Kiểm toán: Cuộc giằng co giữa phí và chất lượng
Mức phí kiểm toán trung bình mà nhiều DN kiểm toán trong nước đang chào rất khó đảm bảo để các công ty này thực hiện đủ các quy trình, thủ tục kiểm toán
Thời gian gần đây, chuyện DN nhiều năm được kiểm toán độc lập xác nhận có lãi, đột nhiên thua lỗ, thậm chí phá sản không còn hiếm. Điều này khiến dư luận quan ngại về chất lượng kiểm toán BCTC. Thực tế, để cạnh tranh thu hút khách hàng, nhiều công ty kiểm toán (CTKT) đã sử dụng biện pháp hạ phí và mức phí quá thấp dẫn đến chất lượng cuộc kiểm toán không đảm bảo.
Mới đây, tại hội thảo về lợi ích của kiểm toán do Hội Kiểm toán viên hành nghề (VACPA) và Hiệp hội Kế toán viên công chứng Australia (ICAA) tổ chức, ông Bùi Văn Mai, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VACPA đã đặt ra một câu hỏi thú vị cho các CTKT: DN căn cứ trên cơ sở nào để tính toán mức phí? Sở dĩ, câu hỏi này được nêu ra là vì tình trạng hạ phí để sự cạnh tranh đang là vấn đề nóng, có ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc kiểm toán.
Trả lời câu hỏi của ông Bùi Văn Mai, bà Trần Thúy Ngọc, Phó TGĐ Công ty TNHH Deloitte Việt Nam cho biết, để tính phí, Deloitte sẽ xem xét, quy mô DN (tập đoàn hay DN đơn lẻ), tính chất lĩnh vực hoạt động (sản xuất, dịch vụ, xây dựng…), phạm vi hoạt động (trên 1 tỉnh hay nhiều tỉnh), số lượng chứng từ, để từ đó xây dựng kế hoạch về số lượng kiểm toán viên (KTV) tham gia kiểm toán cũng như số giờ làm việc của KTV cho một cuộc kiểm toán. Ngoài ra, Công ty cũng xem xét đến yếu tố DN có sẵn sàng, nhanh chóng cung cấp thông tin; nhân viên bộ phận kế toán của DN có kinh nghiệm làm kế toán hay không.
Được biết, mức phí cho một cuộc kiểm toán của các CTKT nước ngoài như Deloitte có sự chênh lệch rất lớn so với mức CTKT trong nước đưa ra, có khi tới cả chục lần. Theo số liệu VACPA cung cấp, các CTKT nước ngoài tại Việt Nam có mức phí bình quân khoảng 380 triệu đồng/hợp đồng kiểm toán, trong khi, các CTKT trong nước chỉ chào phí khoảng 40 - 50 triệu đồng/hợp đồng kiểm toán.
Hiện nay, nhiều DN phải kiểm toán theo luật định chưa nhận thức đúng mức vai trò và giá trị của kiểm toán độc lập nên thường có xu hướng lựa chọn CTKT dựa trên mức phí mà các CTKT chào hàng. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng các CTKT đua nhau hạ giá phí để thu hút khách hàng.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, mức phí kiểm toán trung bình mà các DN kiểm toán trong nước đang chào rất khó đảm bảo để CTKT thực hiện đủ các quy trình, thủ tục kiểm toán. Với cuộc kiểm toán BCTC của các các tập đoàn, DN lớn với nhiều công ty con, hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau đòi hỏi kiểm toán viên phải xử lý một khối lượng công việc lớn, tốn nhiều thời gian, công sức cũng như đòi hỏi kiểm toán viên phải có trình độ chuyên môn cao. Nhưng điều đó không có nghĩa là kiểm toán một DN đơn lẻ, có quy mô nhỏ thì sẽ bớt được quy trình, thủ tục kiểm toán. Chẳng hạn, khối lượng công việc kiểm toán ở một DN có doanh thu 50 tỷ đồng có ít hơn nhưng vẫn chiếm tới 80 - 90% so với công việc kiểm toán ở một DN có doanh thu 100 tỷ đồng. Bởi vậy, nếu tính phí kiểm toán quá thấp, rất có thể, CTKT sẽ phải cắt xén quy trình, bỏ qua một số thủ tục tốn thời gian như kiểm kê hàng tồn kho hoặc thủ tục thay thế cho kiểm kê hàng tồn kho. Nếu một báo cáo kiểm toán có ý kiến ngoại trừ khoản mục hàng tồn kho, trong khi giá trị của khoản mục này có thể tới chiếm 80 - 90% tổng tài sản của DN thì thử hỏi BCTC còn có thể đảm bảo tính chính xác, trung thực? Và khi đó, dịch vụ kiểm toán độc lập, dịch vụ "xác nhận niềm tin" sẽ không còn đảm bảo chất lượng, đảm bảo chữ tín với khách hàng cũng như công chúng đầu tư.
Ở những nền kinh tế phát triển, dịch vụ kiểm toán có bề dày lịch sử như Australia, yếu tố cạnh tranh giữa các CTKT chính là chất lượng của cuộc kiểm toán, chứ không phải yếu tố giá phí. Ông Bill Palmer, Giám đốc khu vực châu Á, ICAA cũng cảnh báo tình trạng cạnh tranh về giá phí ở Việt Nam hiện nay có thể khiến chất lượng dịch vụ kiểm toán bị giảm sút.
Bà Hà Thị Ngọc Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính cũng thừa nhận, cạnh tranh bằng giá phí hiện đang là vấn đề nhức nhối trong lĩnh vực dịch vụ kiểm toán. Trong Luật Kiểm toán độc lập, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 đã đưa ra quy định về căn cứ tính phí kiểm toán. Bà Hà khuyến cáo các CTKT tính phí đầy đủ để có thể thực hiện tất cả quy trình, thủ tục.
Tuy nhiên, để đảm bảo CTKT tuân thủ quy trình, thủ tục của kiểm toán và quy định pháp luật thì việc xử lý nghiêm sai phạm là rất cần thiết. Nghị định 105/2004/NĐ-CP đã đề cập đến các hình thức xử phạt như: chấm dứt hợp đồng kiểm toán đã ký năm đó; nếu hợp đồng đã kết thúc thì sẽ không được tiếp tục ký vào năm sau; khấu trừ tiền phí đã thỏa thuận trong hợp đồng; phạt tiền cao nhất gấp 10 lần giá phí kiểm toán trong hợp đồng nếu xảy ra sai phạm. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có văn bản pháp lý nào qui định cụ thể về các hành vi sai phạm và các chế tài xử phạt. Vì thế, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kiểm toán độc lập chưa có căn cứ pháp lý để xử phạt các CTKT và kiểm toán viên khi có sai phạm xảy ra.
Được biết, Dự thảo Nghị định về xử phạt đối với vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán độc lập đang được Vụ Chế độ kế toán kiểm toán (Bộ Tài chính) soạn thảo để đệ trình Chính phủ dự kiến ban hành vào quý II/2012. Văn bản pháp lý này kỳ vọng sẽ đưa hoạt động kiểm toán độc lập đi vào nền nếp hơn.
Bùi Trang
ĐÀU TƯ CHỨNG KHOÁN
|