Giữ giá cà phê
Cà phê đã vào kỳ thu hoạch rộ, giá cũng tăng khá nhưng nông dân đang kềm hàng chờ giá lên, không bán ra ồ ạt như những năm trước.
Những ngày này, trong khi nông dân tấp nập đi thu hái cà phê thì ở các đại lý mua nông sản ở H.Krông Pắk (Đắk Lắk) lại khá trầm lắng. Không như những năm trước, vào thời điểm này, xe công nông chở cà phê ồ ạt đến các điểm thu mua để bán hoặc ký gửi, năm nay thi thoảng mới có người chở bằng xe máy chục ký cà phê nhân đi tiêu thụ. Ông Phạm Văn Long, chủ đại lý nông sản Long Liễu ở xã Ea Knuếk, H.Krông Pắk, nhận xét: “Vụ mùa năm nay khác lạ là rất ít nông dân đi bán sản phẩm ngay lúc thu hoạch rộ, thời tiết tốt, cà phê được chế biến nhanh. Những vụ trước, giờ này chúng tôi đã mua được vài trăm tấn, nhưng hiện nay mới mua được chừng 30 tấn. Đại lý không dám ký hợp đồng cung ứng với các doanh nghiệp vì sợ không gom đủ hàng”. Theo ông Long, việc chậm bán sản phẩm một phần do năm nay nhiều vườn cà phê chín muộn, nhưng lý do chính là nông dân cố chờ giá tăng trở lại. Hiện giá cà phê nhân mới ngoi lên mức 40.000 đồng/kg, sau khi tụt xuống 35.000 đồng/kg vào đầu vụ. Cách đây 6 tháng, giá từng vọt lên mức kỷ lục hơn 50.000 đồng/kg.
|
Vào vụ cà phê thu hoạch rộ nhưng nông dân hạn chế bán sản phẩm |
Ở nhiều vùng chuyên canh cà phê khác cũng có tình trạng tương tự. Ông Võ Văn Khâm ở xã Ea Na, H.Krông Ana thu hoạch được 5 tấn cà phê nhưng chỉ mới bán vài tạ để trả tiền công thuê hái và tiêu dùng trong gia đình, còn lại chất đầy nhà. Ông Khâm lý giải: “Nếu bán cà phê theo giá hiện nay thì nông dân sẽ không có lãi. Một ha cà phê hiện có năng suất bình quân khoảng 2 tấn nhân, với giá 40.000 đồng/kg thì chỉ thu được 80 triệu đồng; trong khi giá các loại vật tư trong năm qua tăng cao khiến chi phí đầu tư phân bón, dầu chạy máy tưới, công thu hái hơn 40 triệu đồng, chưa kể công sức chăm sóc của chủ vườn bỏ ra cả năm trời. Vì vậy, người trồng cà phê đang chờ giá khá hơn mới bán”.
Diễn biến nói trên của thị trường cà phê được một số doanh nghiệp (DN) cho là điều đáng lo, bởi nếu nông dân găm hàng kéo dài không bán thì sang quý 2 năm sau, cà phê Brazil, Indonesia vào vụ thu hoạch, lượng cung tăng lên, giá cà phê thế giới sẽ giảm. Tuy nhiên, nhiều DN lại đánh giá việc chậm bán ra là điều đáng mừng. Ông Lê Đức Thống, Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, cho biết do ít hàng nên công ty mới mua được khoảng 12.000 tấn cà phê của nông dân, chỉ bằng 70-80% lượng mua vào thời điểm này những vụ trước. Ông Thống đánh giá: “Đã có sự thay đổi lớn khi vào vụ thu hoạch này, cà phê VN không còn xuất khẩu ồ ạt, kéo giá xuống, gây thiệt hại cho người sản xuất như những vụ trước. Việc ít bán ra của nông dân khiến lượng cung giảm, các DN nước ngoài sẽ không thể ép giá, vì vậy nhiều khả năng đưa đến việc tăng giá cà phê”.
Cùng nhận định trên, ông Phan Hùng Anh, Phó giám đốc Công ty TNHH Anh Minh (Đắk Lắk), đơn vị nằm trong số 10 DN xuất khẩu cà phê hàng đầu VN, nhìn nhận việc kiềm chế bán ra của người dân sẽ tốt cho thị trường: “Vụ này, nông dân ít bán sản phẩm thì DN được giảm sức ép vay tiền thu mua, chế biến, xuất khẩu; đồng thời sẽ tránh tình trạng đầu niên vụ cung dư thừa nhưng cuối vụ hàng khan hiếm như niên vụ vừa rồi”.
Trần Ngọc Quyền
thanh niên
|