Dự trữ ngoại hối của Nhật tăng chưa từng thấy
Dự trữ ngoại hối của Nhật Bản đã đạt mức tăng kỷ lục vào tháng 11 vừa qua, Bộ Tài chính nước này tuyên bố.
Tờ Wall Street Journal dẫn thông tin từ Bộ Tài chính Nhật công bố ngày 7/12 cho biết, dự trữ ngoại hối của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã tăng thêm 94,88 tỷ USD trong tháng 11 so với tháng 10, lên mức 1.305 tỷ USD. Đây cũng là tháng chứng kiến dự trữ ngoại hối của Nhật tăng chưa từng thấy.
Nhật Bản hiện là nước có dự trữ ngoại hối lớn thứ nhì thế giới, sau Trung Quốc - nước hiện có dự trữ ngoại hối ở mức 3.200 tỷ USD.
Sự gia tăng mạnh mẽ trong dự trữ ngoại hối của Nhật trong tháng 11 xuất phát từ việc Tokyo can thiệp mạnh vào thị trường ngoại hối bằng cách tung đồng nội tệ để mua vào ngoại tệ. Trong thời gian từ ngày 28/10-28/11, Nhật Bản đã bán ra khối lượng đồng Yên kỷ lục lên tới 9.092 tỷ Yên, tương đương 117 tỷ USD. Đợt can thiệp này nhằm mục đích hạ nhiệt cơn sốt đồng Yên đã kéo dài, giảm áp lực đối với lĩnh vực xuất khẩu - một đầu tàu kinh tế then chốt của Nhật.
Giới phân tích cho biết, riêng trong ngày 31/10, khi tỷ giá đồng USD so với Yên Nhật giảm xuống mức thấp kỷ lục 75,31 Yên/USD, Tokyo đã bán ra 7.500 tỷ Yên. Những ngày sau đó, việc can thiệp vẫn được duy trì để ngăn không cho tỷ giá đồng Yên bật tăng trở lại.
Hôm nay, 7/12, tỷ giá USD/Yên tại Tokyo phổ biến ở mức 77,72 Yên/USD.
Đồng Yên mạnh khiến các sản phẩm của Nhật Bản giảm sức cạnh tranh ở nước ngoài, xói mòn lợi nhuận của các công ty nước này chuyển về từ các thị trường xuất khẩu, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật chuyển sản xuất ra nước ngoài để tránh rủi ro tỷ giá.
Kinh tế Nhật đang đối mặt nhiều khó khăn, nhưng đồng Yên của Nhật vẫn tăng giá do giới đầu tư toàn cầu xem đây là một tài sản an toàn nên nắm giữ trong danh mục trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều bất ổn.
Kiều Oanh
TBKTVN
|