Quỹ đầu tư khó tìm nơi rót vốn
|
Không ít quỹ đầu tư nước ngoài đang sẵn sàng bỏ vốn vào doanh nghiệp Việt Nam. |
Việt Nam là thị trường rộng lớn để rót vốn đầu tư, nhưng các quỹ đầu tư hiện không dễ tìm được nơi hấp thu vốn tốt.
Những tháng đầu năm 2011, các quỹ đầu tư đã có nhiều đợt thoái vốn, làm giới đầu tư lo lắng rằng, năm 2012 và 2013 sẽ có làn sóng thoái vốn do đã đến thời hạn kết thúc của các quỹ. Tuy nhiên, với chiến lược chung không bỏ qua bất cứ cơ hội đầu tư tốt nào, các quỹ đã cơ cấu lại danh mục đầu tư.
Chẳng hạn, Mekong Capital chủ trương chỉ tập trung đầu tư vào các ngành nghề thúc đẩy tiêu dùng và hiện nhắm tới các lĩnh vực như xây dựng thương hiệu, marketing, quản lý bán hàng và xây dựng hệ thống phân phối, bán lẻ.
Tương tự, ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital cho biết: “Dragon Capital xác định vẫn ưu tiên đối với các công ty niêm yết, song với yêu cầu doanh nghiệp phải có nền tảng tốt, chỉ tập trung vào những ngành nghề hoạt động chính, có khả năng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tốt, chỉ số nợ trên vốn ở mức hợp lý và phải có đội ngũ quản trị chuyên nghiệp. Trong đó, Dragon Capital sẽ ưu tiên đầu tư vốn vào những ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm, công nghệ, dịch vụ phần mềm, dịch vụ tài chính”.
Trong khi đó, Quỹ đầu tư VinaCapital sẽ chú trọng vào các lĩnh vực như: y tế, thực phẩm, nông nghiệp, giáo dục.
Với chủ trương như vậy của các quỹ đầu tư, có thể thấy, dòng vốn sẽ không thiếu, mà vấn đề là doanh nghiệp làm gì để hấp thụ.
Ông Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa cho biết: “Doanh nghiệp nói khó tìm vốn, nhưng trên thế giới có 400.000 - 500.000 tỷ USD chạy quanh mỗi ngày. Số tiền lớn như vậy, không có lý do gì mà một doanh nghiệp có sản phẩm, công nghệ, lối tiếp thị đặc thù, quản trị bài bản, bền vững lại không kiếm được 10 - 20 triệu USD. Tôi có ông bạn cùng 8 cộng sự được cử từ Mỹ qua Việt Nam với số vốn cam kết giải ngân trong năm 2011 là 100 triệu USD, nhưng gần hết năm rồi mà họ không tìm được công ty nào để đầu tư, tài trợ”, ông Alan Phan nói.
Tình trạng như vậy còn diễn ra đối với các quỹ đầu tư đã thành lập ở Việt Nam từ khá lâu. Mekong Capital là một ví dụ điển hình. Vào Việt Nam được hơn 10 năm, Mekong Capital đang quản lý 3 quỹ đầu tư với tổng vốn ban đầu gần 133 triệu USD. Quỹ này đặt mục tiêu đầu tư vào cổ phần chưa niêm yết của các công ty tăng trưởng nhanh, thuộc lĩnh vực tiêu dùng, đồng thời tích cực góp phần tạo giá trị lâu dài cho những công ty đó thông qua việc hỗ trợ sau đầu tư.
Ông Thomas Lanyi, Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Tư vấn Mekong Capital cho biết, Mekong Capital chủ trương rót vốn vào những công ty tập trung vào một mô hình kinh doanh; có hội đồng quản trị chủ động trong việc xây dựng đội ngũ quản lý; văn hóa doanh nghiệp vững chắc, các thành viên cùng chia sẻ những giá trị chung. “Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của Mekong Capital khi bỏ vốn vào Việt Nam là khó tìm được doanh nghiệp có được đội ngũ quản lý giàu năng lực. Hầu hết các công ty ở Việt Nam đều có những lỗ hổng lớn về đội ngũ quản lý và những bất ổn về văn hóa doanh nghiệp. Thêm vào đó, rất ít công ty tư nhân đạt lợi nhuận thuần trên 10 triệu USD/năm”, ông Thomas Lanyi nói.
Theo kinh nghiệm của ông Alan Phan, khi tiếp cận các nhà đầu tư, doanh nghiệp cần có tất cả danh sách nguồn vốn tiềm năng, phân tích điểm mạnh, điểm yếu, vạch kế hoạch kinh doanh, trong đó có báo cáo dự phòng tài chính.
“Điều quan trọng nằm ở tính kiên nhẫn. Doanh nghiệp đi gõ cửa nhà đầu tư tới 100 lần, nhưng chỉ có 10 lần cửa mở và chỉ hy vọng có 1 nhà đầu tư mời vào nói chuyện. Khi vào được rồi, phải biết cách tiếp thị, hiểu lợi thế cạnh tranh và hiểu nhu cầu đầu tư. Các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu đến hai yếu tố: doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh gì trên thị trường và ban quản trị đã chứng minh được thành tích gì trong quá khứ?”, ông Alan Phan chia sẻ.
Anh Hoa
ĐẦU TƯ
|