Thứ Sáu, 09/12/2011 17:39

Nhà đầu tư thứ cấp đang ồ ạt bán BĐS “lúa non”

Những diễn biến không thuận lợi của thị trường BĐS và sức ép của tiến độ đóng tiền khiến nhiều NĐT như ngồi trên đống lửa. Để thoát hàng, thời gian gần đây, nhiều NĐT đã ồ ạt bán "lúa non", chấp nhận thua đau, khiến thị trường BĐS giảm giá dữ dội.

NĐT ồ ạt bán hàng đại hạ giá

Anh Đoàn Xuân Hải, Giám đốc Công ty BĐS Hà Nội Vàng cho biết, thời gian gần đây, Sàn giao dịch của Công ty nhận được rất nhiều hồ sơ gửi bán căn hộ hoặc nhà liền kề với giá rẻ đến bất ngờ. Theo anh Hải, hầu hết BĐS gửi bán đều là những sản phẩm mua theo dạng đóng tiền theo tiến độ và phần lớn các sản phẩm này đã đóng được khoảng trên 60% giá trị theo hợp đồng. Thậm chí, có những căn hộ đã được đóng tiền gần đủ, chỉ chờ bàn giao nhà nhưng NĐT cũng chấp nhận rao bán lỗ khoảng 20% giá trị tính theo đơn giá gốc. Nếu tính cả phần chênh lệch lên tới hàng trăm triệu đồng mà NĐT phải trả vào thời điểm thị trường BĐS đang sôi động thì khoản lỗ mà họ phải chịu lên tới 30 - 40%.

Khu vực quận Hà Đông, Hà Nội chứng kiến sự sụt giảm chóng mặt của nhiều dự án BĐS. Anh Nguyễn Xuân Hồng, phụ trách kinh doanh Trung tâm giao dịch BĐS Lộc Điền, chuyên môi giới BĐS khu vực Văn Khê, Dương Nội trên đường Lê Văn Lương kéo dài cho hay: "Do tín hiệu thị trường quá xấu, nhiều NĐT chấp nhận giảm giá đến 20% theo đơn giá của chủ dự án nhưng việc bán hàng cũng không dễ. Trong số các dự án đô thị trên địa bàn quận Hà Đông, sản phẩm tại dự án đô thị Dương Nội của Nam Cường thời gian qua giảm mạnh nhất và bị bán tháo nhiều nhất khi có NĐT đã chấp nhận giảm giá bán lên đến 20 - 25% giá tính theo đơn giá của chủ đầu tư. Nhiều khả năng, trong thời gian tới, dưới áp lực của tiến độ nộp tiền và sự khó khăn của thị trường, nhiều NĐT sẽ phải tiếp tục hạ giá".

Những căn hộ NĐT phải chấp nhận giảm mạnh giá bán, theo anh Hồng, thường là những căn hộ ở các tầng cao, diện tích lớn, do chủ dự án áp dụng theo cách tính càng lên cao, giá càng tăng nên rất khó bán hàng. Tính ra, với một căn hộ của Tập đoàn Nam Cường, rộng khoảng 100 m2 (trước kia được bán với giá khoảng 22 triệu đồng/m2, khoảng 2,2 tỷ đồng/căn), NĐT phải chịu lỗ trên dưới 500 triệu đồng.

Với dự án Xa La, Hà Đông, thời gian trước, thanh khoản rất tốt do giá bán hợp lý và tiến độ xây dựng khẩn trương, thì nay cũng không tránh được tình cảnh rớt giá. Chị T. (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, chị vừa bán căn hộ tại khu đô thị này (đã nộp 840 triệu đồng, tương đương 50% giá trị hợp đồng) với giá 640 triệu đồng, chấp nhận lỗ 200 triệu đồng.

Mới đây, một số NĐT đã rao bán căn hộ tại Tổ hợp Unimax trên trục đường Quang Trung, Hà Đông do CTCP Xây dựng Ba Đình 1 làm chủ đầu tư (đã đóng được 50% giá trị hợp đồng , có giá gốc 21 triệu đồng/m2) với giá 18,5 triệu đồng/m2.

Người mua tha hồ… ép giá!

Nhân viên kinh doanh một website chuyên về mua bán nhà đất có trụ sở trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) cho biết, khoảng 2 tháng trở lại đây, hầu hết các NĐT đăng tin bán căn hộ, đất nền trên trang web này theo giá gốc, chứ không đòi chênh lệch như trước đây. Thậm chí, gần đây, tỷ lệ chiết khấu so với giá gốc ngày càng cao chứng tỏ sức ép bán hàng từ các NĐT là rất lớn.

Nắm bắt được xu hướng này, nhiều người có tiền và có nhu cầu mua nhà thực sự ra sức ép giá để mua được căn hộ ưng ý với giá mềm, anh Nguyễn Anh Đạt, Giám đốc Công ty BĐS Tấc vàng, chủ quản website rao vặt và mua bán BĐS tacvang.com.vn cho biết.

Anh Đạt dẫn chứng, mới đây, một NĐT tại Hà Nội do khó khăn về tài chính và áp lực đóng tiền theo tiến độ đã rao bán dưới giá gốc một lúc 5 căn hộ, đều đã đóng được hơn 60% hợp đồng tại một dự án trên đường Lê Văn Lương kéo dài. Sau lời rao của anh này, một số khách hàng đã liên hệ nhưng đều mặc cả với giá thấp hơn rất nhiều so với mức giá mà NĐT kia đưa ra. Cuối cùng, NĐT này phải quyết định bán 1 trong số 5 căn hộ dưới giá gốc đến 30% để giải quyết các khó khăn trước mắt. Cũng theo anh Đạt, dù xu hướng NĐT giảm giá, xả hàng rất mạnh, nhưng thanh khoản thị trường BĐS vẫn rất kém.

Việc bán tháo của các NĐT thứ cấp đang gây áp lực rất lớn tới các chủ đầu tư có ý định mở bán sản phẩm ra thị trường trong thời điểm này. Bởi muốn bán được hàng, chủ dự án phải hạ giá rất mạnh để cạnh tranh với chính những NĐT thứ cấp đang trong tình trạng quẫn bách về tài chính và luôn sẵn sàng phá giá thị trường.

Nguyên Minh

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Sẽ có chính sách gỡ khó cho phân khúc nhu cầu thực (09/12/2011)

>   Doanh nghiệp ít vốn sẽ bị loại (09/12/2011)

>   Khu dân cư bắc Rạch Chiếc: Nhà đầu tư “nhìn mặt” để đền bù (09/12/2011)

>   Ồ ạt phát mại bất động sản (09/12/2011)

>   Chung cư mini ngang nhiên huy động góp vốn đầu tư (08/12/2011)

>   Hà Nội: Giá đất ở cao nhất vẫn ở mức 81 triệu đồng/m2 (08/12/2011)

>   TPHCM yêu cầu khẩn trương thi công 12.500 căn hộ tái định cư (08/12/2011)

>   Thị trường bất động sản: Hy vọng cho thanh khoản (08/12/2011)

>   Hàng nghìn tỷ đồng 'chôn' theo KCN (08/12/2011)

>   Ông Đoàn Nguyên Đức: Giá căn hộ còn giảm nữa (08/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật