Thời điểm của các cuộc mua - bán lớn
Các khoản vốn lớn vẫn đang được rót vào TTCK Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng có một sự khác biệt so với giai đoạn trước đây là sự hiện diện của các nhà đầu tư chiến lược ngày một nhiều hơn bên cạnh các định chế tài chính.
|
Hầu hết vụ thoái vốn của VinaCapital thời gian qua là bán cho NĐT chiến lược |
Theo nguồn tin của ĐTCK, một quỹ đầu tư tài chính lớn đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng để mua cổ phần của một công ty trong lĩnh vực cao su với giá hơn 30.000 đồng/CP. Trước đó, một quỹ đầu tư lớn của Trung Đông cũng muốn đầu tư vào công ty này, nhưng do các đối tác mới và cũ của công ty không nhân nhượng với nhau về điều kiện đầu tư kèm theo nên thương vụ không thể chốt lại. Một công ty xây lắp khác cũng đang trong quá trình đàm phán với nhiều đối tác để lựa chọn phát hành cổ phiếu mới.
Đầu tuần sau, CTCP Đầu tư và Phát triển nhà đất Cotec (CLG) sẽ gặp gỡ báo chí để công bố thông tin về việc cổ đông nước ngoài là Tama Global Investments Pte.Ltd chính thức trở thành cổ đông lớn của CLG. Tama đã mua 2 triệu cổ phiếu, tương đương 20% cổ phần của CLG theo phương thức thỏa thuận trong ngày 22/11.
Tama là công ty xây dựng của Nhật Bản có hoạt động ở nhiều nước và đặt văn phòng đại diện tại Singapore. CLG được đối tác này lựa chọn vì đây là công ty bất động sản phát triển 2 mảng nhà chung cư cho người thu nhập trung bình khá và đặc biệt là phát triển mạnh dự án nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, các dự án bệnh viện và khu nghỉ dưỡng cho người cao tuổi. Đây là sản phẩm dịch vụ và bất động sản phù hợp với nhu cầu của người dân Nhật Bản, nhất là những người cao tuổi có tích lũy về tài sản, khi mà ở Nhật Bản, động đất, sóng thần hay xảy ra.
Mua cổ phần CLG ở thời điểm này, Tama có thể mua với giá tương đương mệnh giá, do thị giá CLG giảm về dưới mệnh giá trong thời gian dài trước khi tăng trở lại như hiện nay.
CTCP Gỗ Trường Thành (TTF) vừa công bố việc thành lập liên doanh với Tập đoàn OJI - công ty lớn trong lĩnh vực trồng rừng của Nhật Bản, để huy động nguồn vốn cho hoạt động trồng rừng ở Phú Yên và tiếp theo sẽ là ĐắkLắk.
Theo ông Andy Ho, Tổng giám đốc đầu tư VinaCapital, đây là thời điểm tốt để các DN nước ngoài mua cổ phần, mua cổ phần chi phối ở những công ty Việt Nam cùng ngành nghề kinh doanh, mở rộng hoạt động kinh doanh ở nước ta. “Hoạt động thoái vốn của VinaCapital trong 1 năm qua ở trường học quốc tế, bệnh viện hay ở Halico đều là bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược”, Andy Ho nói.
Theo thống kê của Dragon Capital, trong 1 năm qua, các vụ mua bán và sáp nhập được công bố có sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược có trị giá hơn 2 tỷ USD, gấp 10 lần năm ngoái. Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital đánh giá, xu hướng này sẽ tăng trong năm tới.
“Trước đây, những quỹ đầu tư như chúng tôi cũng được gọi là nhà đầu tư chiến lược, nhưng các DN nước ngoài cùng lĩnh vực kinh doanh chính với DN Việt Nam mới là nhà đầu tư chiến lược thật sự. Và các nhà đầu tư chiến lược thường đi sau nhà đầu tư là các định chế tài chính”, ông Dominic nói.
Theo phân tích của ông Dominic, định chế tài chính thường đi trước trong quá trình đầu tư vì họ kiên nhẫn, dũng cảm hơn, có thể chấp nhận mức độ mạo hiểm cao hơn nhà đầu tư chiến lược. Thời điểm này, khi các định chế bắt đầu tái cơ cấu danh mục đầu tư là cơ hội cho các DN nước ngoài đầu tư vào DN Việt Nam. Ngược lại, các DN Việt Nam đang thiếu vốn sẽ nhiệt tình hơn để tìm kiếm bạn đồng hành cùng ngành nghề là DN nước ngoài.
Một số quỹ đầu tư khác cho biết, trong nhiều trường hợp, khi đầu tư vào một DN, định chế tài chính đi trước, nhà đầu tư chiến lược đi sau hoặc một thương vụ đầu tư sẽ thành công hơn nếu một định chế tài chính kết hợp với một nhà đầu tư chiến lược cùng đầu tư vào và phát triển một công ty có tiềm năng ở Việt Nam.
Từ kinh nghiệm của mình, ông Andy Ho chia sẻ, khi thu hút nhà đầu tư chiến lược, các DN Việt Nam cần lưu ý là quyền quản lý của đội ngũ lãnh đạo cũ sẽ giảm đi rất nhiều. Liệu đội ngũ quản lý có chấp nhận sự chia sẻ quyền lực này không?
Đây là sự khác biệt rất lớn giữa cổ đông lớn là định chế tài chính và nhà đầu tư chiến lược. Nếu các định chế tài chính thường chỉ đóng vai trò tư vấn, hoạch định chiến lược, nâng cao chất lượng quản trị DN và phần lớn vẫn dành quyền điều hành cụ thể cho cổ đông sáng lập hay đội ngũ điều hành cũ, thì các cổ đông chiến lược có thể sẽ yêu cầu thay đổi mô hình kinh doanh, cách thức quản lý theo cách mà họ cho là hiện đại và hiệu quả hơn.
Mặc dù vậy, về cơ bản, các cổ đông chiến lược sẽ thực sự là những người đồng hành lâu dài nhất của một DN và hiện là thời điểm lý tưởng để nhà đầu tư chiến lược nước ngoài chọn bạn đồng hành ở thị trường Việt Nam.
Thu Hương
Đầu tư chứng khoán
|