Nâng chất CTKT: Minh bạch doanh nghiệp niêm yết
Nhiều ý kiến cho rằng tái cấu trúc thị trường chứng khoán (TTCK) phải đi kèm tái cơ cấu công ty kiểm toán (CTKT). Bởi các báo cáo tài chính dù đã được kiểm toán vẫn “có vấn đề” về chất lượng. Điều này gây ra rủi ro nhất định đối với các bên tham gia thị trường. Trao đổi với ĐTTC, ông Bùi Văn Mai, Phó Chủ tịch thường trực Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), nhìn nhận sự yếu kém này phát xuất từ nhiều nguyên nhân, cần có giải pháp tổng thể để giải quyết.
Chất lượng chưa đồng đều
- Ông đánh giá thế nào về số lượng, chất lượng các CTKT, kiểm toán viên (KTV) hiện nay?
- Trong 3, 4 năm trước, số lượng CTKT phát triển rất nhanh, có năm thành lập mới 15-20 công ty. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, tốc độ phát triển đã giảm, có công ty mới nhưng cũng có những công ty phải ngừng hoạt động, hoặc phải sáp nhập do không có khách hàng, không có KTV.
Đến nay, số lượng CTKT khoảng 160-170, quy mô và chất lượng hoạt động nhìn chung có tăng. Có được điều này do hệ thống văn bản pháp luật ngày càng đầy đủ nên việc lập, kiểm toán báo cáo tài chính nâng cao hơn. Hiện có khoảng 1.500/2.000 KTV có chứng chỉ hành nghề đang hoạt động.
Trong nghề kiểm toán, trách nhiệm của KTV chỉ là kiểm tra và xác nhận sự trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính chứ không có trách nhiệm phải phát hiện tất cả gian lận như cơ quan điều tra. Tất nhiên, trong quá trình kiểm toán, nếu KTV phát hiện ra các gian lận càng tốt. Nói như vậy để thấy nếu doanh nghiệp cố tình cung cấp số liệu sai trái, gian lận cũng rất khó để KTV đánh giá đúng. |
- Ông thực sự yên tâm đối với chất lượng CTKT, KTV?
- Số lượng CTKT, KTV so với yêu cầu, theo tôi dù đã nâng cao nhưng vẫn chưa đủ so với đòi hỏi của thị trường và chất lượng cũng chưa hoàn toàn yên tâm. Đó là sự chưa đồng đều khi trình độ giữa các CTKT lớn và nhỏ còn khoảng cách.
Mặt khác, một số chính sách của Nhà nước vẫn chưa đồng bộ, rõ ràng, có những điều để phân định đúng - sai là không dễ khẳng định; trách nhiệm thuộc về ai cũng khó xác định. Chẳng hạn như việc xử lý về chênh lệch tỷ giá, đến nay Bộ Tài chính có các văn bản hướng dẫn khác nhau, doanh nghiệp, KTV không biết phải thực hiện thế nào cho đúng.
Trong số 160-170 CTKT, nếu nói về nhóm nổi trội, đẳng cấp có 10-15 công ty, khoảng 100 công ty mức độ trung bình, còn lại là các công ty yếu. Với những công ty yếu chuyện giải thể, sáp nhập cũng rất mong manh.
- Vậy 40-50 CTKT yếu tiến hành kiểm toán doanh nghiệp liệu có ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tài chính, gây thiệt hại cho nhà đầu tư?
- Nước nào cũng có CTKT quy mô lớn, trung bình và nhỏ, bởi thị trường, khách hàng có sự phân cấp nhất định và ranh giới giữa các công ty có quy mô khác nhau có thể rất lớn.
Hiện 4 công ty quốc tế lớn có mặt ở Việt Nam (KPMG, Deloitte Touche Tohmatsu, PricewaterhouseCoopers và Ernst & Young) chiếm đến 70% thị phần, 15-20 công ty trong nước 20%. Thị phần còn lại thuộc các CTKT khác. Do vậy, nếu các CTKT nhỏ có sai cũng chỉ ảnh hưởng ở phạm vi nhỏ.
Bài học lớn từ DVD
- Một trong những điển hình về chất lượng kiểm toán “có vấn đề” được giới đầu tư nhìn nhận từ trường hợp của DVD, dù được CTKT lớn là A&C và E&Y kiểm toán. Quan điểm của VACPA về sự việc này?
- Trong quá trình phân tích, đánh giá các báo cáo tài chính do 2 công ty trên kiểm toán, chúng tôi thấy việc tuân thủ quy trình kiểm tra, kiểm soát ở mức độ cao và họ đều đạt 94/100 điểm (A&C) và 96/100 điểm (E&Y), trong khi trên 80 điểm là tốt.
Thế nhưng nhiều nhà đầu tư khi đọc thường không chú tâm nhiều vào các đánh giá của kiểm toán nên nhận thức chưa đầy đủ.
Chẳng hạn, KTV có ý kiến “ngoại trừ những sai sót nêu trên còn lại là trung thực và hợp lý” nhưng nhiều khi nhà đầu tư chỉ tập trung câu “trung thực và hợp lý” mà không để ý đến hàng loạt dữ kiện “ngoại trừ”. Trong khi chỉ một điểm “ngoại trừ” đã phản ánh tổng thể của báo cáo.
Nếu người có chuyên môn, chỉ nhìn vào điểm “ngoại trừ” để đánh giá báo cáo tài chính có đáng tin tưởng hay không. Đó là những đánh giá chúng tôi đưa ra được sau khi tiến hành kiểm tra 2 CTKT sau vụ việc xảy ra với DVD.
Sau đó Bộ Tài chính đã yêu cầu đưa 2 doanh nghiệp trên vào diện kiểm tra năm nay. Vì thế, dù mức độ tuân thủ của họ cao và sai sót không đáng kể, nhưng 2 CTKT này vẫn chưa được chấp nhận kiểm toán công ty niêm yết.
Tôi cho rằng cần có cái nhìn công bằng với lĩnh vực kiểm toán và doanh nghiệp kiểm toán. Chẳng hạn, với E&Y hay các công ty kiểm toán quốc tế lớn đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực kiểm toán tại Việt Nam.
Nếu chỉ vì một sự kiện liên quan đến DVD mà không chấp nhận họ đủ điều kiện kiểm toán công ty niêm yết là không công bằng. Một số chuyên gia quốc tế thường phàn nàn làm việc ở Việt Nam rất khó khăn, vì nhiều khi không biết làm như thế nào là đúng, sai do các quy định ở Việt Nam nhiều khi chưa rõ ràng.
- Vậy sai sót trong kiểm toán liệu có là kẽ hở để KTV bắt tay thông đồng với doanh nghiệp?
- Về nguyên tắc, KTV phải độc lập, khách quan, trung thực, còn trên thực tế có thể KTV thông đồng với doanh nghiệp. Nhưng có thể nói trường hợp này rất hiếm, vì nếu chỉ sai phạm 1 lần KTV không được tiếp tục hành nghề và ảnh hưởng lớn đến uy tín của CTKT.
Như E&Y là một trong 4 công ty lớn của thế giới, có hệ thống kiểm soát nội bộ chặt chẽ. Tất nhiên, họ cũng có thể bị sai sót. Nghề kiểm toán cũng như các nghề nghiệp khác, sai sót là điều không thể tránh, quan trọng là giảm thiểu rủi ro.
Thiếu chế tài mạnh
- Ông đánh giá thế nào về chất lượng CTKT sau khi VACPA tiến hành kiểm tra năm nay?
Ban hành nhanh, đồng bộ các văn bản hướng dẫn Luật Kiểm toán độc lập có hiệu lực từ ngày 1-1-2012. Bên cạnh đó, cần cơ cấu lại hệ thống quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này. Bởi dù luật đã có nhưng chưa quy định cụ thể thì UBCKNN, Bộ Tài chính, các cơ quan khác và VACPA phải làm gì? Trong cơ cấu đó cần có sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau ra sao? Đó là những vấn đề cần làm rõ. Mặt khác, nên tăng thêm kỳ thi để tăng số lượng KTV, từ đó có sự sàng lọc về chất lượng, chế tài mạnh, buộc các CTKT nâng cao chất lượng hoạt động. |
- Năm nay chúng tôi kiểm tra 30 công ty, kết quả: 5 công ty tốt, 18 đạt yêu cầu, 6 chưa đạt yêu cầu và 1 yếu kém. Những đơn vị chưa đạt yêu cầu và yếu kém phần lớn là công ty nhỏ và còn nhiều sai sót về việc tuân thủ quy trình kiểm toán, như bỏ qua thủ tục, bỏ bớt giai đoạn trong soát xét, sai sót về thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, cũng phải thấy việc xử lý của các cơ quan quản lý với CTKT chưa mạnh nên vẫn xảy ra sai sót vào năm sau. Hàng năm, chúng tôi thường kiểm tra 1/3 số CTKT và thông thường sau 3-4 năm mới kiểm tra lại, nhưng các công ty yếu kém năm sau sẽ được tiếp tục kiểm tra. Qua đây cho thấy thị trường kiểm toán còn gặp nhiều khó khăn.
Đó là do yêu cầu của khách hàng, nhà đầu tư ngày càng cao, nhưng công tác kiểm toán chưa đáp ứng kịp thời, dẫn đến sự cạnh tranh về KTV, về giá phí kiểm toán. Bên cạnh đó, nghề kiểm toán đối mặt nhiều rủi ro nên nhiều KTV chuyển sang nghề khác.
- Vậy VACPA có kiến nghị gì đến cơ quan quản lý trong giải quyết những bất cập?
- Chúng tôi đã công khai trên website của Hội và sẽ báo cáo với Bộ Tài chính kết quả kiểm tra năm 2011. Thông thường, Bộ Tài chính cũng dựa vào kết quả kiểm tra của Hội để xử phạt. Tuy nhiên, những năm qua việc xử phạt chỉ ở mức độ phê bình, cảnh cáo, khiển trách. Một vài lần phát hiện KTV có sai sót nghiêm trọng đã đình chỉ hành nghề 1 năm.
Nguyên nhân một phần do văn bản pháp luật còn thiếu quy định cụ thể các tình tiết sai phạm, mức độ xử phạt trong lĩnh vực này. Năm tới, khi Luật Kiểm toán độc lập có hiệu lực, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán sẽ dễ dàng hơn.
- Phải chăng chất lượng kiểm toán hiện nay chưa cao do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chi phí kiểm toán quá thấp?
- Về nguyên tắc, phí là sự thỏa thuận giữa khách hàng với CTKT, Nhà nước không can thiệp. Theo tính toán của chúng tôi, mức chênh lệch giá phí bình quân giữa các công ty rất khác nhau. Một công ty trong nhóm 4 công ty lớn có giá phí bình quân 380 triệu đồng/hợp đồng kiểm toán, trong khi các công ty của Việt Nam phổ biến 35-50 triệu đồng.
Chúng tôi đã xây dựng bộ hồ sơ kiểm toán mẫu cho khoảng 2/3 CTKT của Việt Nam thực hiện với giá phí thấp nhất là 50-70 triệu đồng. Do vậy, nếu mức phí kiểm toán dưới 50 triệu đồng sẽ không thể thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán cần thiết.
- Xin cảm ơn ông.
Hà My
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
|