Doanh nhân Việt hóa giải thách thức, nắm bắt cơ hội
Trong một năm sóng gió của nền kinh tế, hàng loạt doanh nghiệp đã không trụ vững, song bên cạnh đó, vẫn có không ít doanh nghiệp tạo được dấu ấn, nhờ biết cách hóa giải thách thức, nắm bắt cơ hội để tăng tốc phát triển.
Những dư vị đắng…
Trả lời báo chí bên lề Hội nghị Chính phủ với địa phương diễn ra cuối tháng 12/2011 tại Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, điều khiến ông lo ngại nhất trong năm 2012 là hạ mặt bằng lãi suất. Theo ông Bình, lãi suất có xuống, nhưng lúc nào cũng ở thế "rình rập". “Việc cân đối lúc nào hạ, hạ bao nhiêu... là bài toán rất khó với Ngân hàng Nhà nước”, ông Bình cho biết.
Về phía ngân hàng, ông Phạm Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Vietcombank (VCB) chia sẻ, dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại VCB chỉ chiếm 8 - 10% tổng dư nợ tín dụng. Nhìn sang những đối thủ cạnh tranh cũng thấy cửa tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2012 tại các ngân hàng vẫn sẽ rất hẹp.
Nguyên nhân, theo ông Dũng, do cam kết tín dụng trung và dài hạn của các thể chế tài chính với các tập đoàn lớn trước đó khá nhiều. Việc các ngân hàng tập trung vốn giải ngân cho doanh nghiệp lớn, khách hàng truyền thống cũng đang là thách thức lớn, nên doanh nghiệp nhỏ và vừa càng khó tiếp cận.
Ông Trần Anh Vương, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Bắc Việt cho hay, doanh nghiệp nhỏ và vừa đã thấm đòn lạm phát, lãi suất, tỷ giá, biến động về nguồn nguyên liệu và thách thức về đầu ra sản phẩm, nguồn nhân lực. Không chỉ vậy, doanh nghiệp còn gặp khó khi thâm nhập các thị trường khác do vị thế yếu, trong khi các nước tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nước mình và sức mua của thị trường giảm sút.
… và vị ngọt
Mặc dù nền kinh tế và thị trường đối mặt với rất nhiều khó khăn, song nhiều doanh nghiệp lớn thuộc ngành hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin, viễn thông… vẫn tăng trưởng khả quan, nhờ biết hóa giải thách thức, nắm bắt cơ hội để tăng tốc phát triển.
Sau Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) và Tập đoàn VinaCapital, cuối năm 2011, Tập đoàn FPT đã chính thức được công nhận là thành viên sáng lập của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), cùng với 1.000 công ty khác trên toàn thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc, họ có vai trò dẫn dắt nền kinh tế thế giới và cánh cửa thực hiện chiến lược toàn cầu hóa của các công ty này sẽ mở rộng hơn.
Không chỉ vậy, những tên tuổi như Vietnam Airlines, Vietcombank (VCB), Agribank, Tân Tạo (ITA), Vincom (VIC)… cũng được WEF chọn vào vị trí “công ty tăng trưởng toàn cầu”, với tiêu chí doanh thu từ 100 triệu USD đến 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình 15%/năm, có tiềm năng trở thành công ty hàng đầu trong ngành và khu vực.
Ở quy mô nhỏ hơn, kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Kinh Đô (KDC), Công ty cổ phần Bibica (BBC), Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Hà (HHC) lại phản ánh một bức tranh khác của thời kỳ khó khăn, khi sản lượng tiêu thụ, giá bán bình quân và lợi nhuận gộp đều tăng.
Ông Trần Quốc Việt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô chia sẻ, những giải pháp cải tổ trong nội bộ doanh nghiệp được áp dụng quyết liệt. Kinh Đô gom các công ty con về một mối để tăng vị thế đàm phán trên thị trường, mua khối lượng nguyên liệu lớn, giảm chi phí vận chuyển đầu vào và chủ trương này đã phát huy hiệu quả.
Dẫu biết rằng, mọi sự so sánh đều khập khiễng vì xuất phát điểm của doanh nghiệp khác nhau, nhưng họ đều từ những công ty nhỏ mà thành lớn. Vấn đề là doanh nghiệp chọn góc nhìn ra sao để nắm được cơ hội, biến nó thành mục tiêu tăng trưởng và kiên trì đi theo mục tiêu đó.
Anh Hoa
đầu tư
|