Giới đầu tư tài chính đang thao túng giá gạo?
Năm 2011 thị trường gạo có nhiều biến động, đặc biệt là giá gạo nguyên liệu. Nhiều ý kiến trong giới kinh doanh gạo cho rằng giá gạo liên tục tăng từ đầu năm - kể cả thời điểm chính vụ - là do có bàn tay của giới đầu tư tài chính. Liệu có đúng như vậy?
Để thâm nhập ngành gạo, giới đầu tư tài chính có thể thành lập các công ty mới hoặc đầu tư vào các công ty/tác nhân hiện tại để nâng cấp hoạt động kinh doanh. Đó có thể là các công ty xuất khẩu hoặc doanh nghiệp cung ứng. Có lập luận cho rằng, nguồn vốn kinh doanh chảy vào dồi dào nhưng nguồn cung hàng hóa không có nhiều thay đổi sẽ làm cho sức mua tăng, đẩy giá lên cao.
Cách lập luận như trên chưa đủ sức thuyết phục bởi năm 2011 lượng xuất khẩu tăng rất mạnh nên tạo ra áp lực mua nguyên liệu nhiều hơn mọi khi. Hơn nữa, trong một thị trường có nhiều kỳ vọng về giá đi lên thì xu hướng đầu cơ xảy ra ở tất cả các khâu và với mọi tác nhân, nên mặc dù có thể có sự huy động nguồn lực vào kinh doanh gạo nhưng chưa thể khẳng định đó là dòng tiền đầu tư bài bản. Giới đầu tư tài chính thường bơm vốn thông qua các pháp nhân hoặc đầu tư vào doanh nghiệp sẵn có, nhưng vì đa số các doanh nghiệp kinh doanh gạo chưa lên sàn chứng khoán nên con số đó không nhiều.
Trong khi đó, đối với thương lái, nhiều khả năng nguồn vốn huy động chủ yếu là kênh “phi chính thống” chứ không phải là đầu tư của giới tài chính.
Ngoài ra, còn một khâu nữa trong chuỗi giá trị lúa gạo có thể xem xét liệu giới đầu tư tài chính đã tham gia mạnh chưa đó là xuất khẩu. Số liệu kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp hàng đầu trong năm 2010 và tám tháng đầu năm 2011 cho thấy, trong danh sách 15 doanh nghiệp hàng đầu trong hai năm gần đây không có nhiều tên tuổi “mới hoàn toàn”.
Một phân tích ở khía cạnh khác là xem xét tỷ trọng doanh nghiệp hàng đầu có thay đổi trong tổng số các doanh nghiệp xuất khẩu hay không. Và nếu các doanh nghiệp cỡ trung bình ngày càng xuất khẩu nhiều hơn, đó có thể là giả thiết giới đầu tư đã bơm vốn vào các doanh nghiệp này?
Việt Nam có trên 200 doanh nghiệp xuất khẩu gạo và trước đây thị phần chủ yếu thuộc về hai tổng công ty VNF1, VNF2. Tỷ trọng của hai doanh nghiệp này cũng như 10 doanh nghiệp hàng đầu đã chiếm trên 60% kim ngạch xuất khẩu. Số liệu thống kê cho thấy hiện nay các doanh nghiệp quen thuộc vẫn đứng vững trong top 10, top 15 hoặc top 20..., chứng tỏ chưa có một tên tuổi mới nào xuất hiện.
Giả sử có giới đầu tư tài chính nhảy vào thì “miếng bánh” sẽ được chia nhỏ hơn, tức tỷ trọng xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp nói trên sẽ giảm xuống trong tổng lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, số liệu so sánh tám tháng đầu năm 2011 và cả năm 2010 cho thấy các tỷ trọng của top 10, 15, 20... trong tổng xuất khẩu không có sự dịch chuyển nào đáng kể. Như vậy, có thể khẳng định ít nhất cho đến thời điểm hiện tại, giới đầu tư tài chính vẫn chưa thao túng được khâu xuất khẩu gạo, hoặc mức đầu tư chưa đủ lớn để xoay chuyển tình hình.
Tuy nhiên, với những doanh nghiệp mới được cấp phép theo Nghị định 109 thì đó là tín hiệu cho thấy đầu tư ngoài ngành đã bắt đầu chảy vào ngành xuất khẩu gạo. Chắc hẳn đang có những dự án đầu tư chế biến xuất khẩu gạo được trình lên các cấp có thẩm quyền cũng như kêu gọi vốn đầu tư trong nước và quốc tế để triển khai. Những năm tới, cuộc chơi sẽ thay đổi theo hướng cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn.
Phạm Quang Diệu
TBKTSG
|