Doanh nghiệp đưa vốn sang Lào
Nhiều doanh nghiệp trong nước đã chọn Lào để mở rộng đầu tư vào nhiều lĩnh vực như: chế biến nông sản, trồng trọt, thủy điện...
Ông Tạ Minh Châu, đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại Lào, cho biết dòng vốn đầu tư VN sang Lào đã tăng nhanh trong thời gian gần đây, và đến nay tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp VN tại Lào đã lên tới 3,7 tỉ USD, đứng thứ ba trong số các nước đầu tư vào Lào.
Đổ vào nhiều lĩnh vực
Cuối tháng 11-2011 vừa qua, Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã khởi công xây dựng cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu (tỉnh Attapeu, Lào) với tổng vốn đầu tư lên tới 100 triệu USD, gồm nhà máy đường, nhà máy ethanol, sản xuất phân bón và nhà máy điện.
Đây chỉ là một trong hàng loạt dự án đang được HAG triển khai tại Lào như trồng cao su, dầu cọ, thủy điện..., với tổng vốn đăng ký xấp xỉ 1 tỉ USD. “Hầu hết các dự án đang được HAG triển khai đồng bộ và quyết liệt, thậm chí có những dự án chưa kịp hoàn thiện hồ sơ, chúng tôi đã xin phép khởi công trước rồi hoàn thiện hồ sơ sau...” - ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch HĐQT Công ty HAG, khẳng định.
Chẳng hạn, đến thời điểm này HAG đã triển khai trồng hơn 22.000ha cao su tại Attapeu, trong tổng diện tích 40.000ha ở địa phương này; một số nhà máy thủy điện như Nâm Kông 2 và Nâm Kông 3 đang được thi công, dự kiến phát điện vào cuối năm 2013...
Không riêng gì HAG, nhiều doanh nghiệp khác của VN cũng đã và đang tích cực triển khai các dự án, tìm kiếm cơ hội đầu tư sang Lào. Bắt đầu dự án đầu tư đầu tiên sang Lào vào năm 2007, đến nay Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn đã triển khai hàng loạt dự án như trồng bắp với diện tích đang thu hoạch hơn 3.000ha, hơn 500ha cà phê và đang tham gia góp vốn trồng 10.000ha cao su tại vùng Nam Lào. Công ty Cao su Đắk Lắk, thông qua công ty con tại tỉnh Champasak, đang triển khai dự án trồng 10.000ha cao su và một số cây công nghiệp khác cũng tại khu vực Nam Lào với số vốn đăng ký lên tới 50 triệu USD...
Ông Hồng Hùng, tổng giám đốc Công ty CP Tín Nghĩa - Lào (thuộc Tổng công ty Tín Nghĩa, Đồng Nai), cho biết đang xúc tiến triển khai thêm một số dự án tại Lào, như xây dựng nhà máy chế biến cà phê với vốn đầu tư 2,5 triệu USD, mở rộng diện tích cà phê lên 1.500ha...
Tiềm năng lớn
Theo ông Đoàn Nguyên Đức: “Với tài nguyên thiên nhiên dồi dào và quỹ đất còn lớn, khu vực Nam Lào đang có nhiều tiềm năng để phát triển và là địa chỉ thích hợp để HAG có thể đầu tư hàng tỉ USD...”.
Ông Nguyễn Văn Trực - tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - cũng cho rằng ngoài quỹ đất còn dồi dào, khu vực Nam Lào có khí hậu và thổ nhưỡng rất thích hợp cho việc phát triển các loại cây công nghiệp, kể cả cây công nghiệp ngắn ngày.
Theo các doanh nghiệp đang làm ăn tại Lào, nhiều chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư nước ngoài, số lượng người Lào nói tiếng Việt rất nhiều, đặc biệt là mối quan hệ mật thiết với VN... là những yếu tố rất thuận lợi và hấp dẫn đối với doanh nghiệp VN đầu tư sang Lào.
Giữa tháng 11 vừa qua tại tỉnh Attapeu, trao đổi với các doanh nhân VN sang Lào tìm kiếm cơ hội đầu tư, đại sứ Tạ Minh Châu khẳng định tiềm năng đầu tư sang Lào vẫn đang rộng mở với các doanh nghiệp VN, đồng thời thúc giục các doanh nghiệp VN nhanh chân hơn nữa trong việc nắm bắt các cơ hội đầu tư...
Hạ tầng, nhân lực... vẫn là những rào cản
Bên cạnh nhiều tiềm năng và thuận lợi, theo nhiều doanh nghiệp, hoạt động đầu tư sang Lào vẫn còn những rào cản, khó khăn mà không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được. Trong đó, vấn đề lớn nhất là hạ tầng giao thông yếu kém, chuyện đi lại gặp khó khăn, đặc biệt là nguồn lao động tại chỗ vừa thiếu lại vừa yếu tay nghề... |
Hoài Giang - Lê Sơn
tuổi trẻ
|