Góc nhìn Nhà đầu tư
Những nền tảng để TTCK phát triển bền vững
(Vietstock) – Trong tuần, chỉ số chứng khoán hai sàn kiểm chứng vùng hỗ trợ đã tỏ ra khá bền vững ở mức 60 và 380 điểm nhưng giao dịch vẫn rất ảm đạm. Câu hỏi luôn được đặt ra trong mỗi nhà đầu tư (NĐT) suốt thời gian qua là “Thị trường đang đi về đâu?”
Bản thân là NĐT, tôi luôn trông chờ những thay đổi trên các lĩnh vực liên quan đến thị trường chứng khoán nhằm tạo động lực cho sự phát triển bền vững của thị trường.
Thứ nhất, trong phiên chất vấn trước Quốc hội ngày 25/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, bên cạnh việc ưu tiên kiểm soát lạm phát, Chính phủ sẽ có giải pháp phục hồi chứng khoán, bất động sản và không để giá vàng chênh lệch lớn giữa trong nước và thế giới, đảm bảo quyền lợi của người dân. Nhận định trên đã phần nào làm an lòng được các NĐT, tuy nhiên người dân thì vẫn mong đợi các giải pháp cụ thể trên như nắng hạn đợi mưa rào.
Thứ hai, trả lời chất vấn chiều ngày 24/11, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết định hướng, với lạm phát tăng thấp trong tháng 11 này thì nhà điều hành có điều kiện để xem xét việc giảm trần lãi suất huy động cũng như lãi suất điều hành. Thiết nghĩ nền kinh tế xã hội nếu ví như một cơ thể thì hệ thống ngân hàng lại là cơ quan huyết mạch, điều tiết dinh dưỡng tới các bộ phận. Vì vậy, việc mở van hay đóng van tín dụng cần phải căn cứ vào các cơ sở khoa học. Tránh để doanh nghiệp lâm vào tình trạng …cao huyết áp hoặc hạ đường huyết, đây đều là những nguyên nhân có thể dẫn đến tắc tử.
Thứ ba, về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong khuôn khổ của bài viết, ngưòi viết chỉ mạo muội đưa ra một ví dụ nhỏ nhằm minh chứng cho doanh nghiệp (DN) ở một góc độ nào đó.
Nhớ lại mấy hôm được nghỉ lễ, một mình lang thang ra khu chợ lớn của thành phố, khu chợ đã từng vang bóng một thời. Ngày ấy đã có lần một Nguyên thủ quốc gia khi ra thăm chợ đã phải thốt lên “chợ sầm uất quá, có lẽ ở đây chỉ còn thiếu xích xe tăng và cao xạ pháo là không thấy bày bán thôi”.
Bây giờ, vẫn là cảnh chợ đông vui, hàng hoá tấp nập, trên là trời dưới là máy móc thiết bị. Từ máy tời, mắy cắt, máy đột dập, máy nén khí, máy trộn vữa, máy khoan cắt, máy phát điện…với mẫu mã đẹp, giá rẻ bất ngờ. Nhưng trong tôi vẫn mãi trăn trở khi trên 90% các thiết bị tại chợ đều có nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc. Vậy các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất ra loại hàng hóa gì để mang ra chợ bán?
Chia sẻ lời tâm sự của một ông Giám đốc Công ty tư nhân sản xuất thép: Trong năm qua khó khăn lắm mới vay được của ngân hàng chút vốn để phát triển sản xuất, nhưng trong quá trình thực hiện nguồn vốn này phải tiếp đến 4 đoàn thanh tra từ trung ương tới địa phương chỉ để giải trình 2 nội dung chính sau:
Thứ nhất: Tại sao anh mua thiết bị từ nước ngoài về mà lại không có “hoá đơn đỏ”?
Vị GĐ doanh nghiệp: Thưa ông, khi ông ra nước ngoài, nếu ông gặp một cái IPON đẹp giá chỉ có 300 USD, nhưng nếu có nhu cầu lấy “hoá đơn đỏ” thì phải chấp nhận mua giá 600 USD. Vậy ông chọn cách mua nào?
Thứ hai: Trong bản dự án anh viết là nâng cấp nhà xưởng, mà thực tế thì tại sao lại tiến hành xây mới nhà xưởng?
Vị GĐ doanh nghiệp tiếp: Thưa ông, tôi nâng cấp cái nhà xưởng này là từ… mặt đất lên tới mái chứ không phải là xây mới đâu ạ.
Những chuyện tưởng như đùa này, nhưng thực tế thì vẫn đang hiện diện ở rất nhiều các doanh nghiệp tư nhân.
Thiết nghĩ, các chính sách quản lý thị trường cũng cần phải tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho DN phát huy tối đa hiệu quả đồng vốn nhằm sản xuất ra nhiều của cải vật chất cho xã hội và đây cũng chính là nền tảng để TTCK phát triển bền vững.
Và cuối cùng, trực tiếp với thị trường chứng khoán hơn là việc rút ngắn thời gian thanh toán T+, minh bạch các thông tin doanh nghiệp và thị trường, xử lý nghiêm hành vi thao túng làm giá cổ phiếu, tái cấu trúc năng lực các CTCK, kiểm soát việc niêm yết và phát hành trái phiếu tràn lan. Tất cả những việc này đang cần những chế tài cụ thể để thực hiện ngay, với mong muốn TTCK thực sự trở thành một kênh thu hút vốn lành mạnh, giúp cho các doanh nghiệp phát triển một cách bền vững.
TTCK đang có những động thái được quan tâm và cũng đang dần ổn định về đúng với thực lực của nó. Tuy nhiên, NĐT vẫn rất mong đợi ở các giải pháp hỗ trợ cụ thể, chi tiết hơn và sớm được triển khai thực hiện.
Thuỳ Linh
|