Thứ Sáu, 23/12/2011 22:56

Xuất khẩu gạo: Nhìn lại năm nay, lo về năm tới

Xuất khẩu gạo năm 2011 chỉ còn phải chờ thêm ít ngày để chốt lại các mốc kỷ lục mới. Số liệu đến cuối tháng 11/2011, Việt Nam đã có sản lượng gạo xuất khẩu vượt cả năm đỉnh cao trước đó, với tốc độ tăng trưởng kim ngạch ở mức gần gấp hai cùng kỳ năm ngoái.

Sự thành công trên đấu trường quốc tế của gạo Việt cũng thể hiện ở góc độ giá đuổi kịp Thái Lan ở một số thời điểm, hay thiết lập chặt chẽ các mối quan hệ bạn hàng truyền thống với Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore và mở ra nhiều thị trường mới quan trọng như Bangladesh, Côte d'Ivoire, Senegal…

Nhưng, nhìn về tổng thể, xuất khẩu gạo năm nay có thể thấy được trên biểu đồ về sản lượng và kim ngạch, gắn với nó là ba giai đoạn: trắc trở đầu năm, hanh thông kéo dài suốt quý 2 và phần lớn quý 3, để rồi lại trùng xuống trong những tháng cuối năm này.

Từ trắc trở

Còn nhớ hồi đầu năm nay, trong tình thế giá gạo điều chỉnh giảm nhẹ và xuất khẩu tháng 1 không mấy khả quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thận trọng dự báo, khối lượng gạo xuất khẩu trong năm 2011 sẽ chỉ dao động ở mức 5,5-6,1 triệu tấn.

Lo ngại kỷ lục trên 6,7 triệu tấn gạo xuất khẩu năm trước đó không thể duy trì, hội nghị triển khai kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2011 của Hiệp hội Lương thực Việt Nam vào lúc “khai xuân” cũng chỉ đưa vào kế hoạch phấn đấu 6 triệu tấn, mức kim ngạch tương đương năm trước đó, vào khoảng 3 tỷ USD.

Sự thận trọng kể trên dường như không thừa. Châu Phi và Trung Đông gặp khó khăn do bất ổn chính trị leo thang. Thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Philippines, với kim ngạch năm 2010 gần đạt 1 tỷ USD, đột ngột thay đổi chính sách, cho phép khu vực tư nhân tham gia sâu vào nhập khẩu gạo.

Sự trì hoãn và giảm nhập khẩu từ thị trường Philippines trong giai đoạn này đã góp phần tạo nên giai đoạn trì trệ trong xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm. Đài Loan, Singapore cũng nằm trong số các thị trường giảm mạnh mức sản lượng và kim ngạch nhập khẩu gạo từ Việt Nam trong năm nay…

Đến hanh thông

Nhưng “trong cơn bĩ cực” nhiều bạn hàng truyền thống khác đã trám chỗ nhanh chóng mà Indonesia là một ví dụ điển hình. Ngay trong tháng đầu năm, quốc gia này đã nhập khẩu hơn 200 nghìn tấn gạo Việt Nam, chiếm gần 2/3 tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong tháng.

Sự gia tốc của nhiều thị trường cũng thúc đẩy Philippines quay trở lại. Thực tế đến cuối tháng 11 năm nay, bạn hàng lớn của năm ngoái chỉ còn duy trì mức kim ngạch bằng một nửa 2010, nhưng vẫn đứng thứ hai trong các đối tác quan trọng hàng đầu của gạo Việt.

Tính trong 11 tháng năm 2011, Indonesia đã thế chỗ hoàn toàn Philippines để trở thành đối tác lớn nhất của gạo Việt Nam, với sản lượng nhập khẩu đạt hơn 1,7 triệu tấn, giá trị kim ngạch xấp xỉ 930 triệu USD.

Song hành cùng xu hướng kể trên, rất nhiều thị trường mới được gạo Việt Nam khai phá trong năm nay, đáng kể là Bangladesh, Côte d'Ivoire, Senegal, duy trì ở mức nhập khẩu 3-4 trăm nghìn tấn với kim ngạch đều vượt 100 triệu USD đến gần 200 triệu USD.

Kéo dài từ khoảng tháng 3 cho đến tháng 8/2011, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt nam liên tục trụ vững ở mức từ trên 650 triệu đến gần 900 triệu tấn một tháng.

Và… trùng xuống

Nhưng vào tháng 9/2011, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đột ngột giảm hơn 40% so với tháng trước đó. Trong khoảng 3 tháng gần đây, lượng gạo liên tục duy trì xu hướng giảm đó, về lại mức khoảng 400-450 nghìn tần/tháng.

Đầu tháng này, bản tin cập nhật dự báo thị trường một số nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp tục hạ mức dự báo lượng gạo xuất khẩu trong năm nay xuống mức 7,37 triệu tấn. Nhưng với đà này, khả năng đạt được con số dự báo nêu cũng không dễ.

Nguyên nhân chính cho những thay đổi vừa qua là do Ấn Độ đã quay trở lại thị trường cung ứng gạo. Quốc gia này, cùng với Pakistan đã cung cấp ra thị trường một lượng gạo lớn với giá rẻ, tác động mạnh đến giá gạo của Việt Nam, cũng như hướng nhu cầu của nhiều đối tác nhập khẩu sang phía họ.

“Vì giá của họ thấp quá, có lúc giá thấp hơn đến 100 USD/tấn, có khi lên đến 120-130 USD/tấn”, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) Trương Thanh Phong cho biết như vậy. “Hiện nay, gạo Ấn Độ và Pakistan đang làm cho giá thị trường giảm xuống quá nhanh”.

Ấn độ đã tuyên bố sẽ bán 2 triệu tấn gạo trong năm nay, nhưng nhiều phỏng đoán cho rằng con số có thể còn lớn hơn thế. Thái Lan cũng đang tồn kho lớn, khoảng 2 triệu tấn của nhà nước, các nhà máy xay khoảng 3 triệu tấn. Trong khi đó, Việt Nam đang đứng trước một vụ Đông Xuân dự kiến sẽ đạt sản lượng lớn hơn mọi năm.

“Giá này thì thị trường cũng chưa chấp nhận, người ta còn phải chờ. Vì vậy, vô đầu năm chúng ta sẽ có khó khăn, giá mình sẽ bị ảnh hưởng theo. Thu hoạch vụ Đông Xuân này, giá lúa gạo trong nước có thể giảm xuống thấp”, ông Phong nhìn nhận.

Theo Chủ tịch VFA, kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2012 sẽ chỉ dự kiến ở mức khoảng 6,5-7 triệu tấn.

tbktvn

Các tin tức khác

>   Giá cà phê ICE giảm (23/12/2011)

>   Thị trường lúa gạo: Giá rớt thấp nhất từ đầu vụ hè thu (22/12/2011)

>   Giá sàn gạo xuất khẩu tăng thêm 10USD/tấn (22/12/2011)

>   Cà phê bung hoa sớm gây bất lợi (22/12/2011)

>   Vỡ nợ cà phê hơn 300 tỉ đồng (21/12/2011)

>   Đề nghị xuất khẩu đường sang Trung Quốc (21/12/2011)

>   Thị trường cao su Tokyo ngày 20/12 ổn định (21/12/2011)

>   Nông dân găm cà phê, doanh nghiệp gặp khó (20/12/2011)

>   Giá gạo giảm trên toàn châu Á (19/12/2011)

>   Nhập khẩu càphê của Hàn Quốc lên cao kỷ lục (19/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật