Thứ Hai, 02/01/2012 08:01

Năm 2012: Doanh nghiệp sẽ tiếp tục chịu nhiều sức ép

Năm 2011, năm đầy sóng gió đối với doanh nghiệp Việt Nam. Họ đã phải nỗ lực gấp nhiều lần để chèo chống trong giai đoạn khó khăn. Nhiều doanh nghiệp mở lối thoát hiểm thành công nhưng cũng không ít doanh nghiệp đã không trụ nổi qua cơn bão khủng hoảng.

Đồng hành cùng các nhà doanh nghiệp, chúng tôi ghi nhận lại đây những trăn trở và nỗ lực vượt khó của họ trong năm qua cùng những toan tính và kỳ vọng cho một năm mới mà dự báo vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Ông Thiều Phương Nam, phó tổng giám đốc công ty IBM Vietnam:

Nhiều cơ hội mới được tạo ra trong khó khăn

Năm 2012 sẽ còn nhiều khó khăn, cách chúng tôi đối mặt là tiếp tục đầu tư về con người và hạ tầng vì về dài hạn thị trường Việt Nam có khung tăng trưởng rất lớn. Kinh nghiệm cho thấy một giai đoạn khó khăn thường tạo ra các cơ hội mới về công nghệ, ngay năm nay nhiều ngân hàng đã nâng cấp công nghệ lõi và ứng dụng giải pháp chiều sâu; các nhà bán lẻ đầu tư cho giải pháp quản trị thông tin khách hàng và doanh nghiệp xuất khẩu chú trọng đến các ứng dụng giúp gia tăng giá trị hàng hoá. Các chỉ số thị trường công nghệ cho thấy đang có sự bùng nổ các xu hướng công nghệ mới tại Việt Nam: số người sở hữu smartphone và trải nghiệm thông tin, sự hoàn thiện của băng thông rộng và 3G. Các nền tảng này sẽ tạo ra năng lực tiêu dùng mới, tạo sức ép doanh nghiệp sẽ phải thay đổi và làm thay đổi các mô hình truyền thống.

Với lực lượng 600.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thì các doanh nghiệp công nghệ còn rất nhiều việc để làm.

Ông Nguyễn Văn Đạo, phó tổng giám đốc Samsung Vina:

Đáp ứng nhanh với thay đổi của thị trường

Có thể nói mục tiêu chính của kinh doanh năm 2011 là thanh khoản chứ không phải lợi nhuận, bởi phải cắt giảm chi phí, giá cả nhằm tạo sự lưu chuyển của hàng hoá và đồng tiền. Thị trường khó khăn làm suy giảm sức mua nhưng cũng có phân khúc tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng. Từ quý 3 Samsung dẫn đầu thị trường toàn cầu về điện thoại thông minh. Điều này đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, vì nhà máy tại Việt Nam sản xuất chủ yếu các dòng máy có giá trị cao của Samsung như Galaxy S, S II, máy tính bảng… Tăng trưởng này đã kéo nhà máy Savina cán mốc xuất khẩu điện thoại di động 5 tỉ USD gần đây và tuyển dụng gần 15.000 lao động. Samsung cũng hoàn tất khu sản xuất thứ hai để tăng gấp đôi công suất, lên 120 triệu sản phẩm/năm. Khi thị trường phục hồi, chúng tôi chỉ cần thời gian ngắn để mở rộng sản xuất. Nguyên tắc là đáp ứng nhanh với thay đổi của thị trường.

Ở thị trường trong nước, áp lực với Samsung là ở vị trí dẫn đầu sẽ chịu cạnh tranh lớn vì thế cần những đột phá về sản phẩm, công nghệ và đặc biệt là nội dung. Mục tiêu lớn nhất là tăng cường hệ sinh thái nội dung và tạo môi trường ứng dụng dài hạn để phát triển được cộng đồng.

Ông Ngô Văn Toàn, phó tổng giám đốc Global CyberSoft Vietnam (GCS):

Tăng trưởng bên cạnh áp lực về nhân lực

Bên cạnh khó khăn chung, doanh nghiệp phần mềm còn chịu áp lực lớn về khan hiếm nhân lực có kỹ năng…

Năm nay, theo tôi ở thị trường nội địa, các dự án về quản lý doanh nghiệp và tối ưu hoá quy trình sản xuất, kinh doanh sẽ vẫn phát triển, vì đây là xu thế của doanh nghiệp trong nước để có thể cạnh tranh hiệu quả trong môi trường kinh doanh nhiều biến động. Về thị trường nước ngoài, ngành gia công phần mềm được dự báo tiếp tục phát triển mạnh với Mỹ và Nhật vẫn là hai mảng thị trường quan trọng nhất. Do đặc thù của lĩnh vực kinh doanh này đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, nên năm 2012 tiếp tục sẽ là năm có những khó khăn về vấn đề nhân lực, và chắc chắn doanh nghiệp sẽ phải đầu tư nhiều hơn vào mảng đào tạo.

Ông Nguyễn Thành Nhân, tổng giám đốc hệ thống siêu thị Co.opmart:

Thị trường bán lẻ sẽ khó khăn hơn

Nếu năm 2012 này, Chính phủ đảm bảo kiềm chế lạm phát ở mức một con số, thì tôi chỉ hy vọng sức mua giữ được như năm 2011 là đã tốt, nhưng tôi e sức mua có thể tiếp tục giảm. Trong bối cảnh đó, người tiêu dùng ưu tiên cho hàng tiêu dùng thiết yếu. Do vậy, nhu cầu mua hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng thường xuyên an toàn, đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm… sẽ càng cao hơn. Điều này đã bộc lộ trong nửa cuối năm 2011, nên năm 2012 chính là cơ hội cho các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh thực phẩm phát triển mạnh. Riêng hệ thống Co.opmart, năm 2011 đã phải thực hiện rất nhiều biện pháp chiêu thị mới giữ được tốc độ tăng trưởng 35%, nên trong năm 2012 sẽ cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong việc mở thêm điểm bán.

Ông Dương Ngọc Minh, tổng giám đốc công ty cổ phần thuỷ sản Hùng Vương (HVG):

Cá tra sẽ mang về 2 tỉ USD

Năm 2011 tăng trưởng sản lượng xuất khẩu toàn ngành cá tra vẫn đạt 5%, kim ngạch đạt 1,7 tỉ USD, tăng hơn 25%. Đây là thành quả ngoài dự kiến của những nhà chế biến, xuất khẩu. Năm 2012 kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn nhưng tôi cho rằng ngành cá tra vẫn gặt hái được những thành công. Bởi hiện nay, mặt hàng cá tra của chúng ta có sản lượng lớn và có sức cạnh tranh cao trong ngành thực phẩm toàn cầu. Hình ảnh con cá tra cũng dần được cải thiện qua việc tổ chức WWF công nhận cá tra là loài thuỷ sản nuôi trồng bền vững, khuyến khích người tiêu dùng thế giới sử dụng. Năm 2012 nếu ngành cá tra được ưu tiên vốn, đồng thời lãi suất về dưới 15%/năm thì giá thành sản xuất sẽ cạnh tranh được, kim ngạch xuất khẩu cá tra có thể đạt 2 tỉ USD.

Ông Phạm Xuân Hồng, phó chủ tịch hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas):

Mức tăng trưởng giảm, tuyển dụng lao động khó

Đến hết năm 2011, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt hơn 14 tỉ đôla, đạt mức tăng 30% so với cùng kỳ. Đáng chú ý trong đó có gần 20% là do tăng giá. Năm 2012 giá cả được các chuyên gia trong ngành dự báo là sẽ ổn định hơn, nhu cầu mua hàng may mặc của người tiêu dùng các nước Âu, Mỹ, Nhật cũng như mức tiêu thụ hàng may mặc trên toàn cầu cũng không tăng thêm. Vậy nên tăng trưởng xuất khẩu chỉ có thể tăng ở mức khoảng 10%.

Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong năm 2012 này sẽ phải đương đầu với hai thách thức lớn: lao động và thị trường tiêu thụ. Hiện nay các công ty may lớn cũng khó tuyển được nhân công vì thu nhập ngành may khó có thể tăng mạnh theo mức tăng của vật giá. Người thành thị lẫn nông thôn đều không thích làm việc trong ngành này nữa. Việc tiêu thụ sản phẩm may mặc cũng sẽ không tốt như năm 2011 vì dấu hiệu đã cho thấy là hiện nay nhiều doanh nghiệp mới chỉ có đơn hàng đến quý 1/2012, khác với năm ngoái đầu năm đã có đơn hàng đến hết quý 2, thậm chí có công ty ký được hợp đồng sản xuất cả năm.

TS Lê Chí Hiếu, chủ tịch HĐQT Thuduc House (TDH):

Chuyển hướng vào phân khúc nhà ở trung bình

Về lâu dài, cũng như các ngành khác, việc tái cơ cấu doanh nghiệp bất động sản được coi là một trong những yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển. Quan trọng hơn cả đó là doanh nghiệp phải điều chỉnh phương hướng kinh doanh, đưa ra các chiến lược phù hợp để thích nghi được với sự thay đổi khắc nghiệt của thị trường. Các doanh nghiệp không nên đầu tư dàn trải mà nên chuyển hướng vào các dự án trọng điểm đáp ứng được nhu cầu hiện tại của thị trường như phân khúc nhà ở trung bình, nhà cho người có thu nhập thấp, dự án ở các vùng ven thành phố vì giá đất còn rẻ...

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch hiệp hội Bất động sản TPHCM:

Cơ hội cho bất động sản bền vững

Khi nào thì thị trường sẽ ấm lên? Câu hỏi này giờ đây rất khó trả lời. Bởi vấn đề lớn nhất mà Việt Nam đang gặp phải là lạm phát cao, mà bài toán này thì khó giải quyết trong thời gian sắp tới. Đây là thời điểm cho thấy doanh nghiệp nào có thể thực sự phát triển bền vững. Bản thân các doanh nghiệp cần có sự đánh giá lại và kiểm tra lại năng lực để có sự thay đổi phù hợp. Việc tái cấu trúc là rất cần thiết để nâng cao sức khoẻ doanh nghiệp.

Cần tập trung mọi nguồn lực phát triển chương trình căn hộ cho thuê giá rẻ, căn hộ bán trả góp dài hạn, nhà cho người thu nhập thấp đô thị theo nhiều phương thức đa dạng từ ngân sách, từ hợp tác công - tư và xã hội hoá, và có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp tham gia các chương trình này. Bên cạnh lộ trình giảm lãi suất, Nhà nước cũng cần có phương án mở lại cánh cửa tín dụng đối với hai đối tượng đó là những người có nhu cầu thật sự mua nhà, cũng như những dự án đang triển khai gần hoàn thành. Điều này sẽ góp phần khai thông đầu ra đang bị bế tắc lâu nay, và đây cũng chính là một kênh tạo vốn quan trọng cho doanh nghiệp.

Ông Sumit Dutta, tổng giám đốc ngân hàng HSBC Việt Nam:

Không lấy tăng trưởng làm mục tiêu ưu tiên

Năm 2011 là năm khó khăn trong hoạt động ngân hàng. Năm 2011 cũng chứng kiến nỗ lực của các ngân hàng trong việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, góp phần kiềm chế lạm phát. Năm 2012, tôi nghĩ sẽ tiếp tục có nhiều điều chỉnh mạnh mẽ trong chính sách của NHNN nhằm xây dựng một ngành ngân hàng lành mạnh. Chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ tiếp tục được duy trì để chống lạm phát. Tăng trưởng tín dụng linh hoạt áp trần đối với các ngân hàng khác nhau phụ thuộc vào lĩnh vực và kết quả hoạt động của họ. Cạnh đó, các biện pháp nhằm bình ổn lãi suất, tỷ giá và vàng sẽ tiếp tục là những hoạt động trọng tâm.

Ngành ngân hàng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực với tái cấu trúc ngân hàng theo lộ trình Chính phủ hoạch định, giúp hệ thống ngân hàng phát triển mạnh mẽ hơn, minh bạch hơn. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, ngành ngân hàng Việt Nam cần hết sức thận trọng trong việc điều chỉnh tốc độ tăng trưởng. Với tăng trưởng tín dụng dự kiến cuối năm 2011 đạt 15%, tôi thấy vẫn có cơ hội phát triển với một số ngân hàng, nhưng theo tôi, năm 2012 các ngân hàng nên thận trọng và đây chưa phải là năm lấy tăng trưởng làm mục tiêu ưu tiên. HSBC đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới giao dịch, sáng tạo hơn trong các sản phẩm dịch vụ.

Tổng giám đốc ngân hàng thương mại cổ phần Eximbank (EIB) Trương Văn Phước:

Đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 20 – 25%

Năm 2012, nhiệm vụ lớn nhất của hệ thống tiền tệ trong năm 2012 là phải đưa mặt bằng lãi suất thấp xuống, vì nếu không, các doanh nghiệp chật vật, ngân hàng cũng sẽ khó khăn. Hoạt động tái cơ cấu nếu đi đúng hướng và kịp thời sẽ giúp giải quyết tình trạng hiện nay là nhiều ngân hàng vì khó khăn thanh khoản đã huy động vốn bằng mọi cách, mọi giá, đẩy hệ thống ngân hàng vào cuộc cạnh tranh không lành mạnh, gây bất ổn cho toàn hệ thống. Nhìn tổng thể, dù còn nhiều khó khăn, song theo tôi kinh doanh ngân hàng năm 2012 sẽ thuận lợi nhiều hơn khó khăn. Eximbank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 20 – 25% trong năm 2012 trên cơ sở tăng tổng tài sản, tăng quy mô vốn, tăng dư nợ cho vay, tăng tỷ trọng và chất lượng dịch vụ...

Ông Michael Kokalari, giám đốc nghiên cứu đầu tư, công ty chứng khoán Kim Eng Việt Nam:

Có nhiều lý do để lạc quan

Một lần nữa tôi lại rất lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2012, bởi hai lý do sau. Thứ nhất, Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế vào loại hấp dẫn nhất châu Á. Nếu chúng ta nhìn vào những gì đang xảy ra trong nền kinh tế Việt Nam về sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu mới nổi, về sự dịch chuyển đi lên của các chuỗi giá trị để xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như các mặt hàng điện tử, về sự phát triển cơ sở hạ tầng… thì có nhiều lý do để lạc quan về tương lai của đất nước trong dài hạn. Như vậy, giá trên thị trường chứng khoán cuối cùng sẽ phản ánh thực tế của nền kinh tế. Thứ hai, câu chuyện về đầu tư ngắn hạn cho tất cả các nước châu Á là như nhau, lạm phát hạ sẽ dẫn đến giảm lãi suất và đẩy giá chứng khoán đi lên. Lạm phát tại Việt Nam cao hơn các nước châu Á khác nên khi lạm phát giảm sẽ làm cho lãi suất sẽ giảm nhiều hơn và sẽ đẩy giá chứng khoán lên cao hơn nữa.

Một nguyên nhân khác cũng làm cho tôi lạc quan là những nỗ lực để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Chính phủ, được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Đây có thể là một yếu tố thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào, mặc dù điều này có thể có tác động tích cực hơn trong năm 2013 hơn là năm 2012.

Theo nghị quyết Quốc hội:

- Tăng trưởng GDP: 6%

- Lạm phát: dưới 10%

- Bội chi ngân sách: dưới 4,8%

- Tổng mức đầu tư toàn xã hội khoảng 33,5%. Giảm so với 2011 (chín tháng đầu năm 2011 là: 39,8%, dự kiến cả năm của bộ Kế hoạch và đầu tư là 34,5%)

- Kim ngạch xuất khẩu: tăng 13%

- Nhập siêu: 11 – 12%

Định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2012 của Chính phủ:

- Giảm đầu tư từ khu vực kinh tế nhà nước (khoảng 35 – 36% giảm so với các năm trước đây: 42 – 45%) ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp nông thôn.

- Tạo cơ chế huy động nguồn lực đầu tư từ khu vực kinh tế dân doanh và FDI kể cả cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng. Hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư theo các hình thức BOT, BT đặc biệt là PPP.

- Mức cung tiền (M2): tăng khoảng 15%

- Tăng trưởng tín dụng: dự kiến 15 – 17%

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Seaprodex đã mua 10% cổ phần của CLG (29/12/2011)

>   Công bố quyết định khởi tố tại IMP (29/12/2011)

>   VTS: 04/01 chốt quyền dự ĐHĐCĐ thường niên 2012 (28/12/2011)

>   CMI: Lấy ý kiến giải thể công ty con và đổi tên doanh nghiệp (28/12/2011)

>   Chứng khoán VNDirect đề nghị điều tra về tin đồn phá sản (30/12/2011)

>   Câu chuyện tăng trưởng của các công ty tại Việt Nam (28/12/2011)

>   VCV: Lấy ý kiến hủy niêm yết trên HNX (28/12/2011)

>   Phạt TNG 80 triệu đồng do chậm công bố thông tin (27/12/2011)

>   MHL: 09/01 chốt quyền dự ĐHĐCĐ thường niên 2012 (27/12/2011)

>   KSA giải trình cổ phiếu giảm sàn 13 phiên liên tiếp (27/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật