Thứ Sáu, 30/12/2011 21:23

Tăng giá sàn xuất khẩu gạo vì ai?

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa có quyết định tăng giá sàn xuất khẩu gạo nhằm khống chế không cho giá lúa gạo xuất khẩu lẫn thị trường nội địa giảm sâu. Thế nhưng, quyết định này có đem lại lợi ích cho người nông dân làm lúa hay không khi sản phẩm của họ đã được bán hết trước đó rất lâu?

Khó hiểu nhưng dễ biết

Theo đó, giá chào xuất khẩu đối với gạo 5% sẽ được điều chỉnh tăng thêm 10 đô la/tấn lên 500 đô la/tấn; gạo 25% được giữ ở mức cũ 470 đô la/tấn. Riêng đối với loại gạo 10% và 15% tấm, VFA lần đầu tiên quyết định áp giá sàn xuất khẩu lần lượt là 495 và 485 đô la/tấn (trước đây VFA chỉ áp giá sàn đối với gạo 5% và 25% tấm). Tất cả các mức giá trên được tính theo giá FOB, đóng gói bao 50 kg.

Giải thích trên báo chí, VFA cho rằng quyết định tăng giá sàn xuất khẩu gạo lần này là nhằm mục đích duy trì giá lúa gạo trong nước ổn định, phù hợp với thị trường thế giới, bảo đảm hiệu quả xuất khẩu và lợi ích của nông dân.

Tuy nhiên, trước đó không lâu, tại cuộc họp của VFA trong tháng 11 tại Tiền Giang, lãnh đạo VFA quả quyết rằng, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, đối thủ cạnh tranh của Việt Nam hiện nay là Ấn Độ chứ không phải là Thái Lan như trước đây, do họ xuất khẩu gạo giá rẻ hơn.

Quyết định tăng giá sàn xuất khẩu ngay thời điểm khó khăn trong việc tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu là VFA đang tự “phong tỏa” mình chăng? Hay tăng giá sàn để nhằm mục đích gì?

Theo một vài doanh nghiệp gạo ở ĐBSCL, nguyên nhân để VFA quyết định tăng giá sàn là do lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp xuất khẩu rất lớn vì nhiều doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế lớn đã trót thu gom “đầu cơ” với giá cao trước đó (thu gom đón đầu thị trường trước những thông tin giá sẽ chạm mốc 800 đô la/tấn vào cuối năm nay - người viết), nếu không tăng giá xuất khẩu sẽ dẫn đến xu hướng “tháo chạy”. Các doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh với gạo giá rẻ của Ấn Độ mà còn tự cạnh tranh với nhau làm mặt bằng giá xuống quá thấp, doanh nghiệp lỗ.

Ngoài ra còn có thông tin, rất có khả năng việc tăng giá sàn của VFA lần này là để giữ mặt bằng giá có lợi thế trong thương lượng bán gạo cho Philippines.

Như vậy, có thể việc VFA quyết định tăng giá sàn xuất khẩu trong thời điểm này chủ yếu là để giữ giá, tránh trình trạng lỗ lã cho các doanh nghiệp trót “lỡ tay” thu gom đầu cơ chứ chưa hẳn đảm bảo lợi ích cho nông dân.

Nông dân hưởng lợi?

Một vấn đề được đặt ra là nông dân làm lúa có được hưởng lợi từ chính sách tăng giá sàn xuất khẩu gạo lần này của VFA hay không? Câu hỏi rất dễ trả lời nếu ai quan tâm tới thị trường lúa gạo, bởi lúa thu đông của nông dân đã không còn; lúa đông xuân thì phải sớm nhất cũng phải 2,5 tháng nữa mới thu hoạch. Như vậy, rõ ràng thời điểm này, nông dân sẽ không được hưởng bất kỳ lợi ích gì từ việc can thiệp giá sàn xuất khẩu gạo của VFA.

Trao đổi với người viết, nhiều ý kiến của nông dân cho rằng, VFA tăng sàn xuất khẩu là một quyết định đúng nhằm giữ giá lúa gạo không giảm tiếp. Thế nhưng, tăng giá sàn trong thời gian này là hoàn toàn không có ý nghĩa gì đến lợi ích của họ. Bởi vì từ đầu vụ thu hoạch lúa thu đông đến thời điểm VFA quyết định nâng giá sàn xuất khẩu, giá lúa đã có ít nhất 4 lần giảm mạnh với mức giảm tổng cộng lên đến 1.300 - 1.500 đồng/kg lúa nguyên liệu.

Ông Trần Hữu Thắng, một nông dân trồng lúa ở xã Phú Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang - địa phương thu hoạch lúa thu đông xong được gần 1 tháng đặt vấn đề: “Tại sao họ (VFA) không tăng giá sàn xuất khẩu sớm hơn để giữ giá mà đợi đến khi chúng tôi bán hết lúa mới tăng?”.

Trung Chánh

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Cao su vững giá trong kỳ nghỉ lễ (28/12/2011)

>   Việt Nam có thể trở thành nước xuất gạo hàng đầu (27/12/2011)

>   Xuất khẩu càphê cả năm 2011 có thể tăng 6% (26/12/2011)

>   Xuất khẩu gạo: Khung giá sàn sẽ là “hàng rào thép”? (26/12/2011)

>   Găm hàng cà phê chờ giá: Coi chừng “cốc mò cò xơi” (25/12/2011)

>   Mưa lớn ở Đông Nam Á đẩy giá cao su lên cao (25/12/2011)

>   Thị trường đường sẽ khởi sắc trong quý 3 năm 2012 (25/12/2011)

>   Xuất khẩu gạo 2012: Sau lượng là chất? (24/12/2011)

>   Xuất khẩu gạo: Nhìn lại năm nay, lo về năm tới (23/12/2011)

>   Giá cà phê ICE giảm (23/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật