Thứ Sáu, 16/12/2011 15:34

IMF: Thế giới sắp quay lại thời kỳ Đại suy thoái 1930?

Đám mây đen đang vần vũ trên bầu trời kinh tế thế giới làm dấy lên mối quan ngại sâu sắc về nguy cơ Đại suy thoái hồi năm 1930 tái diễn.

Mối lo đại suy thoái

Nỗi sợ về khủng hoảng nợ châu Âu, cảnh báo hạ xếp hạng đối với hầu hết các nền kinh tế lớn, thị trường lao dốc… khiến giới tài chính lo ngại thế giới đang lặp lại cuộc Đại khủng hoảng từng diễn ra trong thập niên 30 của thế kỷ trước. Đây là thời kỳ suy thoái nghiêm trọng nhất từng diễn ra trong lịch sử, được gọi là cuộc Đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu lần thứ nhất, với xuất phát điểm là nước Mỹ.

Hôm nay (16/12), mối lo ấy càng trở nên hiện hữu hơn khi đích thân Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cảnh báo, kinh tế toàn cầu đang đối đầu với rủi ro suy giảm, bảo hộ tăng cao và cô lập giống như những gì đã xảy ra trong cuộc Đại khủng hoảng hồi năm 1937 - 1938. “Sẽ không có một nền kinh tế nào trên thế giới, dù nước thu nhập thấp, mới nổi, thu nhập trung bình hay siêu phát triển có thể miễn nhiễm với khủng hoảng hiện nay. Cuộc khủng hoảng này không chỉ sẽ kéo dài mà thậm chí còn căng thẳng hơn như thời điểm những năm 1930”, bà Christine Lagarde nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia cảnh báo về nguy cơ tái diễn Đại khủng hoảng. Ảnh: tekbuz.

Cụ thể hơn, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho rằng, châu Âu là khu vực tiến gần nhất tới kịch bản tái diễn Đại khủng hoảng. Theo ông, các mối lo ngại về việc một số quốc gia sẽ vỡ nợ và sự tan rã của khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone đang ngày một tăng lên. Cùng với đó, khả năng chống chọi với khủng hoảng của hệ thống ngân hàng cũng là một vấn đề lớn mà đa số các nhà kinh tế nghiêng nhiều về khía cạnh tiêu cực.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng đề cập đến nguy cơ đổ vỡ của khu vực đồng tiền chung châu Âu và kéo theo đó là sự sụp đổ của toàn châu Âu. Đến lúc đó, nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng không kém cuộc Đại khủng hoảng.

Những điểm tương đồng đáng sợ

Đại suy thoái thực sự không còn chuyện của quá khứ? Câu trả lời có thể là có, mà cũng có thể là không. Tuy nhiên, đến cả một số học giả chuyên nghiên cứu về Đại khủng hoảng, những người từng phủ nhận về sự lặp lại của thời kỳ đen tối những năm 1930, cũng đang trở nên kém lạc quan hơn. “Không may, sự tương đồng giữa thời kỳ hiện nay và Đại khủng hoảng đang có xu hướng gia tăng từng ngày. Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ có lúc mình phải nói ra điều này”, nhà sử học kinh tế Barry Eichengreen thuộc ĐH California nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm này, nhà kinh tế học Gary Richardson thuộc ĐH California cho rằng: “Từ năm 1930 tới nay, chưa có lần suy thoái nào giống Đại khủng hoảng như lần này”.

Theo những nhà phân tích trên, một trong những điểm tương đồng giữa hai cuộc khủng hoảng là tính chất toàn cầu. Vào những năm 1930, chế độ bản vị vàng trở thành cơ chế truyền dẫn khủng hoảng từ nước này sang nước khác. Chính phủ các nước khi đó tăng lãi suất để bảo vệ dự trữ vàng của mình. Tình trạng thắt chặt tín dụng leo thang, sản xuất và thương mại vì thế mà ngưng trệ, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt theo.

Hiện nay, các nhà đầu tư và các ngân hàng trên toàn cầu là đối tượng làm khủng hoảng lây lan khắp thế giới. Nếu các nhà đầu tư chịu thua lỗ ở một quốc gia nào đó, họ có thể bán tháo cổ phiếu và trái phiếu ở các quốc gia khác để huy động tiền mặt. Khi các ngân hàng giảm bớt nợ vay, họ cũng đồng thời giảm cho vay và giảm việc đầu tư ở nhiều quốc gia.

Một điểm tương tự khác là những cuộc tranh cãi nảy lửa về việc ai là “tội đồ” gây ra khủng hoảng và cách thức giải quyết khủng hoảng. Vào những năm 1930, các chuyên gia kinh tế không ngừng tranh cãi nhau về về việc yếu tố nào đã khiến Đại Suy thoái kéo dài và gây ra hậu quả tồi tệ đến như vậy? Một số chuyên gia kinh tế nhấn mạnh đến yếu tố cấu trúc như chi phí lao động.

Các chuyên gia kinh tế khác còn chia sẻ quan điểm rằng chính các biện pháp thắt chặt tài khóa và tiền tệ đã khiến tình hình vốn đã xấu lại càng trở nên tồi tệ hơn. Và đây cũng chính là đề tài được các chuyên gia đề cập đến trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại khu vực đồng tiền chung châu Âu hiện nay.

Mới đây, lãnh đạo Tổ chức Liên minh Công đoàn châu Âu (ETUC) John Monks đã có một sự liên hệ trực tiếp về nguyên nhân dẫn đến hai cuộc khủng hoảng này khi cho rằng, các chương trình thắt chặt chi tiêu của nhiều nước liên minh châu Âu hiện nay có thể sẽ đưa khối này “trở lại thập niên 30” – thập niên của cuộc Đại khủng hoảng kinh tế.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng tại châu Âu hiện nay cũng rất giống biến động tài chính tiêu cực cuối thập niên 1920 và đầu 1930, khi đó các nền kinh tế liên tiếp sụp đổ như chuỗi domino do tiền tệ thắt chặt và thiếu ngân hàng đứng ra làm bên cho vay cuối cùng.

Giờ đây, Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha cũng buộc phải cầu viện chương trình cứu trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB hay Quỹ tiền tệ quốc tế IM,... Tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế hàng đầu khu vực như Đức, Pháp, Italy... đều chậm chạp trong khi tỷ lệ nợ công/GDP đều tăng quá nhanh.

Dù cho có nhiều nét tương đồng đến đáng sợ như vậy nhưng không ai có thể biết chắc được khi nào cuộc Đại khủng hoảng 1930 sẽ chính thức tái diễn. Tuy nhiên, điều đáng sợ nhất lúc này có lẽ chính là nỗi sợ hãi. Vì lo sợ những diễn biến xấu nữa có thể xảy đến, người dân và các doanh nghiệp không chỉ ở Mỹ và nhiều quốc gia khác đang nỗ lực tự bảo vệ mình bằng cách găm giữ tiền mặt và giảm chi tiêu. Một khi nỗi sợ hãi còn bủa vây như vậy thì có lẽ nguy cơ Đại suy thoái tái diễn sẽ không bao giờ chấm dứt.

Bích Diệp

ĐẤT VIỆT

Các tin tức khác

>   Ba Lan - Nền kinh tế khỏe mạnh cuối cùng của EU (16/12/2011)

>   Nền kinh tế của đất nước Italy đã rơi vào suy thoái (16/12/2011)

>   Cơ quan xếp hạng tín nhiệm đua nhau hạ bậc ngân hàng (16/12/2011)

>   Credit Suisse: 25 quốc gia rủi ro nhất trên thế giới (15/12/2011)

>   Mỹ Latinh có thể tăng trưởng 4,4% trong năm 2011 (15/12/2011)

>   Châu Âu phải mất nhiều năm giải quyết nợ công (15/12/2011)

>   Hy Lạp khó tránh khỏi đợt suy thoái tồi tệ nhất (15/12/2011)

>   Đảng Cộng hòa Mỹ giới thiệu dự luật chi tiêu 915 tỷ USD (15/12/2011)

>   Ernst & Young: Eurozone đối mặt với suy thoái (15/12/2011)

>   Khủng hoảng ngân hàng toàn cầu mới (kỳ 2): Những dự báo kinh hoàng (15/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật