Thứ Hai, 26/12/2011 16:11

Nhà nước tham gia phát triển nhà ở phi hàng hóa

Nhìn lại chương trình phát triển nhà ở xã hội trong năm 2011, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà thẳng thắn thừa nhận, việc huy động nguồn lực để triển khai thực hiện còn hạn chế.

Vì vậy, quỹ nhà ở xã hội có sự điều tiết của Nhà nước còn thiếu, gây khó khăn cho việc giải quyết nhà ở cho một bộ phận lớn dân cư đô thị. Ông Hà kiến nghị, cần đẩy mạnh phát triển thị trường nhà ở phi hàng hóa có sự tham gia, điều tiết của Nhà nước.

Từ khi thực hiện chương trình làm nhà thu nhập thấp năm 2009, Bộ Xây dựng kỳ vọng sẽ đáp ứng được một phần nhu cầu nhà ở cho người dân nội thành chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM. Trong giai đoạn 2009 - 2015 có 189 dự án, quy mô 166.390 căn hộ, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 700.000 người. Riêng 2 năm 2009 - 2010, các doanh nghiệp đã đăng ký 150 dự án, quy mô xây dựng 5.659.740 m2 sàn, số vốn đầu tư 22.738 tỷ đồng, hoàn thành 152.372 căn hộ, đáp ứng 640.000 người...

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, đến nay mới có 39 dự án được khởi công xây dựng, với tổng mức đầu tư khoảng 3.878 tỷ đồng, tổng diện tích sàn là 785.500 m2, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 66.900 người thu nhập thấp (trong số 39 dự án này, hiện mới có 1.714 căn hộ hoàn thành, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 6.800 người).

Riêng tại Hà Nội, duy nhất Dự án nhà thu nhập thấp Ngô Thì Nhậm tại quận Hà Đông được đưa vào sử dụng từ tháng 4/2011, với 328 căn. Còn 4 dự án đang triển khai là Kiến Hưng (quận Hà Đông), Sài Đồng (quận Long Biên), Đại Mỗ (huyện Từ Liêm), Đặng Xá (Gia Lâm) với tổng số 3.300 căn hộ đang gặp phải nhiều khó khăn, cả trong xây dựng và bán hàng.

Đại diện Tổng công ty Viglacera, đơn vị đang làm chủ đầu tư Dự án Đặng Xá phản ánh, dự án có 946 căn hộ, dù đã chào bán đến lần thứ 4 cũng mới chỉ có 609 khách hàng đến ký hợp đồng mua.

Đại diện CTCP Đầu tư và Xây dựng số 5 (Handico 5) cho biết, trong tổng số 420 căn nhà thu nhập thấp tại Sài Đồng của Công ty, đến nay chỉ có 100 khách hàng đóng tiền. Hiện công trình đã xây được đến tầng 9/17 tầng, nhưng mới chỉ thu được từ khách hàng khoảng 80 tỷ đồng, trong khi doanh nghiệp đã đầu tư 100 tỷ đồng. Hiện đang trong giai đoạn đóng tiền đợt 2, nhưng nhiều khách hàng biện đủ lý do để hoãn đóng tiền.

CTCP Xây dựng số 3 (Handico 3) - chủ đầu tư 2 tòa nhà thu nhập thấp tại Sài Đồng thì đang "đọng" hàng chục tỷ đồng đã đầu tư, vì chỉ có 260/420 hồ sơ đăng ký mua, nhưng chỉ có một nửa trong số đó đóng tiền.

Phát biểu tại hội nghị doanh nghiệp ngành xây dựng mới đây, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, Thành phố cần dành nguồn lực thích đáng để tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân, đồng thời áp dụng các phương thức thực hiện linh hoạt như đầu tư trực tiếp, đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT), mua nhà ở để đáp ứng nhu cầu về nhà tái định cư, nhà ở xã hội cho thuê tại khu vực đô thị.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của Thành phố cần tăng cường kiểm tra các dự án đang triển khai, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, kết nối hạ tầng dự án với hệ thống hạ tầng khu vực đô thị. Kiểm tra và kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm về sử dụng đất đai nhằm mục đích sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên đất đai.

Còn theo ông Hà, thời gian tới cần đa dạng hóa cơ cấu nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở, theo hướng tăng tỷ lệ nhà chung cư cao tầng với quy mô diện tích căn hộ đa dạng, ưu tiên phát triển các căn hộ có quy mô vừa và nhỏ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cần có cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển mạnh nhà ở cho thuê, kể cả nhà ở xã hội đầu tư từ ngân sách nhà nước và nhà ở cho thuê do doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư, phục vụ nhu cầu thuê nhà ở của người dân khu vực đô thị và công nhân tại các khu công nghiệp.

Đẩy mạnh phát triển thị trường nhà ở phi hàng hóa có sự tham gia, điều tiết của Nhà nước để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở, nhất là 8 nhóm đối tượng đã nêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là một trong những giải pháp quan trọng được ông Hà nêu ra và đề nghị các địa phương phải thể hiện cụ thể trong kế hoạch phát triển nhà ở, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm và dài hạn để tổ chức thực hiện, cũng như kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện.     

Châu Anh

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Kinh doanh BĐS: Khi doanh thu chính là... giữ xe (26/12/2011)

>   Viglacera tiếp xúc với nhà đầu tư (25/12/2011)

>   Độc chiêu 'thoát hiểm' thời khó khăn của doanh nghiệp BĐS (25/12/2011)

>   ECC sắp mở trung tâm mua sắm ở TP Hồ Chí Minh (25/12/2011)

>   Hà Nội cho chuyển mục đích dùng đất nông nghiệp (24/12/2011)

>   Giá xây dựng chung cư: cao nhất 7,2 triệu đồng/m2 (24/12/2011)

>   Viglacera trần tình vụ “tự ý nâng giá bán nhà” (24/12/2011)

>   Nhà xây chưa xong vẫn ép khách nhận (24/12/2011)

>   Yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất giảm 40% giá nhà thu nhập thấp (23/12/2011)

>   Quỹ đầu tư BĐS: Cứu cánh cho thị trường  (23/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật