Thứ Sáu, 09/12/2011 06:56

Nhượng quyền thương hiệu SJC?

Khi mà thị trường hiện đang có những xáo trộn nhất định, đặc biệt là do tâm lý lo lắng của người dân và sự khó khăn của các thương hiệu vàng phi SJC, thì chúng ta cần chọn một giải pháp để có thể nhanh chóng vượt qua thời kỳ quá độ của việc ổn định thị trường vàng.

Trong dịp trao đổi với báo chí vừa qua, bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), đơn vị đang kinh doanh sản phẩm vàng PNJ - Đông Á Bank, bày tỏ sự ủng hộ việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chọn SJC làm sản phẩm vàng chính thức nhằm quản lý thị trường vàng. Rõ ràng, đây là một sự hy sinh của một nhà kinh doanh có tâm, và có lòng yêu nước. Tôi chia sẻ cùng bà những trăn trở của một nhà kinh doanh lớn, và cũng suy nghĩ nhiều về sự hy sinh này.

Rõ ràng, chọn SJC là sản phẩm chính thức là một lựa chọn đúng. Nó vượt qua được những rào cản duy ý chí là phải xây dựng một thương hiệu vàng mới, khi mà Nhà nước đang sở hữu một thương hiệu vàng lớn nhất tại Việt Nam và có ảnh hưởng không nhỏ đối với thị trường vàng khu vực và thế giới. Đây là một chiến lược lớn, và phù hợp nhất với tình hình đang còn vênh nhau giữa thị trường vàng Việt Nam và thế giới.

Như vậy, chúng ta sẽ thấy SJC vượt qua khỏi không gian của Công ty Vàng bạc Đá quý TPHCM (Saigon Jewelry Company) thuở nào để trở thành một thương hiệu quốc gia. Mà như thế, chúng ta cần hành xử với SJC như một thương hiệu, một niềm tự hào của Việt Nam chứ không nên gói gọn nó như một sản phẩm vàng miếng trên thị trường hiện nay.

Rõ ràng, chỉ chưa đầy một tuần sau phát biểu của Thống đốc NHNN về việc chọn SJC là thương hiệu vàng của quốc gia, thị trường đã thay đổi một cách sâu sắc. Đầu tiên là việc người dân xếp hàng rồng rắn mua vàng bình ổn thị trường của SJC. Kế đến là việc các nhà sản xuất khác đình trệ sản xuất do tâm lý đám đông e ngại “phi SJC rồi sẽ ra sao”?

Nếu chúng ta đồng ý với việc vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường, nghĩa là công nhận vàng là một sản phẩm hàng hóa chứ không còn là vật trao đổi ngang giá như trước đây, thì nó cần được một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo đúng nghĩa điều hành và quản lý. NHNN cần hỗ trợ về mặt chính sách, đường lối để SJC phát triển. SJC là một thương hiệu Việt Nam, và thương hiệu này cần được quản lý, giữ gìn một cách rõ ràng, có người nhận quyền và trách nhiệm với nó, đừng để lơ là như trường hợp của nước mắm Phú Quốc hay cà phê Buôn Ma Thuột đột nhiên bị mất một cách đáng tiếc.

Rõ ràng, có sự mất cân đối về cung cầu. Rõ ràng, có dấu hiệu của sự đầu cơ. Và rõ ràng, có sự bất hợp lý trong phân công lao động và cạnh tranh theo cơ chế thị trường ở thời điểm này. Và ai cũng biết, đây là những biểu hiện tất yếu của tình hình quá độ trước khi thị trường vàng đi vào ổn định. Và trong trường hợp này, sử dụng công cụ nhượng quyền thương hiệu (franchise) là một cách làm khôn ngoan để nhanh chóng vượt khỏi những bất cập đang diễn ra.

SJC là thương hiệu quốc gia, do đơn vị chủ quản là NHNN và đơn vị vận hành là Công ty SJC thực hiện. Nhưng những đơn vị khác, có đủ tiềm lực kinh tế, đủ năng lực về sản xuất và đủ uy tín trên thị trường hoàn toàn có thể trở thành một đối tác nhượng quyền để sản xuất vàng miếng SJC theo đúng tiêu chuẩn và chịu sự theo dõi nghiêm ngặt nhất của NHNN và Công ty SJC.

Khi đó, chúng ta giải quyết được bài toán cung cầu, vì ở đâu cũng có thể mua được thương hiệu vàng quốc gia. Khi đó, chúng ta giải quyết được bài toán tập hợp sức mạnh của nền kinh tế và tránh những lãng phí không cần thiết khi triệt tiêu những nhà sản xuất thương hiệu vàng khác.

Như vậy, ngoài việc là một thương hiệu quốc gia, với sản lượng đầy đủ sẽ giúp đóng góp vào sự bình ổn thị trường vàng trong nước, tránh đầu cơ tích trữ và giảm chi phí phải xây dựng cho các thương hiệu vàng phi SJC và chi phí phân phối sản phẩm của SJC. Đó là chưa kể hiệu quả đem lại do dễ dàng điều hành thị trường vàng miếng khi có biến cố. Dĩ nhiên, vấn đề quản lý và kiểm soát theo luật pháp và chính sách của SJC cần được thực hiện nghiêm túc.

Tôi tin rằng, đây là một bước chuyển khá mạnh bạo và quyết liệt của các nhà điều hành kinh tế vĩ mô nhằm đưa thị trường vàng Việt Nam ổn định, và từng bước hội nhập thị trường vàng thế giới một cách bền vững.

Phạm Phú Ngọc Trai

Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC)

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Vàng lại vượt 45 triệu đồng (08/12/2011)

>   Làm gì để chứng chỉ vàng đi vào thực tế? (08/12/2011)

>   Vàng tăng lần đầu trong 3 phiên, pallađi tiến phiên thứ 8 liên tiếp (08/12/2011)

>   Vàng không phải SJC bán chậm (07/12/2011)

>   Dân Ấn Độ đang giữ lượng vàng trị giá 950 tỷ USD (07/12/2011)

>   Nhà đầu tư ngày càng chuộng vàng do khủng hoảng tài chính (07/12/2011)

>   Giá vàng tiến sát 45 triệu đồng (07/12/2011)

>   Khi vàng miếng được bán với giá vàng nhẫn (07/12/2011)

>   Vàng xuống sát 1,730 USD/oz sau lời cảnh báo của S&P (07/12/2011)

>   Giá vàng đồng loạt giảm sâu, giao dịch trầm lắng (06/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật