Đâm lao phải theo lao?
TTCK sụt giảm, các khoản đầu tư tài chính thua lỗ nặng, nhưng không thể cắt lỗ, nhiều NĐT tài chính đành phải mua thêm cổ phiếu của các DN đã "chót" đầu tư.
Không có ý định mua thâu tóm hay mua sáp nhập một công ty niêm yết, nhưng năm qua, không ít trường hợp NĐT tài chính (pháp nhân) đã mua vào cổ phiếu của DN mục tiêu để trở thành công ty liên kết, thậm chí mua trên 50% vốn điều lệ đủ để chi phối công ty.
Lý do đầu tiên của việc tăng tỷ lệ sở hữu là giá vốn của khoản đầu tư ban đầu quá cao, khoản đầu tư không thể cắt lỗ do thanh khoản thị trường thấp, nên mua thêm vào để bình quân giá.
Cũng có thể coi đây là hành động đâm lao phải theo lao trong hoạt động đầu tư tài chính, nhưng không hẳn 100% lý do là như vậy, vì NĐT phải thấy được lợi ích của việc tăng tỷ lệ cổ phần sở hữu trong bối cảnh giá cổ phiếu liên tục giảm và thanh khoản thấp, hy vọng thoái vốn trong vòng 1 năm tới là rất khó khăn.
Điển hình của việc biến một khoản đầu tư tài chính thông thường thành khoản đầu tư vào công ty liên kết là trường hợp CTCK Sài Gòn (SSI), Quỹ Tầm nhìn SSI và Công ty Quản lý quỹ SSI tăng tỷ lệ đầu tư vào CTCP Hùng Vương (HVG) lên 23,7%.
Theo chuẩn mực kế toán hiện nay thì SSI có thể hạch toán lợi nhuận của HVG tương đương với phần vốn sở hữu, thay vì phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư tài chính vào HVG như trước. Tương tự, nhóm công ty SSI cũng đã tăng tỷ lệ sở hữu để ABT trở thành công ty liên kết.
Việc tăng tỷ lệ sở hữu không chỉ đem lại lợi ích trước mắt cho nhóm công ty SSI là làm đẹp báo cáo tài chính hợp nhất, mà còn mang lại lợi ích thiết thực là khoản vốn bỏ ra để tăng tỷ lệ sở hữu được nhận lại một tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt cao hơn nhiều lãi suất gửi ngân hàng, như ABT trả cổ tức bằng tiền mặt đến 60% trong năm nay.
Hay HVG trong 12 tháng qua, giá chỉ từ 22.000 đồng/CP trở xuống, nhưng cổ đông đã được nhận 30% cổ tức bằng tiền mặt của năm 2010 và theo Nghị quyết ĐHCĐ, sẽ được nhận 30% cổ tức bằng tiền mặt của năm 2011 nếu tiếp tục nắm giữ cổ phiếu HVG trong năm 2012.
Trong một tình huống khác, các cổ đông bên ngoài phải tăng tỷ lệ sở hữu lên rất cao, nhằm có đủ quyền lực thực hiện cơ cấu lại tài sản và định hướng lại hoạt động kinh doanh cho DN. Một nhóm cổ đông lớn ở TP. HCM đã liên tục mua vào để sở hữu hơn 50% vốn của một công ty bất động sản niêm yết loại nhỏ.
Nhóm cổ đông này muốn có đủ quyền ra quyết định bán bớt tài sản của công ty để trả nợ ngân hàng, sau đó tập trung vào một vài dự án bất động sản chính, nhằm mục tiêu thu hồi vốn.
Không thể thu hồi vốn đầu tư trên TTCK, các cổ đông bên ngoài này tăng tỷ lệ sở hữu để trở thành cổ đông nội bộ, có quyền điều hành việc khai thác nguồn lực là tài sản đất đai, dự án bất động sản... để sinh lợi cho công ty. Đây cũng là giải pháp "theo lao" có hiệu quả.
Tuy nhiên, quan sát toàn diện trên TTCK, không loại trừ một số công ty tăng tỷ lệ sở hữu ở công ty khác chỉ nhằm mục đích làm đẹp báo cáo tài chính. Nguy cơ này rất lớn ở nhóm công ty thường có sở hữu chéo như nhóm Sông Đà, hay các công ty cháu trong họ dầu khí.
Trong đợt khủng hoảng giá của TTCK đang diễn ra, sẽ có rất nhiều biến động về cổ đông lớn gây bất ngờ với không chỉ những người ngoài cuộc.
Thu Hương
đầu tư chứng khoán
|