Chứng khoán Woori CBV sẽ bị rút giấy phép?
Đại diện Sở Lao động thương binh và xã hội Hà Nội cho biết, nếu CTCK Woori CBV cố tình không chấp hành quyết định xử lý vi phạm, cơ quan chức năng có thể xem xét việc đề nghị UBCK rút giấy phép của Công ty.
Ngày 13/12, Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Hà Nội đã tổ chức cuộc họp về việc thực hiện kết luận thanh tra tại CTCK Woori CBV. Tuy nhiên, đại điện Woori CBV tiếp tục tỏ thái độ không hợp tác, không ký biên bản cuộc họp.
Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thu Hạnh, Giám đốc nhân sự, đại diện cho Woori CBV cho biết, Công ty đang thực hiện 9/11 kiến nghị tại kết luận của Thanh tra Sở LĐ-TB-XH Hà Nội như đóng bảo hiểm xã hội, sửa đổi một số điều khoản của hợp đồng cho phù hợp với quy định luật pháp, lập sổ lao động, bổ sung giấy phép của lao động người nước ngoài…
Tuy nhiên, còn 2 kết luận của Thanh tra Sở yêu cầu Công ty trả lại bằng đại học bản gốc và tiền đặt cọc cho người lao động, Woori CBV chưa thực hiện. Nguyên nhân, theo bà Hạnh, do người lao động chưa bàn giao công việc, nên Công ty chưa thể trả lại bằng và tiền.
Bà Hạnh dẫn ví dụ, ông Nguyễn Đức Tùng sau khi nghỉ việc đến nay chưa bàn giao công việc, một số lao động khác như bà Huyền, bà Thơm, bà Diệu, bà Hương… chưa bàn giao hết. Có một số trường hợp, Woori CBV đã đề nghị công an giải quyết, chờ sau khi có kết luận của cơ quan công an, Công ty sẽ giải quyết việc trả bằng và tiền cọc.
Tuy nhiên, người lao động cho rằng, sở dĩ chưa bàn giao công việc được là do Công ty gây khó dễ. Chẳng hạn, bà Hiền đã xin nghỉ việc từ ngày 10/6/2011 và đã bàn giao đầy đủ, biên bản bàn giao có chữ ký của người tiếp nhận, nhưng sau đó Công ty lại yêu cầu phải bàn giao số liệu đến 30/6/2011. "Tôi làm sao có thể bàn giao số liệu phát sinh sau khi đã nghỉ việc?", bà Hiền bức xúc nói.
Theo ông Lê Hữu Long, Phó chánh thanh tra Bộ LĐ-TB-XH, việc Công ty yêu cầu người lao động đặt cọc tiền và bằng gốc là trái với quy định pháp luật về lao động. Theo quy định, DN chỉ được nhận bản sao bằng cấp, chứng chỉ của người lao động. Cũng theo ông Long, Bộ luật Dân sự có cho phép DN được nhận tiền đặt cọc. Tuy nhiên, nếu tiền đặt cọc này nhằm đảm bảo người lao động thực thi hợp đồng lao động cũng là trái pháp luật. Vì vậy, Woori CBV không thể viện cớ thỏa thuận về tiền đặt cọc và bằng gốc là thỏa thuận dân sự.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn An Huy, Phó chánh thanh tra TP. Hà Nội nhấn mạnh, kết luận thanh tra tại CTCK Woori CBV là văn bản thực thi pháp luật, DN buộc phải thực hiện. Sau 3 tháng kể từ khi có kết luận thanh tra, DN cố tình không thực hiện là có thái độ chống đối. Nếu DN thấy quyết định còn có vấn đề chưa đúng, có quyền khiếu nại, tố cáo tiếp. Tuy nhiên, 2 việc này tách rời nhau, không thể chờ kết luận của cơ quan chức năng khác rồi mới thực hiện quyết định của cơ quan thanh tra. Ông Huy cũng khẳng định, việc Woori CBV thu tiền đặt cọc và bằng cấp của người lao động là trái pháp luật.
Theo ông Lê Toàn Khang, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, quan điểm của Sở là phải bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động. Sau cuộc họp này, Sở sẽ có văn bản báo cáo UBND TP. Hà Nội nhằm giải quyết lợi ích chính đáng cho người lao động và có biện pháp xử lý. Trong trường hợp DN cố tình không chấp hành quyết định xử lý vi phạm, cơ quan chức năng có thể xem xét việc đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rút giấy phép của Woori CBV.
Sau rất nhiều tranh cãi, cuộc họp kết thúc với việc bà Nguyễn Thị Thu Hạnh không chịu ký biên bản kết luận cuộc họp.
Được biết, người lao động khi vào làm việc tại CTCK này phải nộp bằng đại học gốc và tiền đặt cọc. Tuy nhiên, nhiều người lao động đã nghỉ việc tại đây từ 1 - 3 năm trước, đến nay, vẫn không lấy lại được tiền và bằng. Do đó, người lao động đã có đơn tố cáo lên Sở LĐ TB và XH. Sau khi thanh tra, cơ quan này đã ra kết luận yêu cầu DN khắc phục 11 sai phạm và xử phạt hành chính 41,2 triệu đồng.
Bùi Trang
đầu tư chứng khoán
|