Viglacera tiếp xúc với nhà đầu tư
Trước những bức xúc của hàng trăm khách hàng mua dự án Xuân Phương (Từ Liêm, Hà Nội), sáng 24/12, ông Trần Ngọc Anh – Phó tổng giám đốc Viglacera đã có buộc họp bàn với các nhà đầu tư để giải tỏa những thắc mắc.
* Viglacera trần tình vụ “tự ý nâng giá bán nhà”
|
Các nhà đầu tư dự án Xuân Phương tại buổi họp sáng 24/12 |
Liên tiếp trong thời gian gần đây tại dự án Xuân Phương do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư đã bị rất nhiều khách hàng khiếu nại về việc chủ đầu tư đã “lật kèo” khách hàng khi tự ý tăng giá bán đất lên gấp 3-4 lần so với giá cam kết ban đầu. Theo đó, từ 2/2007 Tổng công ty có văn bản 125 cho cán bộ công nhân viên góp vốn 20% tương đương 330 triệu đồng, lãi suất 0,8%/tháng. Những người tham gia góp vốn sẽ được ưu đãi mua nhà tại dự án với giá 8 triệu đồng/m2 và giá xây dựng 3,5 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, cuối năm 2011, Tổng công ty lại đưa ra áp mức giá bán mới là 34-40 triệu đồng/m2 đất tùy vị trí và giá xây dựng cũng tăng từ 3,5 lên mức 9,4 triệu đồng/m2. Trong bối cảnh thị trường trầm lắng, việc áp mức giá bán cao khiến khách hàng không chấp thuận và gửi đơn kiếu nại Tổng công ty Viglacera.
Để giải quyết các thắc mắc nhà đầu tư, sáng 24/12, ông Trần Ngọc Anh – Phó tổng giám đốc Viglacera đã có buổi gặp gỡ trao đổi với các nhà đầu tư
Trước những bức xúc của khách hàng về việc Tổng công ty tăng giá bán cao gấp 3-4 lần so với cam kết, ông Trần Ngọc Anh cho biết, khi đưa ra mức giá bán mới, Tổng công ty đã xem xét rất kỹ lưỡng các cơ sở để tính giá trong đó có xét đến việc nhiều khách hàng đã bỏ ra cho Tổng công ty vay trong suốt 5 năm qua.
Theo đó, với 20% số tiền vay trả lãi suất đến thời điểm này, theo phương án tính toán sơ bộ Công ty sẽ áp mức 8 triệu đồng/m2. 80% giá trị còn lại căn hộ sẽ căn cứ giá thị trường để đưa ra mức giá chung dự nguyên tắc phải đảm bảo được tiêu chí về lợi nhuận cho Tổng công ty và đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
"Việc đưa ra mức giá bán 34 -40 triệu đồng/m2 cho 80% còn lại Tổng công ty cũng chỉ đạt được lợi nhuận mức 16,8%- mức tối thiểu để dự án có thể được phê duyệt triển khai. Mức lợi nhuận này thấp hơn lãi suất ngân hàng" ông Ngọc Anh cho biết.
Ông Trần Viết Sử - nhà đầu tư cho biết, trong bối cảnh thị trường khó khăn nhiều doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt với lỗ, phá sản thì với mức lợi nhuận 16,8% tại sao công ty không chia sẻ bớt phần lợi nhuận của công ty cho các nhà đầu tư.
Lãnh đạo công ty cho rằng mức giá đất 40 triệu đồng/m2 là mức giá hợp lý, căn cứ tính giá cũng dựa vào giá đất xung quanh khu vực nhưng thực sự không thể cao đến vậy.
Nói có sách, mách có chứng, ông Sử đã đưa ra hợp đồng mua bán có dấu đỏ dự án Vân Canh cùng thời điểm triển khai dự án Xuân Phương, trong đó giá bán dự án Vân Canh 29 triệu đồng/m2 bao gồm cả tiền đất và xây thô, dự án hiện đã giao nhà. Trong khi giá đất dự án Xuân Phương nếu áp giá bán mới thì trung bình căn nhà diện tích 70 m2, khách hàng trả 4,6 tỷ đồng. Tính ra, giá mỗi m2 đất là 62 triệu đồng mà không biết bao giờ công ty mới giao nhà. Làm như vậy là công ty đã đẩy phần thiệt về cho khách hàng.
"Chúng tôi không yêu cầu công ty bán rẻ đất mà chỉ muốn công ty đưa ra mức giá hợp lý. Căn cứ tính giá cũng phải theo giá thị trường trong bối cảnh giá bất động sản đang giảm quá mạnh việc áp mức giá đất 34-40 triệu đồng/m2 quá cao so với thực tế."
Theo ông Ngọc Anh, vấn đề giá công ty cần phải bàn thảo tiếp. Trước mắt, chia sẻ gánh nặng về áp lực tài chính cho khách hàng, công ty đã đưa ra 3 phương án cụ thể là giãn tiến độ đóng tiền, giãn tiến độ xây dựng và chấp thuận chỉ hoàn thiện mặt ngoài căn nhà.
"Nếu thống nhất được, công ty sẽ tập hợp và phân loại nhu cầu từng khách hàng. Nhóm nào cần nhà để ở, công ty sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ, Còn các khách hàng có mục đích đầu tư, công ty sẽ làm chậm lại" ông Ngọc Anh nói.
Không chỉ bức xúc về giá bán, nhiều khách hàng thẳng thẳn chê trách công ty đã đưa ra điều khoản không rõ ràng khiến khách hàng rơi vào tình thế "mắc kẹt"
" Rất nhiều khách hàng đã tin tưởng vào công văn 125 để làm cơ sở ra quyết định mua nhà. Thế nhưng, trong suốt gần 5 năm qua Tổng công ty thông báo gì về thời hạn vay vốn hoặc tăng giá đất. Giả sử, thời điểm đó nếu Tổng công ty có thông báo tăng giá đất lên 15 triệu đồng/m2 và yêu cầu khách hàng không muốn mua thì đến phải đến thanh lý hợp đồng. Ngoài ra, trong công văn 125 không có bất kỳ dòng nào đề chỉ áp dụng cho cán bộ công nhân viên Tổng công ty Viglacera. Nếu công ty ghi rõ cấm CBCNV chuyển nhượng mua bán sổ tiết kiệm thì nhiều khách hãng cũng sẽ không dám mua" đại diện khách hàng bức xúc nói.
Đáp lại, vị lãnh đạo công ty cho rằng sẽ xem xét và kiểm tra lại nội dung công văn 125.
Mặc dù cuộc họp đã diễn ra trong vòng 4 tiếng nhưng cả hai phía chủ đầu tư và khách hàng vẫn chưa thống nhất được phương án. Kết thúc cuộc họp, hai bên đã ký biên bản họp và thống nhất chiều thứ 6 (30/12), chủ đầu tư và khách hàng tiếp tục bàn thảo.
Anh Đào
vnmedia
|