Thoái vốn doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước: Bình tĩnh!
Việc các tập đoàn, DN nhà nước có ý tưởng rút vốn khỏi đầu tư ngoài ngành không sai, bởi những ngành muốn thoái vốn là những ngành dễ gặp rủi ro.
Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và 5 năm 2011-2015 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII nhấn mạnh, phải rà soát, đánh giá toàn diện hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chỉ tập trung vào những ngành nghề kinh doanh chính; kiên quyết thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp (DN) mà Nhà nước không cần chi phối và thoái vốn đã đầu tư vào các hoạt động ngoài ngành kinh doanh chính...
Việc các tập đoàn, DN nhà nước có ý tưởng rút vốn khỏi đầu tư ngoài ngành không sai, bởi những ngành muốn thoái vốn là những ngành dễ gặp rủi ro.
Trên thực tế, vấn đề này liên quan đến tăng cường năng lực quản trị rủi ro, đến việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách khu vực DN, tập đoàn nhà nước.
Ở đây phải lưu ý, kinh doanh đa lĩnh vực không phải luôn là ý tưởng tồi, bởi nó có thể tận dụng được lợi thế nhờ quy mô, tận dụng được việc giảm thiểu chi phí nội bộ trong hoạt động của công ty.
Chẳng hạn, trước đây, một ông giám đốc cần hai thư ký ở hai công ty, nhưng khi kết nối với nhau thì chỉ cần một thư ký, giảm được chi phí.
Tuy nhiên, kinh doanh đa lĩnh vực khá rủi ro, nhất là khi năng lực của DN không theo kịp sự bành trướng kinh doanh của chính DN đó. Đặc biệt, khả năng rủi ro sẽ cao hơn nếu DN đầu tư vào kinh doanh ở lĩnh vực bất động sản hay tài chính.
Các tập đoàn, DN nhà nước thoái vốn liên quan đến câu chuyện rủi ro. Dưới góc độ kinh doanh, góc độ ông chủ sở hữu là Nhà nước muốn các tập đoàn, DN nhà nước đầu tư kinh doanh ngoài ngành mà các đơn vị này làm chưa tốt thì ý tưởng rút vốn khỏi đầu tư ngoài ngành cũng không phải là sai.
Nhưng ở đây, các vấn đề gắn kết với nhau trong cả một quá trình cải cách ở nhiều lĩnh vực lớn, phức tạp và trong bối cảnh môi trường kinh doanh không thuận lợi.
Cho nên, chúng ta không nên suy nghĩ việc thoái vốn một cách đơn giản và cực đoan, mà phải có lộ trình thực hiện gắn với quá trình cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế. Đối với các tập đoàn, DN nhà nước, cách thức, lộ trình có thể khác nhau một chút. Nói như vậy không có nghĩa là trì hoãn thực hiện, mà phải làm thực sự cũng như phải hết sức bình tĩnh.
Việc thoái vốn của các tập đoàn, DN nhà nước phải đi kèm với tái cơ cấu nền kinh tế. Khi nhiều DN đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng, sẽ có thể gặp rủi ro lớn vì bản thân ngành này đòi hỏi kỹ năng quản trị cao, mang tính rủi ro hệ thống không chỉ cho công ty đó hay ngân hàng đó, mà cho cả nền kinh tế.
Cơ cấu lại khu vực ngân hàng là một mục tiêu quan trọng, một trong những nền tảng thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Nhưng tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cũng bao trùm nhiều vấn đề. Trước hết, liên quan đến việc tạo ra sự hoạt động bình thường, ổn định cho hệ thống ngân hàng thương mại trong quá trình tái cơ cấu, chẳng hạn như vấn đề thanh khoản.
Thứ hai, nâng cao khả năng giám sát của hệ thống giám sát tài chính. Thứ ba, liên quan đến câu chuyện tăng cường năng lực quản trị rủi ro theo thông lệ tốt, tiêu chuẩn tốt của các định chế tài chính, đặc biệt là của các ngân hàng thương mại. Thứ tư, sắp xếp lại và trong sắp xếp lại ấy có vấn đề xử lý nợ xấu.
Trong quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, chúng ta không loại trừ việc kéo các nhà đầu tư nước ngoài, các định chế tài chính tham gia quá trình đó, nhất là quá trình sắp xếp lại.
Chẳng hạn, Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản đã trở thành cổ đông chiến lược của Vietcombank với nhiều lý do: một là gắn với cam kết mở cửa của Việt Nam. Hai là trong một số trường hợp, chúng ta cần một số nhà đầu tư chiến lược để tạo kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ. Ba là góp phần làm cho định chế ấy hoạt động hiệu quả hơn, tăng cường quản trị rủi ro của ngân hàng.
Hiện nay, các ngân hàng nước ngoài rất quan tâm đến tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Động thái này kéo theo lượng vốn lớn vào Việt Nam. Do họ là đối tác chiến lược nên lượng vốn được đầu tư dài hạn, vì vậy cũng góp phần nhất định vào việc cân đối và lành mạnh hóa cán cân thanh toán quốc tế.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành
doanh nhân sài gòn
|