Chủ Nhật, 25/12/2011 22:09

Găm hàng cà phê chờ giá: Coi chừng “cốc mò cò xơi”

Giá cà phê robusta trên thị trường kỳ hạn (TTKH) Liffe London tiếp tục giảm. Giá robusta nhân xô nội địa mất thêm một ít. Đầu cơ và cách thức mua bán cà phê trên thị trường nội địa đang có vấn đề: hãm đà bình thường trong xuất khẩu. Từ hai tuần nay, càng găm hàng, giá càng giảm. Nông dân đang chờ giá cao, rất đáng hỗ trợ và trân trọng. Nhưng coi chừng … “cóc mò cò xơi”.

Biểu đồ 1: Giá đóng cửa robusta Liffe so với giá nội địa đến hết ngày 23-12 (tác giả tổng hợp)

Đồng đô la tăng kéo giá hàng hóa xuống

Tuần qua, giá cà phê robusta trên thị trường kỳ hạn Liffe (TTKH) mỗi ngày rớt thêm một ít. Tình hình khủng hoảng nợ châu Âu càng lúc càng lộ rõ tính phức tạp của bài toán khó giải quyết của nó. Rất nhiều ngân hàng trong các nước sử dụng đồng euro (eurozone) đang khát vốn trầm trọng.

Chỉ một cái vèo, ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã đảo nợ cho 523 ngân hàng thuộc eurozone với lượng tiền trên dưới 500 tỉ euro. Hành động của ECB đã giúp nhiều ngân hàng trong vùng tạm thời thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ. Nhưng mặt khác, đã phô bày cho giới kinh doanh và đầu tư thấy rằng cơn khát vốn của các ngân hàng ấy sẽ là khó khăn của nhiều nước châu Âu đang trong cảnh nợ nần chồng chất.

Biểu đồ 2: Chỉ số đồng đô la Mỹ tăng khi ECB đảo nợ - Nguồn: TradingCharts

Ngay lập tức, đồng euro rớt, đưa đồng đô la Mỹ và chỉ số đô la Mỹ tăng (xin xem biểu đồ 2) tăng, các nhà kinh doanh buộc phải bán tháo hàng hóa để cân đối lượng tiền của họ. Giá vàng, cà phê và nhiều thứ trên các TTKH đua nhau giảm.

Giá đóng cửa cà phê robusta đến hết phiên giao dịch cuối tuần ngày 23-12 trên TTKH Liffe cơ sở giao dịch tháng 3-2012 chỉ còn 1.831 đô la/tấn, giảm so với cuối tuần trước 66 đô la và so với ngày đầu vụ mất 183 đô la/tấn.

Chỉ còn vài ba phiên nữa là hết năm. Sức ép chốt giá cho tháng giao dịch gần nhất (hiện tại là tháng 1-2012) đã làm cho giá TTKH càng giảm. Hơn nữa, thế giới đang vào dịp mừng lễ Giáng sinh và mừng năm mới 2012, nên giao dịch càng yếu và rời rạc.

Thị trường nội địa: ứng xử lạ thường

Do các nhà xuất khẩu hạn chế bán ra vì thiếu vốn, hạt cà phê năm nay mới được hái khá đúng lịch. Hiện nay, còn chừng 15-20% diện tích đang được thu hái để kết thúc vụ thu hoạch niên vụ 2011-12 này. Nhiều nơi, cà phê được hái có tỉ lệ chín nhiều hơn, được phơi phóng tự nhiên, nên mất mát sau thu hoạch sẽ giảm đi và chất lượng cà phê tốt hơn nhiều so với các vụ trước.

Chỉ có điều, so với những năm trước, năm nay lượng bán ra ít vì một mặt hàng hóa chưa sẵn sàng (hái chậm), mặt khác các nhà xuất khẩu khó chạm được tín dụng, nên ngành cà phê vuột mất cơ hội bán đại trà với mức giá cao ngay từ đầu vụ.

Tính đến nay, ước có chừng 210.000 tấn đã được xuất khẩu. Như thế, bình quân mỗi tháng Việt Nam xuất khẩu chừng 70.000 tấn, một con số có thể tạo đủ độ căng cho giá TTKH khỏi rớt. Nhưng giá vẫn tiếp tục rớt cả trên TTKH lẫn thị trường nội địa.

Sáng hôm nay 24-12, giá cà phê nhân xô được các nhà chế biến xuất khẩu chào mua các tỉnh Tây Nguyên ở mức quanh 38.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng so với cuối tuần trước. Song, một số nhà đầu cơ nhỏ lẻ tại địa phương có thể phóng giá cao hơn 200-300 đồng để tranh mua hàng. Rõ ràng, các nhà xuất khẩu không thể tranh mua giá cao bất thường vì sẽ thua lỗ, đặc biệt trong giai đoạn giá rớt liên hồi trên thị trường. Vả lại, với đầu cơ, giá nào họ cũng mua được tuy số lượng sẽ rất hạn chế.

Chính vì vậy, nông dân nhiều địa phương đang ngập ngừng chưa vội bán vì giá cà phê nhân xô đang hết sức hỗn loạn. Mặt khác, một số nhà xuất khẩu chân chính đang tạm thời ngưng mua xuất khẩu vì nhiều người, đại lý bán hàng không chịu xuất hóa đơn bán hàng có thuế trị giá gia tăng. Đây cũng là một yếu tố làm cho lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 12 yên ắng hơn bình thường.

Giá xuống do tồn kho phát huy tác dụng

Khỏi phải bàn cãi, giá từ đầu niên vụ đến nay không ngừng xuống. Nếu như giá ngày đầu vụ ở mức chừng 42.500 đồng/kg thì hôm nay chỉ còn 38.000 đồng. Trong khi đó, nhiều người vẫn dựa vào các nguồn thông tin cho rằng thị trường đang thiếu hàng trầm trọng mà quên phân tích toàn cục để làm rõ thêm cho thị trường giúp tránh những rủi ro bán giá thấp đáng tiếc.

Nếu nhìn từ con số xuất khẩu từ Việt Nam đi, điều đó có thể đúng. Nhưng, chính những lúc này mới thấy rằng lượng hàng trước đây do một vài tay đầu cơ mua và “nhốt” tại các kho châu Âu, trong đó có hàng tồn kho được Liffe xác nhận chất lượng (certifieds) đến những ngày này mới phát huy tác dụng: tích cực cho các nước tiêu thụ, tiêu cực cho các nước xuất khẩu.

Giả sử bình quân thế giới cần 100.000 tấn cà phê robusta/tháng. Nếu Việt Nam chỉ xuất khẩu chừng 70.000 tấn/tháng, họ sẽ trích dần lượng hàng tồn kho tại châu Âu để bù đắp cho lượng hàng thiếu nếu như Brazil và Indonesia không xuất khẩu hạt robusta nào. Trong trường hợp ta bán giá cao, họ sẽ mua cầm chừng và chỉ những lúc rất cần. Số còn lại, sẽ lấy từ các kho ở châu Âu. Và…ngồi chờ giá rẻ. Đến một lúc nào đó, khi giá được họ xem là có thể chấp nhận, họ sẽ ngưng lấy hàng từ các kho châu Âu để mua trực tiếp từ Việt Nam.

Như vậy, chính các tay đầu cơ là người hưởng lợi hoàn toàn trong bài toán cung - cầu hiện nay. Chính họ là người gom hàng và tạo các cơn sốc thiếu hàng giả tạo trên thị trường. Cũng nên nhớ lại rằng các nhà đầu cơ cỡ những ngày này năm ngoái, giá loại R2, 5% đen bể mức trừ lùi 100-120 đô la/tấn dưới giá TTKH Liffe. Thì đến nay, nếu không ép các nước xuất khẩu bán giá rẻ được, họ sẽ bán ra tại châu Âu mức bằng giá niêm yết TTKH Liffe chẳng hạn, lời 100-120 đô la/tấn. Ngược lại, một khi các nước xuất khẩu chấp nhận bán giá rẻ, họ lại tiếp tục gom hàng về để tại các kho Liffe để tìm cách tạo cơn sốc giá mới.

Tính đến 12-12-2011, tồn kho robusta được Liffe xác nhận chất lượng còn 275.350 tấn. Nếu giá bán của các nước xuất khẩu cao và Việt Nam xuất cầm chừng 70.000 tấn/tháng, chỉ riêng lượng tồn kho Liffe này sẽ còn cầm cự được 9 tháng (30.000 tấn/tháng theo phép tính thử của bài báo).

Liệu trong vòng chừng ấy thời gian, giữa những lúc “đụng hàng” vụ mới với Indonesia và Brazil, nông dân ta có còn tâm và lực để giữ hàng lại hay rồi cũng phải bán ra trong thế “cóc mò cò xơi”?

Nguyễn Quang Bình

TBKTSG ONLINE

Các tin tức khác

>   Mưa lớn ở Đông Nam Á đẩy giá cao su lên cao (25/12/2011)

>   Thị trường đường sẽ khởi sắc trong quý 3 năm 2012 (25/12/2011)

>   Xuất khẩu gạo 2012: Sau lượng là chất? (24/12/2011)

>   Xuất khẩu gạo: Nhìn lại năm nay, lo về năm tới (23/12/2011)

>   Giá cà phê ICE giảm (23/12/2011)

>   Thị trường lúa gạo: Giá rớt thấp nhất từ đầu vụ hè thu (22/12/2011)

>   Giá sàn gạo xuất khẩu tăng thêm 10USD/tấn (22/12/2011)

>   Cà phê bung hoa sớm gây bất lợi (22/12/2011)

>   Vỡ nợ cà phê hơn 300 tỉ đồng (21/12/2011)

>   Đề nghị xuất khẩu đường sang Trung Quốc (21/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật