Thứ Ba, 20/12/2011 11:20

Dự thảo Luật sửa đổi: Những chế tài quá khắt khe

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế (sau đây gọi là dự thảo Luật sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 vừa qua và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5-2012. Điều đáng nói là dự thảo Luật sửa đổi đã đưa ra những chế tài quá khắt khe đối với các doanh nghiệp nộp thuế.

Đẩy khó khăn cho doanh nghiệp

Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2003 có quy định thời hiệu truy thu thuế là năm năm; Luật Kế toán quy định việc lưu trữ chứng từ kế toán trong giới hạn 10 năm, trong khi Luật Quản lý thuế hiện hành lại không đưa ra thời hiệu truy thu thuế.

Với lý do khi kiểm tra, thanh tra thuế nếu có truy thu thuế phải dựa trên chứng từ kế toán, dự án luật dự kiến sửa đổi, bổ sung điều 110 quy định áp dụng thời hạn truy thu thuế là 10 năm kể từ ngày kiểm tra phát hiện.

Nhiều ý kiến cho rằng kéo dài thời gian truy thu thuế từ năm năm thành 10 năm là không hợp lý. Bởi lẽ, tiết b, khoản 5 điều 40 Luật Kế toán quy định việc lưu trữ chứng từ kế toán: “Tối thiểu mười năm đối với chứng từ kế toán sử dụng trực tiếp để ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính, sổ kế toán và báo cáo tài chính năm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Có nghĩa là, với Luật Quản lý thuế có thể quy định khác là những chứng từ liên quan đến nghĩa vụ thuế chỉ phải lưu trữ trong năm năm. Thời hạn lưu trữ 10 năm của chứng từ kế toán là vì chứng từ kế toán của doanh nghiệp còn phục vụ cho nhiều mục đích khác, không chỉ phục vụ cho mục đích thuế.

Hơn nữa, thực tế cho thấy, việc truy thu thuế có thể dẫn đến tình trạng phá sản doanh nghiệp, đặc biệt là với các loại thuế gián thu. Bởi sau năm năm, hàng hóa đã tiêu thụ, doanh nghiệp không thể thu lại tiền thuế từ người mua. Từ đó, không nên khuyến khích áp dụng biện pháp truy thu bằng việc kéo dài thời hạn truy thu. Nói khác đi, quy định thời gian truy thu thuế là 10 năm chỉ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ quan thuế, đẩy khó khăn cho các doanh nghiệp.

Đá nhầm sân

Dự thảo luật dự kiến quy định: “Trường hợp phát hiện người nộp thuế có số lỗ kê khai lớn hơn vốn chủ sở hữu thì cơ quan thuế đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép kinh doanh, thu hồi mã số thuế để đình chỉ việc sản xuất kinh doanh”. Lý do để đưa ra quy định mới này là trong thực tế, không ít doanh nghiệp có tình trạng “lỗ giả, lãi thật”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng quy định này đã “đá nhầm sân”. Bởi lẽ, Luật Quản lý thuế chỉ quy định những vấn đề thuộc về công tác quản lý, thu thuế. Việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ do Luật Doanh nghiệp quy định.

Theo dự thảo, cơ quan thuế cũng chỉ “đề nghị” chứ không trực tiếp thu hồi chứng nhận giấy phép kinh doanh. Nhưng thiết nghĩ ngay cả việc đề nghị cũng phải dựa trên quy định của pháp luật và xem xét nguyên nhân dẫn đến thua lỗ thì mới hợp lý, hợp tình. Bởi các doanh nghiệp mới thường bị lỗ trong ba năm đầu hoặc do nguyên nhân khách quan số lỗ trong một năm đã lớn hơn vốn chủ sở hữu nhưng việc tăng vốn chủ sở hữu chưa thể thực hiện được ngay.

Mức phạt quá cao

Dự thảo luật dự kiến sửa điều 107 Luật Quản lý thuế hiện hành như sau: “Người nộp thuế đã phản ánh đầy đủ, trung thực các nghiệp vụ kinh tế làm phát sinh nghĩa vụ thuế trên sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ nhưng khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn hoặc khai sai nhưng không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 6 và khoản 7 điều 108 của luật này dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn thì phải nộp đủ số tiền thuế khai thiếu, nộp lại số tiền thuế được hoàn cao hơn và bị xử phạt theo tỷ lệ phần trăm tính trên số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế được hoàn cao hơn. Thời gian tính phạt từ ngày người nộp thuế vi phạm đến ngày cơ quan quản lý thuế phát hiện, cụ thể như sau: dưới 12 tháng: 25%; từ 12 tháng đến dưới 24 tháng: 40%; từ 24 tháng đến dưới 36 tháng: 60%; từ 36 tháng đến dưới 48 tháng: 80%; từ 48 tháng đến 60 tháng: 100%”.

Trong khi đó, Luật Quản lý thuế hiện hành chỉ quy định người nộp thuế “bị xử phạt 10% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được hoàn cao hơn và phạt tiền thuế chậm nộp trên số tiền thuế thiếu hoặc số tiền thuế được hoàn cao hơn”.

Có thể thấy rằng, mức phạt quy định mới nêu trên là quá cao và không hợp lý. Bởi những hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn trong khi đã “phản ánh đầy đủ, trung thực các nghiệp vụ kinh tế làm phát sinh nghĩa vụ thuế trên sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ” không phải là hành vi cố ý của đối tượng nộp thuế mà chủ yếu do sự yếu kém trong công tác kế toán doanh nghiệp và nhận thức hạn chế về pháp luật thuế của chủ doanh nghiệp.

Mặt khác, mục đích của việc phạt không phải là để tăng thu cho ngân sách mà để chủ doanh nghiệp phải quan tâm hơn nữa đến công tác quản lý. Do đó, xin kiến nghị giữ nguyên quy định tại điều 107 Luật Quản lý thuế hiện hành.

Luật gia Vũ Xuân Tiền

TBKTSG

Các tin tức khác

>   DN báo lỗ: Kiểm tra cả công ty lời nhưng tỷ suất lợi nhuận không hợp lý (20/12/2011)

>   Điều chỉnh thuế nhiều mặt hàng từ ngày 1/1/2012 (19/12/2011)

>   Nhiều DN thoát “án” truy thu thuế hàng chục tỷ đồng (16/12/2011)

>   Cơ quan thuế ngày càng “rắn tay” (16/12/2011)

>   Kiểm toán: Cuộc giằng co giữa phí và chất lượng (16/12/2011)

>   Thuế sẽ bị “săm soi” gắt gao hơn! (15/12/2011)

>   Tăng 336 dòng thuế ưu đãi nhập khẩu của Việt Nam (15/12/2011)

>   Bộ Tài chính không đồng ý giảm thuế nhập khẩu nhựa PVC (13/12/2011)

>   Nâng chất CTKT: Minh bạch doanh nghiệp niêm yết (12/12/2011)

>   Năm 2012 giữ nguyên thuế môn bài (09/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật