Mệnh giá cổ phiếu 10.000 đồng có còn phù hợp?
Điều 10, Luật Chứng khoán qui định “Mệnh giá cổ phiếu, chứng chỉ quỹ chào bán lần đầu ra công chúng là mười nghìn đồng Việt Nam”. Điều 10 và 10.000 đồng cần phải được xem xét lại càng nhanh càng tốt, cho dù nó đã được đưa vào Luật. Nếu không có những điều chỉnh thích hợp đối với “mệnh giá” của cổ phiếu thì đây sẽ là rào cản gây nhiều hệ lụy cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
- Thứ nhất: Hiện tại giá giao dịch của hầu hết các cổ phiếu niêm yết trên 2 sàn Hà Nội và TPHCM đều nằm dưới mệnh giá, giao động bình quân từ 3.000 đồng – 7.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí có mã cổ phiếu chỉ giao dịch ở mức 600 đồng/cổ phiếu, rẻ hơn bó hành bán ở chợ, và đang tiến tới thuật ngữ "mớ giấy lộn”.
Trong khi các nhà đầu tư phải bỏ vốn ra mua cổ phiếu với mức giá khởi điểm bắt buộc theo luật khi doanh nghiệp chào bán ra công chúng (IPO) là 10.000 đồng/cổ phiếu, thì nay chỉ bán được 600 đồng/cổ phiếu. Vậy còn ai mặn mà với giá cổ phiếu IPO là 10.000 đồng/cổ phiếu trong khi hầu hết các cổ phiếu hiện đang được giao dịch dưới mệnh giá thì tội gì phải mua 10.000 đồng/cổ phiếu?
- Thứ hai: Đáy của cổ phiếu đã được thiết lập ở mức giá 600 đồng/cổ phiếu (đ/cp) thì nó sẽ còn thiết lập đáy thấp hơn nữa, giả định ở mức 1 đ/cp. Thế nhưng tiền đồng hiện nay không có mệnh giá loại 1 đồng. Như vậy cách giao dịch cổ phiếu với giá 1 đồng và thậm chi là vài xu cũng cần phải có qui định? nếu không sẽ gây khó khăn cho các nhà đầu tư và đơn vị kinh doanh chứng khoán trong vấn đề hạch toán và giao dịch.
- Thứ ba: Nếu chúng ta cho rằng vào thời điểm này, giá các loại cổ phiếu đã trở về đúng giá trị thực của nó, ví dụ giá 600 đ/cp là giá trị thực mà doanh nghiệp có thể trả cổ tức dựa trên mênh giá này, thì rõ ràng con số 10.000 đ/cp lại là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp phải trả cổ tức dựa trên mệnh giá 10.000 đồng theo qui định chứ không dựa trên giá giao dịch thực tế 600 đồng. Nghĩa là chúng ta không thể đánh đồng mệnh giá 10.000 đ/cp cho tất cả các loại hình doanh nghiệp khi IPO, mà nên có sự phân hạng doanh nghiệp cùng với “mệnh giá” có thể khi IPO nhằm bảo vệ nhà đầu tư và doanh nghiệp trước những đợt khủng hoảng kiểu như thế này có thể xảy ra trong tương lai.
- Thứ tư: do trào lưu tâm lý "bầy đàn", nên hiện tại nhiều mã cổ phiếu làm ăn tốt cũng bị đám đông kéo xuống, cho dù họ trả cổ tức dựa trên mệnh giá 10.000 đ/cp với mức 15% đến 20%/năm (khá cao trong thời buổi hiện nay). Trong khi giá giao dịch cổ phiếu của họ trên sàn chỉ ở mức 6.500 đ/cp (như một số mã cổ phiếu ngân hàng nếu so sánh với lãi tiền gửi tiết kiệm là 14%/năm). Giả sử trước đó, các nhà đầu tư may mắn mua được giá 10.000 đ/cp khi các ngân hàng IPO, thì nay, dù ngân hàng trả cổ tức 20%/năm cũng không thể bù đắp được phần mất vì giá giao dịch chỉ còn 6.500 đ/cp. Vì vậy nếu không qui định về mức giá giao dịch sàn (giá đáy) thì chắc chắn nó sẽ trở thành rào cản đối với tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới. Bởi các nhà đầu tư coi mức giá 6.500 đ/cp đối với cổ phiếu ngân hàng hay 4.000 đ/cp đối với cổ phiếu doanh nghiệp khác là hợp lý chứ không thể là 10.000 đ/cp như qui định, thì rõ ràng giá 10.000 đ/cp là quá xa xỉ.
- Thứ năm: trong điều kiện thị trường chứng khoán lao dốc không phanh như hiện nay, nếu 1 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, giả sử giá đấu thành công là 10.000 đ/cp đúng bằng mệnh giá, và nhân viên của doanh nghiệp được mua với giá ưu đãi bằng 60% giá đấu thành công tức 6.000 đ/cp, thì giá 6.000 đ/cp sẽ kéo ngay giá của cổ phiếu xuống còn 6.000 đ/cp ngay phiên giao dịch tiếp theo. Vậy trong hoàn cảnh này, ai thiệt và ai mất, có lẽ trước hết là nhà nước thiệt, rồi đến nhà đầu tư thiệt nếu giá cổ phiếu tiếp tục lao dốc.
Từ thực tế trên, điều 10 và 10.000 đồng/cổ phiếu cần phải đươc các cơ quan chức năng, đặc biệt là Ủy ban chứng khoán Nhà nước xem xét lại. Vài trò huy động vốn dài hạn của thị trường chứng khoán chỉ phát huy khi các rào cản kỹ thuật được đưa ra kịp thời nhằm tạo lực đỡ cuối cùng cho thị trường, trong đó giá giao dịch sàn đối với cổ phiếu cần phải được tính đến.
Tiến sĩ Tôn Thanh Tâm
tbktsg
|