Thứ Bảy, 07/01/2012 14:10

2012: Doanh nghiệp xoay xở để tồn tại

Doanh nghiệp bước vào năm 2012 trong bối cảnh xuất khẩu đang co lại bởi khủng hoảng nợ công quốc tế, còn sức mua trong nước ngày càng yếu đi. Bên cạnh đó là sức ép cạnh tranh từ hàng nhập khẩu với thuế ưu đãi của các hiệp định thương mại (FTA) đang rộng cửa. Giữ giá, phát triển sản phẩm mới, mở rộng kênh phân phối tới những thị trường xa, liên kết nhiều ngành hàng… là cách nhiều doanh nghiệp tính tới để mong tồn tại, sống sót qua thời khó khăn.

Để đối phó với những khó khăn trong năm 2012, nhiều doanh nghiệp chọn cách đầu tư cho hệ thống cửa hàng bán lẻ.

Cuối năm 2011, một loạt báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường như TNS, Nielsen đều đưa ra một điểm chung là đã có sự thay đổi đáng kể trong hành vi tiêu dùng của khách hàng. Theo đó, người tiêu dùng chi tiêu dè xẻn hơn, có chọn lọc hơn, thể hiện ở việc giảm mua sắm ở các kênh hiện đại, chuyển về kênh truyền thống để có giá rẻ hơn, cắt giảm những sản phẩm xa xỉ và dành ưu tiên cho các sản phẩm thiết yếu, phục vụ gia đình. Đặc biệt, người tiêu dùng ưu tiên chọn mua hàng có khuyến mãi.

Trong khi đó, thị trường nội địa lại xuất hiện thêm nhiều mặt hàng, nhiều nhà cung cấp từ nước ngoài sau khi Việt Nam tiếp tục thực hiện giảm thuế suất thuế nhập khẩu theo cam kết với các nước đã ký hiệp định thương mại. Nhiều trong số này sẽ có lợi thế về giá rẻ, về hệ thống phân phối và trở thành những đối thủ đáng gờm, giành giật thị phần của các doanh nghiệp trong nước.

Đưa hàng sang gia công ở Trung Quốc

Bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), cho hay nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng đã rơi vào bi kịch trong năm 2011. Để duy trì thương hiệu, nhiều công ty chuyển sang gia công cho các công ty nước ngoài, cho nhãn hàng của các siêu thị. Bi kịch hơn, nhiều công ty đưa hàng hóa sang Trung Quốc gia công để kéo giá thành xuống rồi nhập về gắn tên mình bán ra thị trường. “Họ cắt hết thợ, hết nhân công và cũng cắt luôn tương lai của mình khi hủy hoại danh tiếng, thương hiệu dày công gây dựng”, bà Hạnh nói.

Ở thị trường xuất khẩu, khủng hoảng nợ công ở Mỹ, các nước châu Âu - những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đã khiến cho triển vọng xuất khẩu năm 2012 không mấy sáng sủa. Số lượng đơn hàng của nhiều ngành hàng được dự báo sẽ sụt giảm và tình trạng công nợ kéo dài với hàng đã xuất như năm 2011 sẽ còn tiếp tục. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu cũng như doanh thu của từng doanh nghiệp. Và hệ quả tất yếu là hoạt động sản xuất phải thu hẹp, cắt giảm để phù hợp thực tế.

Tất cả những mối lo này đang buộc doanh nghiệp phải tìm mọi cách xoay xở để tồn tại.

Đến gần người tiêu dùng

Ông Trần Thạch Quang, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Quạt Việt Nam (Asia), cho rằng triển vọng kinh doanh năm 2012 là rất khó khăn, thậm chí khó hơn năm 2011. Ở thị trường quạt điện, ông Quang cho hay sức mua đã và đang bị ảnh hưởng khi người dân tiết kiệm chi tiêu, giảm mua sắm thiết bị gia đình. Bên cạnh đó, Asia đang phải chia sẻ thị phần với các thương hiệu quạt của Nhật Bản như Panasonic, Toshiba đang tìm đường quay lại Việt Nam sau một thời gian vắng bóng, hay hàng có chất lượng của Trung Quốc đang có kế hoạch đánh mạnh vào thị trường Việt Nam.

Để đối phó với tình hình này, bù đắp cho phần sụt giảm có thể xảy ra, Asia chọn cách đầu tư cho hệ thống cửa hàng bán lẻ. Theo ông Quang, đây là kênh bán hàng gần với người tiêu dùng nhất, giúp tiết kiệm chi phí bán hàng để có giá bán tốt nhất cho người mua. Trong năm 2011, trong khi doanh thu ở kênh phân phối (qua đại lý) sụt giảm thì lượng khách hàng mua trực tiếp tại cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm Asia tăng hơn các năm trước.

“Năm nay, đà giảm giá thuê mặt bằng như hiện nay là cơ hội cho mình phát triển hệ thống, tất nhiên là phải biết lựa chọn những địa điểm phù hợp”, ông Quang nhận định. Asia dự kiến trong năm nay sẽ mở thêm 20 cửa hàng trên cả nước, tập trung ở các tỉnh, thành phố trước đây chưa chú trọng và đi sâu về các vùng nông thôn, mở cửa hàng ở các thị tứ, thị trấn để thu hút đối tượng khách hàng tiềm năng tại đây.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Bảo Châu, Phó giám đốc Công ty cổ phần Điện máy R.E.E, nhà sản xuất nhãn hiệu máy điều hòa không khí Reetech, chia sẻ mối lo lớn nhất là sự sụt giảm sức mua và sự đi xuống của chỉ số niềm tin của người tiêu dùng, nhất là tầng lớp trung lưu - đối tượng có sức mua khá ổn định trong thời điểm kinh tế khó khăn. Vì vậy, cách của R.E.E là đầu tư cho mạng lưới phân phối để vươn sâu hơn, rộng hơn bằng cách mở thêm những cửa hàng bán trực tiếp hoặc đồng hành cùng các trung tâm điện máy uy tín. Bên cạnh đó, dịch vụ hậu mãi, chăm sóc, bảo hành sản phẩm sẽ được củng cố, cải tiến tốt hơn để phục vụ và giữ chân khách hàng.

Bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), nhận xét trong bối cảnh sức mua bị giảm sút và bị văng ra khỏi siêu thị bởi cạnh tranh không lại với hàng của các công ty đa quốc gia, thậm chí với hàng nhãn riêng của chính nhà bán lẻ, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng quay sang kênh chợ truyền thống. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang dốc sức khai thác thị trường nông thôn đầy tiềm năng sau thời gian dài bỏ quên. Hệ thống phân phối với nhiều chân rết ở vùng sâu, vùng xa đang cắm rễ và lan tỏa qua các hoạt động bán hàng, giới thiệu trực tiếp đến người tiêu dùng.

Tạo giá trị gia tăng và tăng cường liên kết

Sau những hiệu quả bước đầu thu được trong năm 2011 từ mô hình cửa hàng giới thiệu, tư vấn và bán sản phẩm, ông Đoàn Đình Quốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Kính Đình Quốc, khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh kênh này trong năm 2012. Tại các cửa hàng, công ty đã tư vấn các giải pháp về không gian kính cho khách hàng. Đây chính là giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, cả về doanh thu lẫn hình ảnh thương hiệu trong mắt người tiêu dùng. Trong năm nay, đội ngũ bán hàng sẽ được đào tạo chuyên sâu, bài bản hơn để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.

Ông Trần Thạch Quang cho hay, nhà đầu tư vừa mua 65% cổ phần của Asia và bắt đầu điều hành công ty từ năm 2012 để đa dạng hóa các mặt hàng, thu hút người tiêu dùng. Việc có cùng lúc nhiều chủng loại bán tại một cửa hàng cũng là cách để chia sẻ chi phí vận hành.

Để hỗ trợ nhau trong thời điểm khó khăn, các doanh nghiệp cũng đang tích cực hợp tác, liên kết theo ngành nghề. Từ đầu năm 2012 này, Hội Doanh nghiệp trẻ TPHCM (YBA) đã lập ra ban xúc tiến thương mại nội địa nhằm mục đích điều phối hoạt động hợp tác, giao thương. Các doanh nghiệp trong hội cam kết mua, sử dụng hàng hóa của nhau. Ngày 4-1, buổi kết nối giao thương nội địa đầu tiên với sự tham gia của 200 đại diện doanh nghiệp đã được tổ chức.

Dưới góc độ nhà bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Phó tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) thừa nhận thực tế là các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng của Việt Nam bị lép vế so với các tập đoàn đa quốc gia ở các siêu thị trong việc trưng bày, bài trí hàng hóa ở vị trí đẹp (không đủ tiền mua chỗ). Tuy nhiên, vẫn có cách thông qua hợp tác. “Các doanh nghiệp có thể thông qua hiệp hội ngành hàng, góp tiền mua chung các vị trí đầu quầy, đầu kệ rồi thay phiên nhau giới thiệu hàng. Đó là cách để giảm chi phí đầu tư ban đầu khi doanh nghiệp không đủ tiềm lực tài chính như các công ty nước ngoài”, ông Đức nói.

Không chỉ trông chờ vào cơ quan chức năng

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khuyến nghị năm 2012 là năm các FTA được đẩy nhanh để hoàn tất vào năm 2015 theo đúng lộ trình cam kết. Việc cắt giảm hàng trăm dòng thuế cho hàng nhập khẩu từ các nước là một mối lo rất gần của doanh nghiệp khi phải cạnh tranh trực diện với các sản phẩm này. Thực tế này đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực hơn, phải xác định tự lo, xuất khẩu được hàng hay không, hưởng ưu đãi ra sao là tự tìm hiểu, không nên trông chờ vào các cơ quan chức năng. Với Trung Quốc, một mặt lo đối phó với hàng của họ ở thị trường nội địa, mặt khác chủ động xông xáo tìm hiểu và có thể học hỏi kinh nghiệm của Thái Lan về cách đưa những mặt hàng công nghệ cao như linh kiện điện tử vào thị trường này. Với các nước Asean thì phải tận dụng mọi cơ hội, những mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp, ví dụ Myanmar đang là một cơ hội lớn. Bản thân doanh nghiệp cũng cần tái cấu trúc, từ sản phẩm, thị trường cho đến nhân lực để đạt hiệu quả hoạt động cao nhất.

Minh Tâm

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Than, điện, xăng dầu sẽ tăng ở mức kiềm chế (07/01/2012)

>   Bộ Công Thương hứa 'vào cuộc' chuyện lương của EVN (07/01/2012)

>   Hệ lụy khi tôm nhiễm kháng sinh (07/01/2012)

>   Bộ trưởng Công thương tán thành thời điểm tăng giá điện (06/01/2012)

>   Sẽ có quỹ phát triển doanh nghiệp (06/01/2012)

>   Phải đến 2020 mới cân bằng được xuất nhập khẩu? (06/01/2012)

>   Xuất khẩu gạo năm 2012 sẽ gặp nhiều khó khăn (06/01/2012)

>   'Quý 1 sẽ bàn giao dứt điểm EVN Telecom cho Viettel' (06/01/2012)

>   Thủy sản năm 2012: Nhu cầu tăng, nguồn cung thiếu (06/01/2012)

>   Thị trường bán lẻ 2012: Không chỉ nhắm đến sức mua (06/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật