Hợp nhất ngân hàng: Lợi ích và những vấn đề cần lưu ý
(Vietstock) - Đâu là lợi ích và những vấn đề cần lưu ý theo sau động thái hợp nhất 3 ngân hàng có trụ sở chính tại TPHCM.
* Hợp nhất 3 ngân hàng SCB, TinNghiaBank, Ficombank
* TS Lê Thẩm Dương: Hợp nhất 3 ngân hàng là động thái quản trị rủi ro chủ động
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông báo chủ trương hợp nhất 3 ngân hàng có trụ sở chính tại TPHCM là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Đệ Nhất (Ficombank).
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ tham gia toàn diện vào ngân hàng mới sau hợp nhất, với tư cách đại diện vốn nhà nước.
Hợp nhất ngân hàng: Lợi ích là gì?
Theo Điều 4.2 của Thông tư 04/2010/TT-NHNN ngày 11/02/2010 quy định việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng thì “Hợp nhất tổ chức tín dụng là hình thức hai hoặc một số tổ chức tín dụng (tổ chức tín dụng bị hợp nhất) hợp nhất thành một tổ chức tín dụng mới (tổ chức tín dụng hợp nhất) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang tổ chức tín dụng hợp nhất, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của các tổ chức tín dụng bị hợp nhất”.
Như vậy, theo sau chủ trương của NHNN, một ngân hàng mới sẽ được hình thành trên cơ sở kế thừa tài sản và nghĩa vụ của 3 ngân hàng nêu trên; với BIDV đại diện cho phần vốn góp của Nhà nước trong ngân hàng này.
Đâu là lợi ích từ chủ trương hợp nhất ngân hàng này?
Thứ nhất là lợi thế kinh tế theo quy mô. Việc hợp nhất sẽ tạo ra một ngân hàng mới lớn hơn, có thể giảm chi phí cố định bằng cách tinh giảm các phòng ban hay hoạt động trùng lặp giữa các ngân hàng, làm giảm các chi phí của công ty liên quan tới doanh thu từ các sản phẩm giống nhau, giảm các chi phí phân phối, mạng lưới… do đó sẽ làm gia tăng lợi nhuận biên.
Thứ hai là điều phối nguồn lực giữa các ngân hàng. Các nguồn lực được phân phối lại một cách hợp lý giữa các ngân hàng sau hợp nhất có thể tạo ra giá trị cộng hưởng cho hoạt động của ngân hàng mới.
Thứ ba là thúc đẩy cơ hội gia tăng thị phần, tái định vị thương hiệu. Với các thế mạnh của từng ngân hàng, ngân hàng mới sau hợp nhất sẽ tăng cường bao phủ, gia tăng thị phần thông qua cạnh tranh với các ngân hàng khác. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để tái định vị lại thương hiệu của của ngân hàng và gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Thứ tư là cải thiện khả năng quản trị, gia tăng hiệu quả quản lý nghiệp vụ ngân hàng. Theo phương án hợp nhất dự kiến, BIDV sẽ tham gia toàn diện vào ngân hàng mới từ Hội đồng quản trị, Ban điều hành và các phòng ban quan trọng. Với sự tham gia của BIDV, khả năng quản trị của ngân hàng sau hợp nhất sẽ gia tăng đáng kể. Ngoài ra, có thể thấy mối quan hệ hỗ tương với BIDV cũng sẽ giúp ngân hàng sau hợp nhất tăng cường sức cạnh tranh trong ngành.
Thứ năm là cải thiện năng lực an toàn của hệ thống. Với động thái hợp nhất này, sức mạnh tài chính của các ngân hàng sẽ được gia cố đáng kể và góp phần làm lành mạnh hóa tính an toàn của hệ thống ngân hàng.
Những vấn đề hậu hợp nhất ngân hàng
Bên cạnh mục đích đem lại giá trị cộng hưởng lớn hơn so với khi các ngân hàng đứng riêng rẽ, ngay bây giờ cũng nên đặt ra những vấn đề cần lưu ý trong giai đoạn hậu hợp nhất.
Đó là những vấn đề liên quan đến hoạt động như việc bố trí lại hệ thống nhân sự, tích hợp hệ thống thông tin và quản lý rủi ro, những thủ tục kiểm soát nội bộ và hệ thống kế toán.
Ngoài ra, việc phân bổ nguồn nhân lực cũng sẽ gặp khó khăn nhất định và có thể nảy sinh những xung đột.
Một vấn đề đáng lưu tâm khác là các tài sản sẽ được quản lý thế nào, nợ xấu sẽ được quản lý và xử lý ra sao, hay những cải tiến trong quản trị có diễn ra như mong muốn.
Hoàng Vũ
|