Thứ Sáu, 16/12/2011 15:16

Trầm cảm chứng khoán!

(Vietstock) - Nếu có những người đã làm giàu bạc tỷ thì tất yếu cũng phải có những kẻ bị tâm thần vì mất bạc tỷ. Đó là quy luật của TTCK thế giới từ thuở khai sinh lập địa từ cuối thế kỷ 19.

Từ căn bệnh “Hoang tưởng ngược”

Ở TTCK Việt Nam, từ năm 2007 trở về trước hiếm khi xảy ra hiện tượng tâm thần vì chứng khoán. Khi đó, thị trường còn sôi trào với những đợt sóng lên xuống, nhưng nhìn chung mặt bằng cổ phiếu vẫn trong kênh tăng giá, dòng tiền đổ vào mạnh, thắng nhiều hơn bại nên tâm lý nhà đầu tư đầy hứng khởi.

Một trạng thái “hoang tưởng ngược” đã diễn ra khi ở nhiều quán cà phê dọc theo những con đường buôn bán thương mại sầm uất, cũng là nơi các công ty chứng khoán dần mọc lên trụ sở, nhà đầu tư chuyên nghiệp và cả những người dân chưa từng một ngày học về chứng khoán đã say sưa thì thầm to nhỏ với nhau về đủ thứ tin tức liên quan đến các cổ phiếu. Trong tâm tưởng của hầu hết mọi người, cũng giống như đất đai, giá cổ phiếu chỉ có lên chứ không thể xuống. 

Ngay vào thời kỳ khủng hoảng diễn ra trong năm 2008, bất chấp chỉ số hai sàn TP.HCM và Hà Nội lao dốc quá mạnh, nhà đầu tư vẫn còn hy vọng. Hy vọng đó từ đâu mà có khi HNX đã mất đến 83% so với đỉnh thiết lập vào tháng 3/2007? Câu trả lời là thanh khoản vẫn được duy trì tương đối cao, lượng mua ròng của nước ngoài vẫn tương đối lớn. Hơn nữa, TTCK Việt Nam nằm trong bối cảnh chung của các TTCK trên khắp thế giới, do đó về mặt tâm lý, nhà đầu tư Việt Nam được an ủi phần nào.

Và đó cũng là lý do dấu hiệu tự tử mới chỉ manh nha hiện ra trong năm 2008. Cái thời mà nhà đầu tư cá nhân vay mượn công ty chứng khoán để sử dụng đòn bẩy tài chính chưa phổ biến, chủ yếu chơi bằng tiền tự có của mình. Khi đó, tâm lý bán tháo bằng mọi giá còn hạn chế và không bị tiêu tán sạch vốn như hai năm gần đây. Bởi vậy, họ đã có ít nhiều cơ hội lấy lại được một phần vốn của mình trong con sóng phục hồi năm 2009.

Nhưng từ cuối năm 2010, tại nhiều sàn giao dịch, một trong những chủ đề khiến nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, với thái độ sợ hãi xen lẫn tò mò kể cả hả dạ (như một đặc tính ích kỷ trong tâm lý người chơi chứng khoán), là mấy ngày trước đã có đại gia X nào đó “chết”, hôm qua lại thêm đại gia Y nữa bị “đột quỵ”.

Lướt nhanh qua các sàn giao dịch, con số nhà đầu tư gục ngã vì vướng vòng xoáy đòn bẩy tài chính cũng tăng vọt. Không thiếu gì những câu chuyện về chính những tay môi giới sừng sỏ của công ty chứng khoán này hoặc khác đã nướng đến hàng chục tỷ đồng và sau đó phải nhập viện trong “trung hạn”.

Bước sang năm 2011, tình hình đã trở nên bĩ cực đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, những người có thói quen đánh sóng theo cổ phiếu nhỏ. Những đoạn kéo ngang của thị trường đã thật sự là thời gian thử thách tâm lý nhà đầu tư. Chỉ số chậm chạp đi ngang nhưng giá cổ phiếu vẫn xuống.

Trầm cảm chứng khoán: không chỉ là triệu chứng

Đó và đây bắt đầu xuất hiện những bài viết về căn bệnh tâm thần của đại gia chứng khoán. Viện Tâm thần trung ương là một trong những địa chỉ được nói đến nhiều nhất. Ở nơi đó, nhiều hoàn cảnh “thương tâm” được công bố, điều mà trước đây đã chưa từng được đề cập, hoặc vì lý do cá nhân, hoặc vì “định hướng tuyên truyền”.

Trạng thái mòn mỏi về tinh thần trong chờ đợi là một trong những nguyên nhân chính làm cho nhà đầu tư mất kiên nhẫn và dễ sinh hoảng loạn. Tâm lý hoảng loạn khi bán tháo cổ phiếu cũng phản ánh tâm lý hoảng sợ ở cấp độ cao của nhà đầu tư.

Tâm lý hoảng loạn ở cấp độ cao lại được phát xuất từ trạng thái hoang mang ở cấp độ thấp và bình thường. Đến một thời điểm, được coi như “thời điểm Minsky” của kinh tế học, khi giá cổ phiếu đã tuột đến mức làm cho danh mục của nhà đầu tư không còn đảm bảo khả năng trả nợ vay cho công ty chứng khoán, hiện tượng bán giải chấp đương nhiên phải xảy ra. Trạng thái căng thẳng tâm lý cũng từ cấp độ thấp tiến lên những cấp độ cao hơn.

Nhưng tâm lý chỉ thật sự hoảng loạn khi toàn bộ danh mục của nhà đầu tư bị công ty chứng khoán giải chấp không thương tiếc. Toàn bộ vốn liếng, tài sản của nhà đầu tư đã hóa thành tro bụi. Những cái chết theo đúng nghĩa đen đã xảy ra. Người thì uống thuốc ngủ, người rơi vào hội chứng nhảy lầu, những người khác tìm đến một dòng sông…

Với những nhà đầu tư chơi bằng tiền thật của mình, họ có lợi thế rất lớn so với nhóm nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính. Nhưng sự khác biệt không quá lớn là cái chết đối với nhà đầu tư chơi bằng tiền thật xảy đến từ từ, gặm nhấm, y hệt trạng thái tâm lý mòn mỏi theo thời gian mà họ phải gánh chịu. Chỉ trừ một ít nhà đầu tư may mắn khi chọn mua cổ phiếu bluechip, mà cũng chỉ là một số không nhiều bluechip nào đó còn được giữ giá, còn đa số nhà đầu tư khác đều chịu chung số phận với đa số cổ phiếu vừa và nhỏ. Không chết trước thì cũng chết sau, chẳng mấy chốc danh mục của họ đã bị giảm giá trị đến ít nhất 50%.

Nhưng 50% vẫn còn được xem là may mắn vào thời điểm giữa năm nay. Đến tháng 8, tỷ lệ lỗ bình quân đã lên đến 70-80%. Một số cái chết không được công bố nữa lại xảy ra. Vào lúc này, tâm lý nhà đầu tư không chỉ là mòn mỏi, mà họ đã hoang mang đến cao độ khi nhận ra TTCK thật sự có thể bị bỏ rơi.

Những bài thơ, lời nhạc, triết lý vẩn vơ cùng vô số tiếng kêu lạc lối xuất hiện trên các diễn đàn chứng khoán phản ánh tâm trạng gì? Nhà đầu tư không còn trông mong vào chính sách và sự hồi phục của thị trường nữa? Trong thực tế tâm lý, họ đã vượt qua trạng thái tâm lý hoảng loạn cấp thấp để đến với một trạng thái tâm lý hoảng loạn ở cấp độ cao hơn hẳn: bàng quan với thị trường. Bàng quan cũng gần như là tư tưởng buông xuôi, phó thác số mệnh của mình cho trời đất.

Trầm cảm cũng đến từ đó. Không chỉ là triệu chứng, mà một căn bệnh mới xuất hiện trong giới y học Việt Nam: trầm cảm chứng khoán. Có thể xem đó là biểu hiện của trạng thái stress, bắt nguồn từ những căng thẳng liên tục, có hệ thống, tạo sức ép không ngừng lên não bộ của nhà đầu tư.

Dù sao vẫn còn may mắn cho những nhà đầu tư chỉ xem chứng khoán là nghề tay trái, hoặc ít ra họ cũng có những công việc khác đủ để chiếm phần lớn thời gian trong ngày. Còn với những nhà đầu tư “chuyên nghiệp” cả ngày phải dán mắt vào bảng điện, đó thật sự là một sự hành hạ. Cả ngày, trong đầu họ lúc nào cũng chỉ hiện những chữ cái viết hoa, những con số, những sắc màu…

Họ trở nên thờ ơ với những điều quen thuộc xung quanh. Ngay cả những thói quen sinh hoạt như ăn uống, ngủ nghỉ cũng bị bê trễ và bị đảo lộn. Ngược lại, những giấc mơ không an lành, hoặc ác mộng, thường xảy đến nhiều hơn. Tâm thế bất an bám lấy nhà đầu tư vào mọi lúc, kể cả trong quan hệ vợ chồng.

Và hoảng sợ vô lý cũng là một biểu hiện của trạng thái trầm cảm chứng khoán. Hoảng sợ vì một tương lai đen tối của giá cổ phiếu trong những ngày tới, điều mà họ không thể, hoàn toàn không có khả năng định hướng và càng không thể định hình được.

Hạ Xuyên

Các tin tức khác

>   Tuần qua, khối ngoại bất ngờ mua ròng mạnh 145 tỷ đồng trên cả hai sàn (16/12/2011)

>   Nhà đầu tư thực thụ ở đâu? (16/12/2011)

>   Doanh nghiệp xin rút niêm yết - Có đáng lo? (16/12/2011)

>   Chứng khoán: Trò chơi nghiệt ngã sắp kết thúc (16/12/2011)

>   16/12: Bản tin 20 giờ qua (16/12/2011)

>   Thêm HSSC xin rút nghiệp vụ môi giới (15/12/2011)

>   Kỹ nghệ thổi giá cổ phiếu "ruồi" (15/12/2011)

>   Kênh đầu tư nào nguy hiểm nhất trong năm 2012? (15/12/2011)

>   Sắp ra mắt hệ thống giao dịch DongA Pro và DongA Online (15/12/2011)

>   Thị trường hoảng loạn, khối ngoại bất ngờ mua ròng 60 tỷ đồng trên hai sàn (15/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật