Doanh nghiệp BĐS nợ thuế - Khó quá hóa liều
Trong tình cảnh thị trường BĐS đình trệ, doanh nghiệp BĐS khó khăn chồng chất, nợ thuế đột ngột “nóng” lên. Theo thống kê số tiền thuế còn đọng trong các doanh nghiệp BĐS đã lên tới hàng ngàn tỷ đồng, đặt ngành thuế trước tình thế tiến thoái lưỡng nan: xử lý thế nào cho vẹn đôi đường?
Nợ để cứu chính mình
Thống kê của Cục Thuế TP Hà Nội cho thấy, hiện doanh nghiệp BĐS trên địa bàn đang nợ gần 1.000 tỷ đồng. Số nợ này chủ yếu ở các dự án khó khăn về tài chính, vướng mắc giải phóng mặt bằng...
Tuy nhiên, số nợ này chỉ là tạm tính, dự kiến khi kết quả rà soát liên ngành đối với 240 dự án được công bố, số nợ có thể tăng cao. Theo Chi cục Thuế Hà Đông, trên địa bàn quận hiện có 58 dự án BĐS.
Tính đến hết tháng 10, số tiền phạt nộp chậm của các doanh nghiệp vẫn tồn đọng gần 800 tỷ đồng. Tại các quận, huyện khác như Hoài Đức, Từ Liêm…, số tiền sử dụng đất và khoản phạt nộp chậm của các doanh nghiệp lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Trong đó có một số doanh nghiệp nợ thuế và tiền phạt ở mức “khủng” như Tập đoàn HUD - chủ đầu tư dự án Vân Canh - nợ gần 400 tỷ đồng tiền gốc; CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội nợ hơn 220 tỷ đồng tiền gốc…
Các doanh nghiệp đưa ra nhiều lý do biện minh cho việc chậm nộp thuế. Thí dụ, khi xác định giá tính thuế các dự án thì doanh nghiệp chưa được bàn giao mặt bằng hoặc phải dừng triển khai để rà soát, nên chần chừ chưa nộp vì chưa biết dự án có được tiếp tục được triển khai hay không.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng bên cạnh những lý do chính đáng có nguyên nhân từ phía cơ quan quản lý nhà nước về xét duyệt dự án. Đó là các doanh nghiệp BĐS - xây dựng luôn cần nguồn vốn lớn, trong khi vay vốn từ ngân hàng khó khăn, huy động từ các nguồn khác lại không khả quan, nên doanh nghiệp chiếm dụng tiền nộp thuế làm vốn.
Hay nói cách khác là trong tình hình khó khăn như hiện nay, một số doanh nghiệp BĐS “hóa liều” để tự cứu mình.
Thói quen của doanh nghiệp?
Thực tế chuyện doanh nghiệp chậm nộp thuế không còn xa lạ trong khi cơ quan thuế vẫn chưa tìm được giải pháp hiệu quả buộc doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Không phải trong thời điểm thị trường ảm đạm như hiện nay, mà ngay cả khi thị trường sôi động doanh nghiệp vẫn viện đủ cớ để dây dưa nợ thuế.
Không riêng Hà Nội, tình trạng này cũng diễn ra tại TPHCM. Năm 2010, cơ quan thuế TPHCM cũng “kêu trời” khi số nợ khó đòi ngày càng tăng, có thời điểm số thuế doanh nghiệp nợ chiếm 5% tổng nguồn thu thuế của địa bàn.
Theo Luật Quản lý thuế, cơ quan thuế được thực thi 7 biện pháp cưỡng chế doanh nghiệp nợ thuế và tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, dù đã thực hiện nhiều biện pháp đôn đốc, xử lý nhưng việc thu thuế đối với các doanh nghiệp BĐS vẫn là bài toán nan giải.
Mới đây, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết trước tình hình các doanh nghiệp BĐS trên địa bàn TP Hà Nội nợ tiền sử dụng đất, ngành đã lập 3 đoàn kiểm tra làm rõ nguyên nhân.
Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết vấn đề chậm nộp thuế rõ ràng là chưa tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp BĐS, song cũng không thể xử lý cứng nhắc.
Nhiều chuyên gia BĐS cho rằng việc chây ì nộp thuế đã trở thành “thói quen” của các doanh nghiệp một phần vì luật pháp chưa có quy định về thời gian doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất, một phần vì các cơ quan thuế đã “nương tay”.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, ngay cả khi lãi lớn các chủ đầu tư vẫn xin nợ. Đây thực sự là điều rất đáng phê phán, bởi đất đã bán nhưng tiền thuế chưa nộp là vô lý.
Hoài Trâm
DOANH NHÂN SÀI GÒN
|