Bộ trưởng Công thương tán thành thời điểm tăng giá điện
"Thời điểm ngành điện quyết định điều chỉnh 5% giá điện theo tôi là tương đối hợp lý bởi sau một thời gian chỉ số CPI tăng chậm lại, khả năng nhìn thấy có thể thực hiện được chỉ tiêu khống chế lạm phát ở mức 18%".
Trả lời trực tuyến trên website Chính phủ trong chiều nay (6/1) liên quan đến quyết định điều chỉnh giá điện vào cuối năm được cho là cú lách khôn ngoan của EVN, Bộ trường Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng đồng tình rằng, mức tăng giá điện 5% vào thời điểm 20/12/2011 là “tương đối hợp lý bởi sau một thời gian chỉ số CPI tăng chậm lại, khả năng nhìn thấy có thể thực hiện được chỉ tiêu khống chế lạm phát ở mức 18%.
Thứ 2, còn cách tương đối xa thời điểm Tết nguyên đán Nhâm Thìn;Thứ 3, tỷ lệ điều chỉnh thấp”.
Liên quan đến câu chuyện gây nhiều giấy mực của báo giới gần đây về chuyện lương thưởng, việc làm ăn thua lỗ vẫn hưởng lương cao, việc chênh lệch lương của cán bộ trong ngành điện lực thời gian qua, Bộ trưởng Hoàng khẳng định: Chưa bao giờ phát biểu rằng Bộ không để ý tới lương của ngành điện.
“Các chỉ tiêu liên quan đến lương, Bộ LĐTBXH được Chính phủ giao chức năng là cơ quan đầu mối về vấn đề này. Đối với các doanh nghiệp nhà nước, Bộ Công Thương chỉ tham gia, không quyết định và cũng không quy định về lương cho ngành điện”, Bộ trưởng Hoàng giải thích thêm.
Cũng theo Bộ trưởng Hoàng, những phản ánh về việc lương cao- thấp ở ngành điện đã được Bộ LĐTBXH ghi nhận và thực hiện lập đoàn kiểm tra làm rõ.
Tuy nhiên, về phía mình, Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh, “việc lỗ của ngành điện vừa qua là lỗ kinh doanh điện, đây là lỗ chính sách… ”, là do phải thực hiện nhiệm vụ của nhà nước thay vì được kinh doanh đúng theo cơ chế thị trường, tức là giá bán điện đầu ra cao hơn giá mua vào, “lỗ này không liên quan đến quản trị doanh nghiệp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam”.
Liên quan đến những lo lắng của người dân về hiện tượng cháy, nổ xe vừa qua có thể do xăng bẩn, xăng kém chất lượng gây ra và trách nhiệm của quản lý thị trường trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa, Bộ trưởng Hoàng cho biết Bộ chỉ giữ trách nhiệm về nguồn cung ứng, chịu trách nhiệm phân bổ chỉ tiêu nhập khẩu tối thiểu theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, không được để đứt nguồn.
Còn liên quan đến “trách nhiệm quản lý chất lượng xăng dầu khi nhập khẩu, nếu theo phân công quản lý Nhà nước, chất lượng xăng dầu được giao cho ngành Khoa học và Công nghệ. Đây là một quy định rất rõ ràng”, Bộ trưởng Hoàng nói.
Tuy nhiên, “nếu các cơ quan chức năng qua kiểm tra kiểm soát xác định nguyên nhân từ xăng dầu dẫn đến cháy nổ các phương tiện vận tải, chúng tôi xin nhận trách nhiệm”, Bộ trưởng Hoàng khẳng định.
Hiếu Anh
vtcnews
|