Doanh nghiệp BĐS: Gập ghềnh đường tìm vốn
Thông điệp mới nhất từ Hội nghị tổng kết toàn ngành ngân hàng năm 2011: tăng trưởng tín dụng năm tới ở mức 15-17%. Như vậy, tín dụng dành cho bất động sản trong năm tới vẫn ở mức rất hạn chế.
Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục phải vật vã với cơn khát vốn trong năm tới.
Khó khăn chưa có tiền lệ
Dự báo tình hình năm 2012, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đưa ra bức tranh tối màu. Ông cho rằng, trong bối cảnh mục tiêu tổng quát của Chính phủ trong năm tới vẫn là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm tổng mức đầu tư toàn xã hội (còn 33,5% GDP), giảm đầu tư công, duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức hợp lý 6 - 6,5%, thì nguồn vốn cho phát triển các công trình xây dựng chắc chắn sẽ giảm, lãi suất tín dụng cao… Tới đây, các doanh nghiệp ngành xây dựng buộc phải tiếp tục đối mặt với những khó khăn thách thức chưa có tiền lệ.
Liền sau dự báo của cơ quan quản lý bất động sản (Bộ Xây dựng), Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, năm 2012 sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt sao cho bảo đảm kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm tới ở mức 15-17%, với định hướng là tín dụng tiếp tục được ưu tiên cho sản xuất, nông nghiệp và xuất khẩu... Đây có thể nói là tin không vui với các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đang chới với trong cơn khát vốn suốt gần một năm nay. Bởi như vậy, cả nguồn vốn từ ngân sách cũng như tín dụng từ các ngân hàng thương mại đều sẽ sụt giảm. Các dự án BĐS "khô hạn" đang chờ đợi dòng tiền mới chảy vào sẽ ra sao nếu không được "tiếp sức" trong những tháng tới đây?
Nghe qua những thông tin này, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Thuduc House (TDH) than thở: "Thị trường BĐS vốn đã trầm lắng nay lại càng khó khăn hơn khi thiếu nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, nhu cầu vay vốn để đầu tư BĐS bị hạn chế, đầu ra các dự án tắc nghẽn, sản phẩm không tiêu thụ được, cầu trên thị trường cạn kiệt...". Đồng quan điểm, một số nhà đầu tư khác cũng than vãn: "Chính sách bất ngờ được ban hành và thực thi, đã làm nhiều doanh nghiệp BĐS không kịp chuyển đổi cơ cấu kinh doanh, nhiều dự án đang thực hiện dang dở không thể thu hút thêm vốn để triển khai dẫn đến tình trạng bị đình trệ hoặc tạm hoãn, khiến nhiều doanh nghiệp BĐS phải oằn mình gánh chi phí lãi vay và các chi phí đầu vào liên tục tăng cao".
Không thể đổ lỗi hết cho chính sách, một số doanh nghiệp cũng ngậm ngùi tự trách mình rằng, có tình trạng bi đát như hiện nay là do chưa dự báo hết được tác động ghê gớm của đợt thắt chặt tín dụng kéo dài vừa qua. Đại diện Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cũng thừa nhận: "Hệ thống tài chính BĐS chưa hoàn thiện, nguồn vốn cho thị trường chủ yếu từ hệ thống ngân hàng và huy động của người dân, chưa có nguồn tín dụng trung và dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong tạo lập nhà ở. Vì vậy, thị trường BĐS luôn bị tác động lớn khi có sự thay đổi chính sách tín dụng".
Cần lỏng "van" tín dụng
Cũng liên quan tới các giải pháp tài chính để tiếp sức cho BĐS, Hiệp hội BĐS TP.HCM (Horea) vừa đề xuất hàng loạt kiến nghị. Cụ thể, chưa hài lòng với chính sách "nới khẽ" tín dụng trong những tháng cuối năm 2011 của Ngân hàng Nhà nước, Horea cho rằng, cần chú ý thêm đến việc mở "van" tín dụng cho cả các doanh nghiệp BĐS. Các địa phương cần kiến nghị Chính phủ không xếp ngành BĐS vào nhóm dịch vụ phi sản xuất mà xếp vào ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện như Luật Doanh nghiệp đã xác định. Bởi lẽ, ngành BĐS sử dụng trung bình từ 17 đến 20 công lao động để có 1m2 sàn xây dựng, sử dụng nguyên vật liệu, nhiên liệu (xi măng, sắt thép, điện, xăng dầu, vật liệu xây dựng…) tạo việc làm cho nhiều ngành khác.
Đi vào chi tiết hơn, Horea kiến nghị cho các doanh nghiệp BĐS đầu tư các dự án làm nhà ở cho thuê giá thấp hoặc bán cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp; các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, nộp ngân sách đầy đủ; các dự án đã hoàn thành đến 60%… vẫn được vay vốn tín dụng. Còn lãi suất cho vay hiện nay quá cao, đề nghị Nhà nước có lộ trình giảm xuống mức 15 -16%/năm, tiến tới duy trì ở khoảng 11-12%/năm như trước đây, tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển ổn định và bền vững, hướng tới an sinh xã hội.
Chia sẻ với các kiến nghị của Horea, ông Lê Chí Hiếu cho rằng, Nhà nước phải xây dựng được các cơ chế, chính sách nhằm tạo thêm nhiều kênh cấp vốn cho ngành BĐS như: quỹ đầu tư, quỹ tín thác, quỹ tiết kiệm nhà ở. Đồng thời, bổ sung các công cụ tài chính phong phú cho thị trường chứng khoán và thị trường vốn cũng như từng bước giảm dần lãi suất tín dụng, tái cơ cấu và ổn định hoạt động của ngành ngân hàng... Đây mới là gốc của vấn đề. Ông nói: "Doanh nghiệp dù có cố gắng vùng vẫy cỡ nào cũng khó đứng vững nếu không có sự thay đổi căn cơ ở một số chính sách hiện nay đang còn bất cập".
Trước thời điểm năm mới sắp tới, thay vì không khí hồ hởi, người ta lại lo ngại nhiều doanh nghiệp BĐS sẽ bị phá sản trong năm tới. Bình luận về khả năng này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói, doanh nghiệp BĐS cũng nằm trong quy luật phát triển chung. Có đơn vị đi lên thì cũng có người bị đào thải. Ông dẫn chứng: "Ngay như Nhật cũng thế, hàng nghìn, hàng vạn doanh nghiệp bị phá sản. Rồi cả những tập đoàn danh tiếng của Mỹ cũng khốn đốn. Kinh nghiệm của họ hàng trăm năm mà còn thế, nên ở ta nếu có phá sản cũng là chuyện bình thường. Nhưng, phá sản nhiều hay ít thì cần phải lưu ý. Trong bối cảnh khó khăn, nếu không có giải pháp nhiều doanh nghiệp còn phá sản, dù không ai muốn". Người đứng đầu ngành xây dựng chia sẻ: "Chính sách thuộc về trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Chính phủ. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải tái cấu trúc, trước hết là về sản phẩm rồi đến công nghệ, vốn để có thể đứng vững trong thị trường khắc nghiệt như hiện nay".
Bài: Phương Mai
diễn đàn doanh nghiệp
|