Thứ Bảy, 10/12/2011 14:51

Thị trường cà phê sẽ còn nhiều sóng gió

Giá tăng đầu tuần rồi lại giảm mạnh cuối tuần. Dù thông tin sản lượng cà phê thế giới thiếu, giá cà phê robusta Liffe vẫn giảm không thương tiếc. Tình hình tiêu cực và phức tạp của nền kinh tế thế giới sẽ còn làm giá thị trường cà phê gặp nhiều sóng gió.

Giá cà phê trong nước và thế giới hết ngày 9/12 do tác giả tổng hợp

Giá tăng rồi lại giảm

Những đợt tăng giá đẹp mắt của các thị trường cà phê vào đầu tuần này rồi cũng chóng qua. Giá đóng cửa thị trường kỳ hạn robusta Liffe (TTKH) cơ sở giao dịch tháng 3-2012, nay là tháng giao dịch chính, đã có dịp vượt đến mức 2.050 đô la Mỹ/tấn. Ngay sau đó, giá mất ngay 100 đô la chỉ trong vòng hai phiên giao dịch tiếp theo; để rồi đóng cửa cuối tuần tại mức 1.962 đô la/tấn (rạng sáng thứ Bảy 10-12 theo giờ Việt Nam), tăng 16 đô la so với ngày thứ Năm nhưng giảm 65 đô la so với giá đóng cửa cuối tuần trước.

Thị trường cà phê nội địa bám theo TTKH như phao thả trên sông, “nước lên thuyền lên, nước xuống thuyền xuống”. Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên trong tuần có lúc vượt mức 40.000 đồng/kg đạt đỉnh 41.000 đồng. Nhưng đỉnh này cũng chóng vánh bỏ đi để giá cuối tuần chỉ còn quanh mức 39.500 đồng/kg do TTKH xuống thấp (xin xem biểu đồ phía trên).

Giá trừ lùi tốt vẫn không ăn thua

So với giá đóng cửa TTKH, giá thị trường xuất khẩu dựa trên giá chênh lệch (differential) với TTKH có vững lên đôi chút. Nếu như giá cà phê nhân xô tại các tỉnh trong tuần qua nằm mức chung quanh trừ 100/90 đô la dựa trên cơ sở giá TTKH Liffe tháng 3-2012, thì giá xuất khẩu đang chung quanh mức trừ 50 (+/-10) đô la (FOB). Như vậy, nếu tính theo cơ sở tháng 1-2012, giá FOB của loại 2, 5% đen vỡ nằm ở mức trừ 20 đô la/tấn.

Với các mức giá xuất khẩu trên, đây là niên vụ khởi đầu tương đối lạ với các mức trừ lùi khá cao. Nếu so sánh giá xuất khẩu dựa trên trừ lùi của các năm trước, có lúc trừ trên 350 đô la; trong hai năm trước đây, cũng dịp bắt đầu niên vụ, giá này cũng nằm dưới mức trừ 100 đô la/tấn FOB.

Với mức chênh lệch trừ 50 đô la/tấn, nếu bán, nhà xuất khẩu lỗ song nhà kinh doanh nhập khẩu vẫn cho là cao, chưa dám mua vì các hãng rang xay chưa chấp nhận giá ấy. Nếu như các nhà xuất khẩu mua với mức trừ 100 đô la để bán trừ 50 đô la/tấn, chi phí cho chế biến và xuất khẩu chỉ 50 đô la là hoàn toàn không đủ. Trong khi đó, các nhà kinh doanh nhập khẩu lại cho rằng họ có thể mua hàng tồn kho có giấy xác nhận ở châu Âu giao tại kho họ với mức ngang bằng Liffe, tức tương đương với trừ 100 đô la/tấn FOB từ Việt Nam.

Tín dụng căng…xuất khẩu

Giá xuất khẩu đang trong thế giằng co giữa bên mua và bên bán, chưa ai chịu ai để hàng xuất khẩu có thể đi thong thả. Các năm trước, do tín dụng dồi dào, các nhà xuất khẩu còn liều, bán theo kiểu đầu cơ, tức cứ bán lỗ đôi chút theo tính toán nhưng hy vọng giá Liffe còn tăng, sau đó chốt “mức đẹp” bù vào. Nay, tình hình hoàn toàn khác. Họ không thể liều như trong quá khứ vì tín dụng đang quá ngặt nghèo và lãi suất ngân hàng đang ở quá mức chịu đựng và không thể có lãi kinh doanh.

Đã vậy, bên kinh doanh nhập khẩu (chủ yếu từ các nước châu Âu) cũng không khá hơn. Tình hình khủng hoảng nợ châu Âu và các điều kiện vay đô la Mỹ để kinh doanh đang khá khó chịu. Rất nhiều nhà nhập khẩu đang chạy vạy tiền nên chưa mạnh tay mua nhiều như các năm trước. Do lãi suất ngân hàng tăng, các nhà rang xay cũng chưa tính chuyện mua hàng nhiều để trữ phục vụ sản xuất.

Chơi chọn bạn, bán chọn phường

Trong tuần, hội nghị quốc tế về Viễn cảnh Cà phê (Coffee Outlook 2011) tại TPHCM vẫn không đưa ra điều gì mới. Các con số sản lượng, cho dù được đưa ra nghiêm túc hay không nghiêm túc từ miệng ông này bà kia, trong giai đoạn hiện nay, chúng vẫn chỉ là thứ yếu vì đầu cơ tài chính vẫn đang ngắm ngía rất nhiều đến thị trường béo bở này. Từ trước đến nay, thị trường cà phê Việt Nam được xem là “con bò sữa” đáng giá cho các mục tiêu kinh doanh của họ.

Theo ông Chủ tịch Tổ chức Cà phê thế giới ICO, sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2011-12 ở mức 130 triệu bao trong khi đó nhu cầu tiêu thụ quanh mức 135 triệu bao (bao 60 kg). Một phát biểu có lợi cho các nước xuất khẩu nhưng ngay sau khi phát biều, giá rớt liền 2 phiên mất đúng 100 đô la/tấn.

Do tình hình tài chính, chưa ai có thể mạnh tay mua hàng vào. Chính vì thế, giá các thị trường trong thời gian sắp tới sẽ chao đảo khôn lường. Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Vicofa, giá cà phê sẽ dao động từ mức 1.700-2.100 đô la/tấn. Một vài nhà phân tích lại cho rằng xét về biến động giá, nhận xét của ông Nam khá lạc quan và an toàn. Nhưng, thị trường còn bấp bênh hơn thế nhiều, dao động có khi phải từ 1.500-2.500 đô la/tấn. Dao động giá trên Liffe của niên vụ cũ không đến cả trên cả 1.000 đô la đó sao khi giá TTKH tháng 10-2010 ở mức 1.600-1.700 sau đó nhảy lên 2.600-2.700 đô la/tấn?

Hơn nữa, kinh doanh cà phê vốn đã quá nhiều rủi ro. Nay, với tình hình tài chính của hai bên mua và bán càng rủi ro nhiều hơn. Từ kinh nghiệm hai niên vụ cũ, đã có nhiều nhà xuất khẩu của ta bị than oán do không giữ uy tín, xù hàng không giao. Sắp tới, cũng sẽ có nhiều nhà nhập khẩu đòi mua giá trên trời nhưng khi nhận hàng rồi sẽ không chịu trả tiền vì kẹt tín dụng hay vì một lý do nào khác.

Kinh doanh cà phê bây giờ, không thể chỉ biết quanh hạt cà phê và tiền. “Chọn bạn mà chơi”, mà kinh doanh có khi còn khó hơn và là mấu chốt cho thành công trong giai đoạn khó khăn này.

Nguyễn Quang Bình

TBKTSG ONLINE

Các tin tức khác

>   Dự báo giá tiêu tăng nhẹ trong 2 tháng tới (09/12/2011)

>   Xuất khẩu gạo: Thua đau ở Philippines (09/12/2011)

>   AGPPS xây thêm 3 nhà máy chế biến gạo công suất lớn (09/12/2011)

>   Đường thô Thái Lan rớt giá, Trung Quốc thu hút sự chú ý (09/12/2011)

>   Nhà chế biến không mua điều thô dù kho rỗng (08/12/2011)

>   Thị trường cao su đang nóng lên (08/12/2011)

>   Cà phê, đường tăng, cacao ở mức thấp nhất trong 3 năm (07/12/2011)

>   Giá cà phê thế giới lên cao nhất 2 tháng (06/12/2011)

>   Hợp đồng xuất khẩu gạo cho 2012 giảm mạnh (06/12/2011)

>   Đẩy mạnh kiểm tra nguồn gốc nông sản nhập khẩu (06/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật