Doanh nghiệp niêm yết liên kết CTCK: Lợi, hại song trùng
CTCK tư vấn tái cấu trúc, niêm yết cho doanh nghiệp thường được “lại quả” bằng việc mua CP giá rẻ một thời là “ngón tủ” của các CTCK để kinh doanh và “làm giàu” cho một số cá nhân. Nhưng động thái này lại đang gây hại khi nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng tư vấn không dám niêm yết, không phải sợ thị trường giảm mà sợ… CTCK xả hàng.
Những khoản nợ tù mù của CTCK
Vài tháng trước, một doanh nghiệp bất động sản có vốn điều lệ khoảng 100 tỷ đồng đã “đánh tiếng” sẽ niêm yết CP nhưng đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực.
Dân chứng khoán đang kháo nhau rằng, CTCK tư vấn niêm yết cho doanh nghiệp này đã tìm nhiều cách để thúc doanh nghiệp lên sàn vì đã xong các thủ tục nhưng không có tác dụng. Vấn đề đặt ra là thị trường xấu không phải rào cản cho việc lên sàn của doanh nghiệp bất động sản có quy mô trung bình vừa nêu, mà nút thắt nằm ở chính… CTCK tư vấn.
|
NĐT theo dõi giá cổ phiếu. |
Thông thường, khi CTCK ký kết hợp đồng tư vấn niêm yết sẽ được doanh nghiệp bán lại một lượng CP với giá ưu đãi. Đây là thực tế dễ hiểu vì phí tư vấn niêm yết của doanh nghiệp có vốn điều lệ 100-200 tỷ đồng trả cho CTCK cũng chỉ tương ứng vài trăm triệu đồng (thông thường từ 0,1-0,2%/vốn điều lệ).
Dựa vào phí chắc chắn CTCK “khó sống”, tất nhiên doanh nghiệp cũng không muốn “bà đỡ” đưa CP của mình lên sàn không vui. Đối tượng mua từ phía CTCK sẽ rơi vào bộ phận tự doanh, khách hàng ruột, nhân viên của CTCK tùy theo quy mô của thương vụ.
Giống như một quy luật, doanh nghiệp tốt, lành mạnh thường ít “đẩy hàng” và ngược lại càng “yếu” càng muốn có người mua vào, vì vậy đã bắt tay với CTCK trong việc tạo thanh khoản. Phía CTCK mặc dù biết hàng “yếu” nhưng lại tự tin vào khả năng “hô hào” của mình nên mua vào, rủ rê người nhà cùng ôm.
Để “mông má” cho sự hấp dẫn của CP, các sếp CTCK còn cho NĐT, nhân viên và chính mình đem CP repo để lấy tiền “chiến đấu” trên sàn. Theo quy định, nếu hết thời hạn repo, NĐT không có tiền trả cho CTCK, CTCK sẽ đem số CP này bán ra thu tiền về. Ngặt nỗi, TTCK đang giảm, bán CP trên sàn đã khó, CP OTC càng không có thanh khoản, xem như CTCK ôm “giấy lộn”.
Điểm lắt léo nằm ở chỗ đây là thương vụ “ngầm”, nên mặc dù bản chất là repo nhưng CTCK nếu có ký hợp đồng với khách hàng hoặc chính nhân viên của mình lại sử dụng hợp đồng hợp tác đầu tư. Điều này khiến mức độ ràng buộc pháp lý trở nên lỏng lẻo, khả năng thu hồi vốn của CTCK thấp.
Ngoài ra, nhờ hợp đồng hợp tác đầu tư nên khi NĐT không trả nổi tiền, CTCK sẽ không phải hạch toán vào “khoản phải thu” mà đưa thẳng sang “các khoản mục đầu tư” để che mắt cổ đông. Đây chính là nguyên nhân khiến những khoản nợ xấu của CTCK trở nên tù mù.
Thậm chí, có câu chuyện khi sếp của một CTCK lớn công bố con số nợ xấu của mình ra bên ngoài là vài trăm tỷ đồng, nhân viên bên trong đã tủm tỉm cười vì biết rằng con số thực phải gấp hàng… chục lần.
Cổ đông bất đắc dĩ
Đối với một NĐT cá nhân, cổ đông nhỏ lẻ của một doanh nghiệp chưa niêm yết nào đó, không dễ để xác định được CP của mình có bị “đẩy hàng” cho CTCK hay không. Điều này dẫn đến việc NĐT cá nhân, cổ đông nhỏ lẻ cứ phải “dài cổ” chờ doanh nghiệp lên sàn.
Trong khi đó, lãnh đạo doanh nghiệp biết tỏng CTCK chỉ đợi mình đưa CP lên là lập tức tiến hành bán ra ồ ạt, e ngại giá CP giảm quá sâu sẽ không “ngóc đầu” nổi, ảnh hưởng đến doanh nghiệp nên kiên quyết giữ CP không cho lên sàn.
Theo một số nguồn tin, lý ra một doanh nghiệp có vốn điều lệ hơn 300 tỷ đồng đã lên sàn, nhưng do “dính líu” khá nhiều đến CTCK nên phải đợi đến giữa năm nay mới lên sàn. Kết cục là CP này đã có 1 tháng rơi “cắm đầu” mất giá hơn 40% mới chịu dừng lại.
Khi doanh nghiệp không lên sàn, CTCK buộc phải chuyển những CP mình repo trở thành đầu tư. Lúc này CTCK xem như đã “biến” thành cổ đông của doanh nghiệp. Do trở thành cổ đông một cách bất đắc dĩ, CTCK cũng khó có “thế” để kêu gọi những NĐT khác tạo áp lực lên ban lãnh đạo buộc doanh nghiệp phải niêm yết.
Không đứng về một phe nào của doanh nghiệp, mà lại trở thành một mối đe dọa thường trực cho giá trị doanh nghiệp hay chuyện lãi lỗ của cổ đông. Cũng có những trường hợp CTCK mặc dù là cổ đông nhưng tìm mọi cách “lấp liếm”, che giấu “thân phận” của mình, vì “thò mặt” sẽ bị cổ đông chất vấn mua CP giá bao nhiêu, bây giờ còn bao nhiêu và phải thừa nhận bị thua lỗ.
Việc cung hàng ra bên ngoài cho CTCK do chính lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện, nhiều khả năng cũng được “lại quả” không ít. Đây chính là cái giá cho những “sếp” không hiểu biết về chứng khoán, nhưng lại thích “chơi” những “trò nguy hiểm” với CTCK.
Nhớ lại thời điểm cuối 2009 và nửa đầu 2010, thời đỉnh cao của phong trào “đội lái”, khi đó lãnh đạo nào chịu “bắt tay” với các “đội lái” được xem là thức thời, những ai nói “không” bị nhận xét là “chảnh”, “bảo thủ”. Không dễ để mổ xẻ xem chuyện này bên nào có lỗi, bên nào thiệt hơn, nhưng có một điều chắc chắn thiệt thòi nhất vẫn là cổ đông nhỏ lẻ của doanh nghiệp và của CTCK, bởi lẽ họ đang phải chịu vạ vì sai lầm của những lãnh đạo.
Thái Ca
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
|