạc quan hơn vào nửa cuối năm 2012.
“Giới đầu tư đã mang thái độ tiêu cực và sợ hãi các tài sản châu Âu nên giá cả chắc chắn hấp dẫn hơn so với trước đây. Tuy nhiên, khả năng sinh lời của các kênh đầu tư có thể đi hai hướng”, nhận định của ông Lawrence Creatura, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư của Federated Clover Investment Advisors.
Mới đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bơm khoảng 500 tỷ EUR vào hệ thống ngân hàng và sẽ cung cấp thêm các khoản vay dài hạn hơn vào tháng 2/2012. Động thái của ECB sẽ xoa dịu nỗi lo sợ về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tín dụng nhưng hệ thống ngân hàng châu Âu vẫn phải đối mặt với các quy định mới về nguồn vốn trong năm nay và thị trường cấp vốn nhìn chung vẫn còn ảm đạm.
ECB được xem là tổ chức duy nhất của châu Âu có năng lực tài chính để khôi phục niềm tin trên thị trường trái phiếu và nhiều nhà đầu tư cho rằng cuối cùng tổ chức này sẽ can thiệp để ngăn chặn cuộc khủng hoảng vượt khỏi tầm kiểm soát. Nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, sẽ không cho phép Eurozone sụp đổ.
Phước Phạm (Theo CNN Money)
|