Thứ Sáu, 09/12/2011 06:01

Ồ ạt phát mại bất động sản

Trên nhiều trang mua bán, rao vặt về nhà đất, các cụm từ trả nợ vay, đáo hạn, nợ ngân hàng cần bán gấp BĐS… được đăng nhan nhản.

Thị trường đóng băng, ngân hàng thúc nợ, không chỉ chủ đầu tư dự án mệt mỏi mà nhiều nhà đầu tư bất động sản (BĐS) thứ cấp cũng lâm vào tình cảnh khó khăn và buộc phải bán tháo ra sản phẩm, thậm chí nhân viên ngân hàng tự rao bán luôn tài sản BĐS thế chấp.

Bỏ cọc

Một thông tin râm ran trong giới môi giới BĐS là tháng trước, hàng loạt nhà đầu tư phía Bắc đã bỏ tiền đặt cọc khi không tham gia mua nền đất một dự án ở Đồng Nai.

Giám đốc một sàn giao dịch BĐS cho biết các chủ đầu tư hiện nay khi bán hàng, nhất là sản phẩm nền đất thường cho khách hàng đặt cọc giữ chỗ. Đây cũng là cách để chủ đầu tư kiểm tra sức mua thị trường. Khi thấy khách hàng xuống tiền giữ chỗ đông thì chủ đầu tư mới tổ chức bán sản phẩm.

“Vừa qua có một dự án đất nền ở Đồng Nai dù có nhiều khách hàng xuống tiền (khoảng 50 triệu đồng) đặt cọc giữ chỗ nhưng khi mở bán, nhiều người không tham gia và chấp nhận mất tiền cọc. Lý do là khách hàng khó khăn về dòng vốn và cảm nhận lướt sóng không có lãi” - ông này cho biết.

Tổng giám đốc một công ty BĐS ở khu Nam nói sức mua thị trường hiện suy giảm do phần lớn các nhà đầu tư thứ cấp (mua đi bán lại) không tham gia vì họ cũng quá khó về thanh khoản.

Nhiều nhà đầu tư thứ cấp cho biết hiện quá ngán ngẩm BĐS và tìm cách bán sản phẩm ra bằng mọi giá để thu tiền về. 

“Trước đây một dự án căn hộ, nền đất nào đưa ra thị trường chủ đầu tư cũng ưu tiên bán đợt 1 cho các nhà đầu tư thứ cấp. Có nhiều nhóm đầu tư mua sỉ nguyên sàn hay mấy chục lô đất để bán lại. Nhưng giờ đây nhóm các nhà đầu tư này không còn nữa do khó khăn về nguồn vốn và mua vào phải ôm vì bán ra không được” - vị tổng giám đốc cho biết.

Không chỉ căn hộ, đất nền dự án mà nhiều nhà đầu tư các sản phẩm BĐS khác như nhà phố, nhà riêng lẻ cũng ôm trái đắng đang tìm mọi cách bán ra bằng mọi giá.

Giám đốc một sàn giao dịch BĐS ở quận 3, TP.HCM cho biết chỉ cần nhìn vào việc ngưng hoạt động, giải thể của các sàn môi giới thời gian gần đây là biết khách hàng đang chán BĐS như thế nào và ít người nghĩ mua vào lúc này.

Ngân hàng gia tăng siết nợ

Thị trường đang chứng kiến làn sóng nhà đầu tư bán tháo BĐS ra và nguồn cơn chủ yếu là do ngân hàng đẩy mạnh thu hồi nợ.

Thông tin với phóng viên, bộ phận pháp chế nhiều ngân hàng cho biết đang đẩy mạnh hoạt động thanh lý hợp đồng vay quá hạn, bán phát mại tài sản thế chấp là BĐS khi người vay không còn khả năng thanh toán.

Trên nhiều trang mua bán, rao vặt về nhà đất các cụm từ trả nợ vay, đáo hạn, nợ ngân hàng cần bán gấp BĐS… được đăng nhan nhản. Thực tế không chỉ đợi ngày phát mại tài sản mà hiện nhiều chi nhánh ngân hàng còn cho nhân viên tự định giá các tài sản thế chấp bằng nhà đất và rao bán giùm cho người vay để thu hồi vốn.

Ngày 8-12, nhân viên một chi nhánh ngân hàng ở huyện Nhà Bè, TP.HCM kể rằng mấy hôm nay anh phải tự bỏ tiền túi đăng báo để bán một căn nhà ở xã Phước Kiển, Nhà Bè cho khách hàng. Căn nhà này diện tích khoảng 170 m 2 trước đây giá khoảng 2 tỉ đồng giờ bán 1,3 tỉ đồng và anh đăng nội dung bán là nợ quá hạn ngân hàng, cần tiền bán gấp chứ không đăng thông tin mua bán chung chung.

Ông Lưu Trường Hận, Trưởng phòng Pháp chế Ngân hàng Phương Đông, cho hay hiện nay bộ phận của ông phụ trách đang xử lý nhiều hợp đồng vay thế chấp bằng BĐS đến ngày đáo hạn. Số lượng hợp đồng kiểu này đến hạn phải xử lý đang gia tăng nhiều. Đây là thực tế vì năm nay thị trường BĐS, kinh tế vĩ mô quá khó khăn nên nợ quá hạn gia tăng.

“Tôi cho rằng ngân hàng phát mại tài sản thế chấp bằng BĐS là phương án hợp lý nhất. Dù cho giá bán không như kỳ vọng nhưng việc này giúp ngân hàng thu hồi khoản cho vay, còn người vay thoát khỏi việc trả lãi suất cao” - ông Hận nói.

Thủ tướng chỉ thị cho vay mua nhà để ở

Tiếp tục cho vay đối với các dự án BĐS sẽ hoàn thành và có khả năng bán, thu hồi vốn trong năm 2012. Đó là nội dung đáng chú ý tại chỉ thị của Thủ tướng về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường BĐS, ngày 6-12. Theo đó, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng bố trí vốn để cho các đối tượng có nhu cầu thực sự vay mua nhà để ở. Cùng với đó, tiếp tục cho vay đối với các dự án BĐS sẽ hoàn thành và có khả năng bán, thu hồi vốn đầu tư trong năm 2012. Cho vay đầu tư các dự án phát triển nhà để bán, cho thuê phục vụ đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.

Đồng thời, các ngân hàng áp dụng các biện pháp tăng tính thanh khoản, tránh đóng băng thị trường, tác động xấu lan truyền đến hệ thống các tổ chức tín dụng và đời sống xã hội. Hạn chế cho vay bồi thường, giải phóng mặt bằng, các dự án khởi công mới, các dự án BĐS cao cấp. Giám sát chặt chẽ để hạn chế việc cho các cá nhân vay kinh doanh BĐS. NHNN trước mắt giảm tăng trưởng và tỉ trọng tín dụng BĐS với lộ trình hợp lý, tránh gây sốc. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định về thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng bất động sản cho phù hợp thực tế.

Hoàng Vân - Đ. Liên

Bùi Nhơn

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Chung cư mini ngang nhiên huy động góp vốn đầu tư (08/12/2011)

>   Hà Nội: Giá đất ở cao nhất vẫn ở mức 81 triệu đồng/m2 (08/12/2011)

>   TPHCM yêu cầu khẩn trương thi công 12.500 căn hộ tái định cư (08/12/2011)

>   Thị trường bất động sản: Hy vọng cho thanh khoản (08/12/2011)

>   Hàng nghìn tỷ đồng 'chôn' theo KCN (08/12/2011)

>   Ông Đoàn Nguyên Đức: Giá căn hộ còn giảm nữa (08/12/2011)

>   Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý bất động sản (07/12/2011)

>   Khi đầu tư bất động sản ở thế “một cổ hai tròng” (07/12/2011)

>   Mở bán nhiều dự án BĐS giá thấp: Cú bứt phá cuối năm (07/12/2011)

>   TPHCM: Biến dạng dự án bãi đậu xe ngầm (07/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật