Khi vàng miếng được bán với giá vàng nhẫn
Sau khi thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình công bố vàng SJC trở thành thương hiệu vàng quốc gia tại diễn đàn Quốc hội ngày 25.11.2011, người dân tìm cách đổi vàng hiệu khác sang vàng SJC và họ đang chịu thiệt.
Bà Võ Ngọc Quế Chi, tổng giám đốc công ty SBJ cho biết: “Mua bán vàng SBJ những ngày vừa qua chỉ được dưới 100 lượng/ngày, trong khi trước đây một vài ngàn lượng/ngày”. Ghi nhận từ giới mua bán sỉ là chủ tiệm vàng, đến khách mua lẻ ở các cửa hàng SBJ, điểm kinh doanh của Sacombank, bà Chi cho biết, hầu hết đều chọn vàng SJC là chủ yếu.
Tại công ty PNJ, lượng vàng hiệu PNJ bán ra hiện nay cũng khoảng 400 lượng/ngày, giảm hơn một nửa so với mức trước đó.
Vàng hiệu khác bị mất giá
Nhiều người từng mua thương hiệu vàng miếng khác SJC, đang trong tâm trạng đứng ngồi không yên, chăm chăm tìm cách đổi vàng đang có sang thương hiệu SJC. Như trường hợp bà Nguyễn Thanh Vân, ngụ ở quận Bình Thạnh có thói quen tích luỹ tài sản bằng vàng PNJ đã hơn sáu năm, vì sợ 15 lượng vàng sẽ bị mất giá trong thời gian tới và khó mang ra giao dịch, bà Vân mang đến tiệm vàng gần nhà và đề nghị đổi sang SJC. Nơi đây đề nghị bà bù thêm 450.000 đồng/lượng.
Hôm 4.12, bà Trần Thị Hằng ngụ ở quận 8, mang ba lượng vàng hiệu SBJ ra tiệm vàng gần khu chợ Rạch Ông bán. Bà Hằng kể: “Chủ tiệm vàng ngần ngừ không muốn thu, quay sang hỏi bà vợ, rồi cho giá mua vào thấp hơn đến 200.000 đồng/lượng so với giá vàng SJC đang ghi trên bảng”. Bà Hằng đi thêm vài tiệm nữa, thì nơi nào cũng chỉ mua vào với giá thấp hơn vàng SJC từ 150.000 – 250.000 đồng/lượng.
Người giữ vàng hiệu Bảo Tín Minh Châu, hay Thần Tài Phương Nam càng bị dìm giá nhiều hơn. Ông Nguyễn Văn Mẫn, người có được miếng vàng Bảo Tín Minh Châu từ Hà Nội, cất giữ đã ba năm, hôm 5.12.2011 mang ra khu vực Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM để bán, đi nhiều quầy thì nơi nào cũng chỉ mua vào theo giá vàng nhẫn, tức thấp hơn vàng miếng đến cả triệu đồng/ lượng. Một số người của tiệm vàng còn bảo, muốn được giá, thì... ra Hà Nội bán.
Đục nước béo cò
Hỏi thăm chủ tiệm vàng gần chợ Rạch Ông vì sao lại mua vàng SBJ giá thấp hơn, bà chủ tiệm nói: “Tôi chỉ thu vào khi bán ra được. Hiện nay toàn bộ khách mua vàng đều đòi hiệu SJC, nên nếu mua vào phải cất công mang đến trụ sở của SBJ bán lại”.
Bà Võ Ngọc Quế Chi cho rằng, từ việc vàng SJC trở thành thương hiệu vàng quốc gia, các tiệm vàng cố tình ép giá người tiêu dùng để ăn chênh lệch. Bà Quế Chi nói rõ, vàng SBJ vẫn được mua và bán bằng giá vàng SJC, và người tiêu dùng có thể bán vàng SBJ tại tất cả các điểm kinh doanh của SBJ, điểm giao dịch ngân hàng Sacombank.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Cúc, phó tổng giám đốc công ty PNJ cũng ghi nhận, vàng miếng PNJ bị ép giá ở các tiệm vàng, và bà lưu ý: “Người tiêu dùng có thể mang bán vàng PNJ bằng giá vàng thu vào của vàng SJC tại các cửa hàng PNJ, cũng như các điểm giao dịch ngân hàng Đông Á”.
Riêng về việc vàng SJC bán tại các tiệm vàng lại có giá cao hơn mức giá vàng bình ổn mà công ty SJC và một số ngân hàng thương mại công bố, theo bà Cao Thị Ngọc Dung, tổng giám đốc công ty PNJ, thì ngân hàng Nhà nước cần sớm có quy định rõ ràng việc phân phối vàng miếng SJC, tránh tình trạng mỗi nơi mỗi giá.
Bà Dung nói rằng, đã là bán vàng bình ổn thì giá vàng trong và ngoài nước chênh nhau 300.000 đồng/lượng là hợp lý nhưng có những ngày giá vàng chênh lệch 1,5 – 2 triệu đồng/lượng thì thật sự phi lý. Như vậy là vẫn còn mục tiêu kinh doanh trong đó và chưa rạch ròi giữa kinh doanh và bình ổn.
Bích Thuỷ
sài gòn tiếp thị
|