Thứ Sáu, 30/12/2011 14:02

Nguy cơ phá sản CTCK: Nhìn theo hướng nào?

TTCK đang rúng động bởi thông tin 16 CTCK có nguy cơ phá sản, nếu tính theo chỉ số Z-score được đăng tải trên một số phương tiện thông tin đại chúng. Bản chất của sự việc này như thế nào?

Z-score: Không áp dụng cho CTCK

Z-score là một phương pháp thống kê được nghiên cứu bởi Giáo sư Altman vào những năm 1960 để mô tả sức khỏe tài chính (của) một công ty. Đây là một công cụ nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe của một công ty sản xuất, với xác suất dự báo chính xác 75% khả năng xảy ra phá sản của 1 công ty trong khoảng 2 năm kể từ khi chỉ số Z-score rơi vào vùng “nguy hiểm”.

Công thức tính Z-score như sau:

Z = 1,2T 1 + 1,4T 2 + 3,3T 3 + 0,6T 4 + 0,999T 5

Trong đó:

T1 = (tài sản ngắn hạn – nợ ngắn hạn)/tổng tài sản

T2 = lợi nhuận giữ lại/ tổng tài sản

T3 = thu nhập trước lãi vay và thuế/ tổng tài sản

T4 = Giá trị vốn hóa/tổng nợ

T5 = Doanh số/ tổng tài sản

Nếu Z lớn hơn 2,99: sức khỏe tài chính công ty tốt, 1,81 < 2,99 vùng báo động (-“Grey” Zones) và nếu Z < 1,81 có nghĩa là sức khỏe công ty đang ở trong tình trạng nguy hiểm.

Kể từ năm 1985, Z-score được sử dụng rộng rãi bởi các kiểm toán, các kế toán quản trị, nhà làm luật, hệ thống đánh giá tín dụng... Tuy nhiên, phiên bản ban đầu này chủ yếu được dùng cho các công ty đại chúng, có quy mô tài sản từ 1 triệu USD trở lên. Vì thế, trong phiên bản này còn có thêm phiên bản tính Z-score khác áp dụng cho công ty sản xuất không phải công ty đại chúng.

Và điểm đặc biệt chú ý là, hệ thống thống kê đánh giá này dùng cho các công ty sản xuất ( manufacturing companies). Chính vì vậy, sau nà y, một hệ thống Z-score phiên bản 2 được người ta dùng để đánh giá tình trạng sức khỏe tài chính và nguy cơ phá sản của một số loại hình công ty phi sản xuất đã được đưa ra.

Phiên bản Z‘‘ được tính toán như sau:

Z‘‘ = 6,56T1 + 3,26T2 + 6,72T3 + 1,05T4

Trong đó, T1, T2, T3 như trên, riêng T4 được tính bằng giá trị sổ sách của công ty/tổng tài sản. Nếu Z > 2,6, tình trạng sức khỏe của công ty được cho là khỏe mạnh, an toàn; nếu trong ngưỡng từ 1,1 đến 2,6 thì rơi vào tình trạng báo động và nếu nhỏ hơn 1,1 thì bị coi là có nguy cơ phá sản cao.

Nhưng, cũng như phiên bản 1, Z-score phiên bản 2 có 1 đặc điểm: chỉ áp dụng cho công ty phi sản xuất, không bao gồm bất động sản, tài chính . Dữ liệu để tính toán Z-score là báo cáo tài chính năm liền trước.

Và vì vậy, đối với các CTCK, Z-score là không phù hợp . Không hẳn bởi bản thân Z-score không áp dụng cho CTCK, mà một phần bởi, bản chất và ý nghĩa của 4 chỉ số để tính Z-score không phù hợp với đặc điểm của các CTCK, trong đó điểm đáng lưu ý nhất chính là về tính thanh khoản tài sản. Việc tính toán và áp dụng chỉ số này, dù là phiên bản 1 hay phiên bản 2 cho CTCK để đưa ra dự báo rủi ro giống như việc đưa kết quả dự báo thời tiết cho VN-Index.

Nguy cơ phá sản CTCK: nhìn theo hướng nào?

16 CTCK đã nằm trong tình trạng “vạ lây” vì bị cho rằng có nguy cơ phá sản cao, theo chỉ báo Z-score. Ngay sau khi bài báo về cảnh báo nguy cơ phá sản các CTCK được lan truyền, ĐTCK đã nhận được phản hồi của nhiều CTCK, với thái độ bức xúc. Đa số các ý kiến cho rằng, việc kết luận như vậy đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý NĐT, ở cả vai trò khách hàng và cổ đông CTCK. Nếu là một NĐT, liệu ai dám để tiền của mình ở tài khoản một CTCK bị dự báo có nguy cơ phá sản cao?

Giám đốc khối phân tích một CTCK cho hay, việc đánh giá một CTCK có nguy cơ phá sản hay không nên căn cứ ở nhiều yếu tố như: tình trạng vốn chủ hiện tại, khả năng tái cơ cấu hoạt động (để cắt giảm chi phí), các nguy cơ tiềm tàng (liên quan đến nợ xấu)… Z-score chưa bao giờ được khuyến nghị áp dụng cho CTCK.

Theo vị này, Z-score chú trọng nhiều đến tính thanh khoản, mức độ ảnh hưởng của lợi nhuận chưa phân phối đến cơ cấu tài chính, cách một DN sinh lời tài sản... Tất cả các yếu tố trên khi áp dụng cho CTCK nói riêng, các định chế tài chính nói chung đều khập khễnh, mà nguyên nhân trước hết ở cách hạch toán nợ. Trong BCTC các CTCK, số dư tiền gửi của khách hàng được cộng vào cả phần tài sản và nợ phải trả. Điều này đã khiến cho các chỉ tiêu tính toán (T1 đến T5 trong công thức tính Z-score) không thể hiện được bản chất tài chính của CTCK, nếu không bóc tách khoản này. Ngược lại, có những tài khoản được hạch toán là không rủi ro do là khoản cho vay/hợp tác đầu tư với lợi suất cố định, nhưng về bản chất lại là tài sản tiềm ẩn rủi ro nợ xấu cho CTCK.

Xin được trích dẫn số liệu của 3 CTCK, trong đó nếu tính theo Z-score thì ORS ở mức nguy hiểm, SHS ở trong tình trạng cảnh báo và SBS ở mức an toàn.

Ở đây, giả định các con số là báo cáo trung thực thì SHS có hệ số nợ/vốn chủ thấp hơn hẳn SBS. Và, điều đáng chú ý là, ORS dù bị coi là… “siêu đòn bẩy” với nợ phải trả hơn 1.200 tỷ đồng, nhưng thực chất, vay nợ của công ty này ở mức khiêm tốn hơn cả (về số tuyệt đối) vì đa phần nợ phải trả là… tiền gửi giao dịch chứng khoán của NĐT. SBS thực ra lại là CTCK có nguy cơ hơn cả nếu xét theo tiêu chí này, do vay ngắn hạn lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, gần bằng vốnn chủ sở hữu. Ngoại trừ trường hợp ORS có tình trạng lạm dụng tiền gửi khách hàng dẫn đến bản chất vay nợ thực sự, thì ORS vẫn là CTCK có tình hình vay nợ an toàn hơn cả. SHS có hệ số lãi vay/vốn chủ sở hữu chưa đến 50%, và SBS là chịu mức độ căng thẳng lớn nhất.

Một ví dụ nhỏ nêu trên để thấy rằng, Z-Score không phải là thước đo phù hợp cho CTCK.

Ngoài ra, việc đánh giá sức khỏe tài chính của một công ty không nên chỉ dựa vào các số liệu tài chính đơn thuần, mà cần phải xem xét đến cả các yếu tố định tính và bản chất đằng sau các con số.

Như vậy, việc dựa vào chỉ số Z-score để kết luận các CTCK có nguy cơ phá sản như một bài báo gần đây đề cập là hết sức võ đoán và cho thấy tác giả đã chưa có hiểu biết thấu đáo về chỉ số này.

Tổng giám đốc của một CTCK có nhận xét: “Đúng là CTCK có thể vẫn còn nhiều khó khăn trong năm 2012, nhưng muốn nhận xét về khả năng tồn tại của một CTCK cần có cái nhìn chuẩn xác và đầy đủ hơn về tài chính của công ty đó. Đừng đem một thước đo không phù hợp để áp lên chúng tôi. CTCK hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm, chúng tôi không muốn có những thông tin thất thiệt về mình, gây hoang mang cho cổ đông và khách hàng”.

Bùi Sưởng

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   WSS: Phải giải trình giá cổ phiếu giảm sàn liên tiếp (30/12/2011)

>   KTS: Phải giải trình giá cổ phiếu tăng vọt 79% trong 10 phiên (29/12/2011)

>   APS phải giải trình giá cổ phiếu giảm sàn liên tiếp (28/12/2011)

>   Doanh nghiệp hủy bỏ niêm yết: Mất nhiều hơn được (28/12/2011)

>   Chứng khoán Chợ Lớn bị phạt 70 triệu đồng (27/12/2011)

>   Đến lượt KST, TIG, VIG phải giải trình giảm sàn liên tiếp (27/12/2011)

>   HOSE sẽ hợp nhất vào HNX? (27/12/2011)

>   SVS phải giải trình giá cổ phiếu giảm sàn liên tiếp (26/12/2011)

>   Mệnh giá cổ phiếu 10.000 đồng có còn phù hợp? (25/12/2011)

>   Sự kiện DNNY tuần 26-30/12: Chốt quyền nhận cổ tức hàng loạt (26/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật