Thứ Tư, 07/12/2011 06:42

Đổi mới doanh nghiệp kiểu Trung Quốc

Ngày 6/12, Hội nghị thường niên Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam nhóm họp. Hội nghị này thường thảo luận những vấn đề nóng bỏng đối với phát triển kinh tế Việt Nam và năm nay cũng không ngoại lệ. Đặc biệt là một vấn đề được nhắc tới nhiều năm nay song lại được cho rằng không có nhiều cải thiện, đó là cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Điểm đáng lưu ý là ở chỗ, năm nay tái cấu trúc khu vực DNNN trở thành một trong ba vấn đề lớn nhất của nhiệm vụ đổi mới hướng phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo[1].

Là nước láng giềng và có nhiều điểm chung về mô hình kinh tế, Trung Quốc đã đạt được những thành quả lớn trong công cuộc cải cách khu vực kinh tế nhà nước. Tuy nhiên, dường như những thành công của khối doanh nghiệp này đã vượt được ra ngoài biên giới với những tên tuổi khiến các doanh nghiệp phương Tây phải dè chừng, ít nhất là khi làm ăn tại khu vực Châu Á. Nhân tố nào đã giúp họ có được vị thế đó?

Những tín hiệu thành công đầu tiên dẫn tới thay đổi trong các quy định về quyền sở hữu của các công ty. Năm 1995, Hội đồng Nhà nước thông qua chính sách "bỏ nhỏ, giữ lớn". Năm 1997, những thay đổi lớn về quyền sở hữu từ Trung ương đến địa phương được thiết lập với mục tiêu rõ ràng trong thúc đẩy tư nhân hóa. Cuối những năm 1990, những thay đổi này tạo nền tảng cho nỗ lực đáng kể của Chu Dung Cơ, người sau này là Thủ tướng, để sắp xếp lại nền kinh tế của Trung Quốc.

Dưới thời Chu Dung Cơ, hàng ngàn công ty đã bị đóng cửa, "bát cơm sắt" - sự đảm bảo mức sống cho quảng đại quần chúng không còn, đây quả thật là sự thay đổi rung chuyển một Trung Quốc thoát khỏi trạng thái mơ hồ của kinh tế. Từ năm 1995 đến 2001, số lượng DNNN và do nhà nước kiểm soát đã giảm từ 1,2 triệu xuống 468 ngàn cơ quan và số nhân công trong khu vực nhà nước ở đô thị chỉ còn 36 triệu hay từ 59% còn 32% trên tổng số.

Tư nhân hóa vẫn còn là một vấn đề gai góc trong một quốc gia nơi sở hữu tư nhân chỉ mới trở thành quyền được quy định trong hiến pháp năm 2004 và cũng là nơi quyền sở hữu tư liệu sản xuất cho tới nay vẫn chưa rõ ràng. Vì thế, khá nhiều công ty tư nhân sáng giá đã sẵn sàng thực hiện bước "đại nhảy vọt" nhưng vẫn cẩn trọng không phô mình trước "ánh đèn sân khấu". Trong khi đó, nhiều thử nghiệm khác nhau trong lĩnh vực tư nhân hóa ở Trung Quốc đã tạo ra một danh mục các loại hình công ty nhưng xét cho cùng thì các công ty này vẫn có quan hệ chặt chẽ với nhà nước (xem bảng).

Bàn tay vô hình của Nhà nước

Nhóm đối tượng

Miêu tả

Ví dụ

Các doanh nghiệp do nhà nước chiếm cổ phần chi phối

 

Thường là độc quyền hoặc độc quyền nhóm. Cổ phiếu bán ra công chúng chỉ chiếm tỷ lệ thiểu số

ICBC, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (ngành ngân hàng), China Mobile, China Unicom (viễn thông)

Tập đoàn Xăng dầu Quốc gia (dầu khí)

Liên doanh

Thường có đối tác nước ngoài, đóng vai trò cung cấp công nghệ để đổi lấy quyền tiếp cập thị trường

Shanghai Volkswagen (ô tô)

Xian-Janssen (y tế - dược phẩm)

Denghai (nông nghiệp)

DHL-Sinotrans (dịch vụ giao nhận)

Ameco (sản xuất)

Công ty tư nhân với sự hậu thuẫn nhất định của nhà nước

Thường ở những thị trường mới không có sự hiện diện của DNNN. Thường được khuyến khích từ các chính sách có lợi cho doanh nghiệp trong nước và cản trở sự cạnh tranh từ nước ngoài

BYD, Geely, Chery (ô tô)

Goldwin (năng lượng)

Huawei (viễn thông)

Công ty được hỗ trợ từ các quỹ đầu tư có vốn nhà nước

Các nhà đầu tư bao gồm các quỹ tư nhân - nước ngoài và các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng như chính quyền các tỉnh - thành phố

Tập đoàn Môi trường Shanghai,

Công ty Phát triển Nanhai (bảo vệ môi trường)

Digital China (công nghệ thông tin)

China WLCSP (công nghệ chip)

Nguồn: McKinsey; Infinity Group; The Economist

Ở đâu cũng vậy, các doanh nghiệp thường chỉ hoạt động hiệu quả khi nằm dưới bàn tay quản trị của các ông chủ tư nhân. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, có thể thấy nhà nước vẫn chưa chịu buông tay.

Các Tập đoàn kinh tế nhà nước

Đầu tiên là các siêu công ty khổng lồ, đó là hầu hết các công ty lớn chuyển đổi thành các doanh nghiệp với vẻ ngoài không bình thường. Các công ty này được cơ cấu lại, tái cấu trúc vốn và đổi tên. Một phần nhỏ cổ phần được bán cho công chúng và được giao dịch trên thị trường chứng khoán. Doanh nghiệp cũng được xây dựng ban bệ đầy đủ những Ban giám đốc, giám đốc điều hành, kế toán trưởng và các vị trí trưởng phòng khác, các báo cáo tài chính được công bố với các tài khoản được công khai. Dần dần từng bước, các công ty này đang leo lên các bảng xếp hạng toàn cầu, như biểu tượng sức mạnh công nghiệp ngày một cường vượng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, rất ít người cho rằng đây là những công ty tư nhân thực sự. Tỷ lệ cổ phiếu phát hành thường không quá 30%. Các công ty này nhận được khoản vay trợ cấp từ các ngân hàng do nhà nước kiểm soát, được cấp đất với giá rẻ và thường hoạt động trong các lĩnh vực độc quyền. Một điều hiển nhiên nữa là các công ty này luôn trong vòng kiểm soát của chính phủ. Nhà nước bổ nhiệm đội ngũ lãnh đạo công ty, bao gồm các cán bộ quản lý và cả một ban chấp hành Chi bộ Đảng Cộng sản với Bí thư Chi bộ đứng đầu.

Theo các thông tin nội bộ, những nhiệm vụ của các công ty này thường đồng thuận theo những chỉ đạo từ phía chính phủ. Triển vọng thăng tiến của người quản lý công ty phụ thuộc vào tổ chức Đảng bộ cơ quan. Giám đốc công ty thường sẽ lên chức theo ngành dọc với những vị trí cao hơn trong các Bộ chủ quản. Sự kiểm soát trực tiếp có thể bị gián đoạn nhưng quản trị bằng mệnh lệnh thì không thay đổi.

Mô hình này giúp chính phủ tiếp tục kiểm soát các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của nền kinh tế. Đặc biệt, nó tạo điều kiện cho việc triển khai các dự án với vốn lớn như đường sắt cao tốc, các nhà máy thép, mạng viễn thông, cảng.

Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Có rất nhiều cơ hội cho tham nhũng. Mối quan hệ khép kín giữa nhà quản lý và việc điều hành công ty đồng nghĩa với những rắc rối (về an toàn, về những vấn đề liên quan tới kinh tế) có thể bị bỏ qua. Thiếu định hướng thương mại thường xuyên cũng có nghĩa là tính hiệu quả trong công việc của nhiều nhân viên trong công ty sẽ thấp. Nhóm công việc dễ chịu ở tốp trên trong công ty thường được trả lương cao thuộc về con cháu lãnh đạo, hay nhân viên vào làm bằng quan hệ với lãnh đạo. Và các ưu đãi cho khối doanh nghiệp này sẽ đẩy bật các đối thủ cạnh tranh tư nhân.

Thực chất sự bao bọc bằng quan hệ và ưu đãi bằng chính các quy định cho các DNNN hưởng lợi không cho phép họ nâng cao khả năng cạnh tranh trong những điều kiện mà bầu sữa không còn nữa.

Cuối những năm 1990, John Thompson, sau này là người đứng đầu tập đoàn quốc tế  IBM, cùng các đồng nghiệp tham dự một hội nghị ở Bắc Kinh và được Giang Trạch Dân, Tổng bí thư Trung Quốc tiếp đãi. Ông Giang đã tham khảo ý kiến của đoàn khách đặc biệt này về cách quản lý tập trung một công ty lớn. Ông cũng tham vấn về cách thức các tập đoàn và các tòa án Mỹ xử lý "tham nhũng" - mối quan ngại lớn của ông Giang khi các ngành kinh tế Trung Quốc được tư nhân hóa.

Khác biệt với các tập đoàn kinh doanh quốc tế là ở chỗ, nếu các vị trí lãnh đạo của các doanh nghiệp này có thể đa quốc tịch, thì các DNNN Trung Quốc chỉ có thể do người Trung Quốc đứng đầu, một điều phần nào thể hiện sự gắn bó chặt chẽ với nhà nước.

Một vô lăng chia cho hai tay lái

Loại hình công ty thứ hai cần nói đến là các liên doanh, chiếm một phần nhỏ (2% mẫu của các nhà nghiên cứu). Các liên doanh này liên quan tới thỏa thuận giữa hai bên. Thông thường, các đối tác tư nhân là các công ty phương Tây với hy vọng xâm nhập nền kinh tế lớn và phát triển. Còn phía Trung Quốc thì muốn tiếp cận công nghệ và tri thức của phương Tây (know-how). Thỏa thuận liên doanh rõ ràng là rủi ro cho phía các công ty phương Tây bởi một khi người Trung Quốc có cái họ muốn từ phía đối tác thì đối tác này có thể sẽ bị bật bãi.

Một minh chứng rõ ràng, trong lĩnh vực sản xuất ô tô số lượng các công ty liên doanh gần ngang bằng với số công ty tư nhân và chỉ kém chút ít so với số lượng các công ty nhà nước khi so sánh với các lĩnh vực công nghiệp khác ở Trung Quốc. Theo giải thích của ông Dunne, thực tế này có liên quan tới động cơ của cả hai bên.

Người đại diện đứng đầu phía công ty Trung Quốc thường do Chính phủ Trung Quốc chỉ định, đi kèm với người này là những giá trị liên quan đến uy tín xã hội với những mối quan hệ chính trị quan trọng mà rút cuộc đích cuối vẫn là công việc chính trị của anh ta. Và nhân vật này đương nhiên không phá vỡ một liên doanh đem lại lợi nhuận và có ích cho công việc của anh ta. Còn nhà sản xuất ô tô nước ngoài thì chủ yếu quan tâm đến sự thành công của công ty. Liên kết về mặt lợi ích của hai bên ít nhất tránh được xung đột trước mắt.

Tư nhân quản lý, nhà nước hậu thuẫn

Loại hình thứ ba, đa phần là các công ty tư nhân thành công nhất: khoảng một nửa được vận hành bởi các ông chủ của chúng. Theo các nhà nghiên cứu, quản lý đầu ra đầu vào mua bán ở các công ty này được thực hiện tốt hơn nhiều so với các siêu công ty, liên doanh hoặc các công ty được tư nhân hóa bằng các cách thức khác nhau (chẳng hạn như cho thuê, bán cho người ngoài hay nhân viên). Có một điểm khác biệt cơ bản: mức độ kiểm soát của chính phủ có ảnh hưởng ít nhất trong nhóm này.

Hãy xem sự can thiệp của nhà nước với ba công ty ô tô Trung Quốc trong quá trình xây dựng thương hiệu của mình: BYD, Chery và Geely. Các công ty này vẫn được nhà nước bảo trợ, nguồn hỗ trợ tài chính dồi dào từ các tỉnh - địa bàn họ đang hoạt động (mặc dù đây cũng là điểm chung với nhiều nhà sản xuất ô tô ở phương Tây). Những người đứng đầu công ty không thể giữ được vị trí của mình nếu thiếu sự ủng hộ của nhà nước. Tuy nhiên, các công ty này không bị nhà nước kiểm soát, như các siêu công ty hay các đối tác Trung Quốc trong liên doanh.

Một vài liên doanh trong các ngành công nghiệp khác: Huawei và ZTE - hai nhà máy thiết bị viễn thông khổng lồ, hay Lenovo - một hãng sản xuất máy tính cá nhân, nơi Học viện Khoa học Trung Quốc nắm phần lớn cổ phần, và TCL, một công ty điện tử. Số lượng các công ty trong nhóm này tiếp tục gia tăng, bất chấp việc chúng ít được người ta biết đến hơn các loại hình công ty khác. Theo quy định, những doanh nghiệp này hoạt động trong các ngành công nghiệp "chiến lược" - có liên quan đến năng lượng như gió, năng lượng mặt trời hay năng lượng dự trữ - hoặc hoạt động trong lĩnh vực liên quan tới thiết bị y tế, dược phẩm và công nghệ. Những công ty này thu lợi từ việc bảo hộ chống lại sự xâm lấn từ đối thủ nước ngoài, được trợ cấp nghiên cứu, phát triển, và được mua hàng từ các khách hàng nhà nước.

Sân chơi cho chính quyền địa phương

Sự thành công của nhóm các công ty thứ ba này đã khuyến khích sự phát triển của loại hình thứ tư. Các quan chức ở các tỉnh, thành phố đã mở ra hàng trăm quỹ hỗ trợ trực thuộc Trung ương để đầu tư vào các dự án có triển vọng. Theo Z-Ben Advisors, một công ty nghiên cứu và tư vấn, quỹ CDB Capital - tên tuổi lớn nhất trong nhóm này, một quỹ cổ phần tư nhân được thành lập chỉ trong năm 2009, đã huy động được 40 tỷ nhân dân tệ (6,3 tỷ USD) và đang đặt ra mục tiêu tăng vốn lên 60 tỷ nhân dân tệ.

Một số các nhà đầu tư chính thức đã bắt tay với đối tác nước ngoài, bao gồm cả các công ty cổ phần tư nhân lớn như Blackstone, Carlyle và TPG.

Về ly thuyết, việc chuyển vai trò của nhà nước từ điều hành sang đầu tư tài chính có lợi ở chỗ, chính các nhà doanh nghiệp, chứ không phải các cán bộ nhà nước điều hành công ty. Song thực tế lại hiếm khi chỉn chu như vậy. Các địa phương ủng hộ doanh nghiệp để tạo việc làm, mà điều này sẽ ảnh hưởng ngay tới khả năng mua bán sáp nhập hay giải thể công ty. Các ngành có vốn công - tư kiểu này ở Trung Quốc còn là nơi trú chân mầu mỡ cho con cháu các quan chức nhiều quyền lực.

Có một điểm ít được tiết lộ về sự vận hành và lợi nhuận của các quỹ này. Nhiều quỹ đã quản lý tiền rất hiệu quả đem lại lợi nhuận trong địa bàn hoạt động của nó, đồng thời tạo nhiều công ăn việc làm cho công dân các thành phố này. Dù vậy, một số quỹ khác có liên quan tới hố đen tài chính. Một điều khác nữa, khi mà các quỹ này được chính phủ địa phương ưu ái thì tất sẽ có tác động tới cơ hội của khu vực doanh nghiệp tư nhân - những kẻ thiệt thòi trong khu vực năng động nhất của nền kinh tế Trung Quốc.

Nói tóm lại, mối liên hệ của nhà nước trong mọi ngóc ngách nền kinh tế cho thấy chính phủ Trung Quốc không chỉ kiểm soát kinh tế một cách có tổ chức, mà còn ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình một cách tinh vi. Tối thiểu là, nhà nước đã kiến tạo một loạt các thử nghiệm kinh tế quan trọng với quy mô lớn có tác động mạnh đối với nền kinh tế của Trung Quốc và bởi tầm cỡ của Trung Quốc, cũng sẽ có ảnh hưởng tới toàn thế giới. Rất có thể nhiều quốc gia khác sẽ coi đây là một khuôn mẫu để làm theo.

Bài viết sử dụng tư liệu của The Economist

Bảo Bảo

tuần việt nam

Các tin tức khác

>   Ban quản lý dự án Thủ Thiêm 'phản pháo' (07/12/2011)

>   Sử dụng hiệu quả vốn tài trợ để tái cơ cấu kinh tế (06/12/2011)

>   Các nhà tài trợ cam kết gần 7,4 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam (06/12/2011)

>   Thủ tướng: 'Năm 2012 có thể kiểm soát lạm phát ở 9%' (06/12/2011)

>   Nhật cam kết tài trợ 1,9 tỷ USD cho Việt Nam (06/12/2011)

>   Việt Nam cam kết sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ (06/12/2011)

>   Thận trọng khi tái cơ cấu (06/12/2011)

>   GDP năm 2011 đạt 1.300 USD/người (06/12/2011)

>   Đừng buông tay lúc khó khăn (06/12/2011)

>   Cơ hội đột phá của kinh tế Việt Nam (06/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật