Cổ phiếu giá 'trà đá' đắt khách
Một số cổ phiếu có thị giá thấp trên cả hai sàn chứng khoán TPHCM và Hà Nội đang có tín hiệu tăng trở lại. Kết quả kinh doanh không tệ, khả năng hồi phục, lãi suất ngân hàng giảm và sự mạo hiểm đang khiến dòng tiền chảy vào nhóm các cổ phiếu này?
Kết thúc phiên giao dịch 1/12, sàn chứng khoán Hà Nội đã có một phiên tăng điểm khá ấn tượng với +1,17% lên 61,18 điểm với sự đóng góp của khá nhiều cổ phiếu có thị giá thấp.
Có thể kể đến như KSD, KTT, SHS, THV tăng trần lên tương ứng 3.400 đồng/cổ phiếu, 2.100 đồng/cổ phiếu, 4.000 đồng/cổ phiếu và 4.100 đồng/cổ phiếu. Trong đó, THV của CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam có dư mua trần lên tới hơn 1,3 triệu đơn vị.
Trong phiên trước đó, trên sàn HOSE, nhóm cổ phiếu "trà đá" có giá dưới 2.000 đồng/cổ phiếucũng rơi vào tốp tăng giá mạnh nhất thị trường, trong đó BAS tăng từ 1.600 lên 1.700 đồng; TRI tăng từ 1.900 lên 2.000 đồng; CAD tăng từ 2.000 lên 2.100 đồng; VES tăng từ 2.000 lên 2.100 đồng/cổ phiếu...
Sự tăng giá trở lại của một số mã cổ phiếu này có nhiều lý do, nhưng dường như có một điểm chung là các nhà đầu tư đang nhìn thấy tiềm năng có thể bất ngờ sinh lời mạnh của các cổ phiếu này?
Xét về trường hợp THV của CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam có thể thấy, cổ phiếu này trước đó giá giảm mạnh và có lúc xuống tới 3.800 đồng/cp là do công ty này giống như bao doanh nghiệp khác gặp nhiều khó khăn như thiếu vốn do tín dụng thắt chặt và hơn thế dòng tiền vào TTCK khô cạn.
Trong quý III/2011, THV lỗ ròng 26,21 tỷ đồng do chi phí lãi vay quá lớn với dư nơ cuối quý này là hơn 2.000 tỷ đồng, chiếm hơn 77% tổng tài sản. Lũy kế 9 tháng, THV lỗ ròng 4,46 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 52,35 tỷ đồng.
Giải thích lý do, THV cho biết nguyên nhân gây ra sự biến động này do công ty gặp nhiều khó khăn về tài chính, các ngân hàng thắt chặt tín dụng nên việc huy động vốn khó, lãi suất cao. Mặt khác, lượng hàng tồn kho còn nhưng chất lượng không được tốt, công ty chưa thỏa thuận được với khách hàng về giá cả cũng như chỉ tiêu và chất lượng. Mặt hàng cà phê Robuta trên thế giới trong quý III giảm mạnh, nguyên liệu hàng tồn kho đầu vào cao, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của đơn vị.
Những khó khăn này là không nhỏ và đa số các doanh nghiệp niêm yết trên sàn khác cũng đang gặp phải và chưa có lối thoát.
Tuy nhiên, THV dường như may mắn hơn và có một chiến lược kinh doanh rõ ràng kiên định.
Cụ thể, trong những ngày cuối cùng của tháng 11/2011, THV đã chính thức công bố Quỹ Haverstock Master Fund đồng ý mua lại cổ phần không phát hành hết của THV trong đợt phát hành tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng của công ty. Trị giá hợp đồng khoảng 320 tỷ đồng. Với số tiền từ đợt tăng vốn này THV sẽ có lượng vốn để tái cơ cấu lại hoạt động tài chính của công ty.
Trước đó, ngày 7/10, ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ THV đã có cuộc gặp mặt với báo chí về kế hoạch tăng vốn để đầu tư vào diện tích trồng cà phê mới sau khi được chính phủ Lào cấp thêm 6.000 ha đất tại tỉnh Champasat và 4.000 ha tại Xepon.
Kế hoạch tăng vốn thực chất đã được chuẩn bị từ trước và được nghị quyết đại hội cổ đông chấp thuận nhưng không triển khai được sớm do phải hoàn thành các thủ tục và giá cổ phiếu ở mức thấp hơn mệnh giá nên khó phát hành tăng vốn.
Theo ông An, dự kiến trong một vài năm tới THV sẽ có nhiều nguồn doanh thu ổn định từ cà phê trông tại các vùng Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình; từ các sản phẩm của các nhà máy sản xuất ca phê hòa tan, nhà máy chế biến ca phê Sơn La...
Tiềm năng của THV rõ ràng là khá lớn nếu nhìn lại mức lợi nhuận hơn 52 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2010.
Đây có thể là lý do mà các lệnh mua chất đống tới hơn 1,3 triệu đơn vị dư mua giá trần trong phiên giao dịch sáng 1/12.
Tình trạng nhà đầu tư "bừng tỉnh" cũng có thế thấy ở một số mã cổ phiếu khác như Giầy Sài Gòn (SSF) và Gỗ Tân Mai (TMW) trên sàn UPCOM khi mà hai doanh nghiệp này trong tháng 11 bất ngờ công bố trả cổ tức ở mức "quá khủng" so với thị giá.
Hôm 29/11, SSF quyết định tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt năm 2011 trị giá 1.800 đồng/cổ phiếu cho cổ đông khi mà giá cổ phiếu này chỉ ở mức 3.700 đồng/cổ phiếu. Với mức này, tỷ suất cổ tức tạm tính cũng đạt gần 50%.
Trước đó, Gỗ Tân Mai cũng quyết định trả cổ tức bằng tiền mặt 2.000 đồng/cổ phiếu khi giá giao dịch đang ở mức có 4.500 đồng/cổ phiếu. Tỷ suất cổ tức cũng cao không kém là 44,4%.
Và một kịch bản chung là cả TMW và SSG đều không có giao dịch trong những ngày vừa qua do không có người bán trong khi người mua cũng chán không buồn đặt mua giá trần.
Bên cạnh những công ty làm ăn tốt hoặc có tiềm năng làm ăn tốt và thua lỗ chỉ là tạm thời thì giới đầu tư cũng đang tính toán mạo hiểm với một số cổ phiếu có thị giá quá quá thấp như VKP của Nhựa Tân Hóa khi mà giá cổ phiếu này rớt có lúc về tới 600 đồng/cổ phiếu cho dù công ty này thua lỗ 3 năm liên tiếp và nguy cơ rời sàn là gần như 100%.
Rõ ràng ở TTCK, từ nhà đầu tư non nớt cho tới lão luyện đều hiểu một điều là rủi ro lớn thì cơ hội lớn. Có người tính theo kiểu đánh bạc nhưng cũng có nhiều người cho rằng đây là cơ hội có thể nói vài chục năm mới có một lần để mua các cổ phiếu tiềm ở mức giá rẻ bất ngờ.
Vấn đề là ở chỗ ai là người có tiền và họ có kiến thức và giác quan thứ 6 để đưa ra được một quyết định sáng suốt không? Thêm một yếu tố nữa là sự may mắn, bởi có thể quyết định đúng như doanh nghiệp mà nhà đầu tư đó chọn lại thiếu một chút may mắn trong kinh doanh và không vượt qua được đợt khó khăn này.
Mạnh Hà
diễn đàn kinh tế việt nam
|