Chủ tịch HĐQT PNJ: “Chưa bao giờ giá vàng kịch tính như năm nay”
Với việc các thương hiệu vàng miếng “phi SJC” tạm ngưng sản xuất theo chỉ đạo của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp kim hoàn sở hữu thương hiệu vàng miếng đang loay hoay tìm cho mình hướng đi mới.
Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đang có sự đầu tư mạnh mẽ để mở rộng hệ thống bán lẻ nữ trang. Liệu đây có phải là chiến lược mới của công ty này sau khi dây chuyền dập vàng miếng PNJ rơi vào cảnh “tê liệt”? Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc PNJ, cho biết, từ lâu, PNJ chỉ coi vàng miếng là một mảng kinh doanh… phụ.
|
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc PNJ |
Xin bà cho biết sơ qua về tình hình kết quả kinh doanh của PNJ năm nay?
Năm nay là một năm khó khăn đối với kinh doanh vàng vì bên cạnh sự thiếu ổn định của chính sách, doanh nghiệp còn đối mặt với sự biến động thất thường của giá vàng. Chưa bao giờ giá vàng kịch tính như năm nay.
Các công ty vàng như chúng tôi đã có lúc rơi vào cảnh “nghẹt thở” với điều chỉnh giá vàng. Ngành kinh doanh vàng vì vậy cũng được xã hội chú ý nhiều.
Trong 11 tháng đầu năm nay, doanh thu của PNJ đạt 16.649 tỷ đồng, tăng 33,1% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế chưa hợp nhất là 289,3 tỷ đồng, tăng 19% và tăng 98% kế hoạch năm. Nhìn chung, chúng tôi đã đảm bảo được kế hoạch đề ra về doanh thu và lợi nhuận. Trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn như năm nay, kết quả này thể hiện sự nỗ lực lớn của PNJ.
Không còn dập vàng miếng, doanh nghiệp của bà gặp khó khăn gì?
Ngân hàng Nhà nước tới thời điểm hiện tại vẫn đưa ra quyết định chính sách cuối cùng nhưng đã có chủ trương quản lý một nhãn hiệu vàng miếng quốc gia. Vàng miếng thương hiệu PNJ của chúng tôi đã tồn tại 22 năm trên thị trường, từ năm 1989 tới nay.
Bởi thế, việc ngừng sản xuất vàng miếng là một tổn thất đối với chúng tôi. Tuy nhiên, vì ủng hộ mục tiêu ổn định nền tài chính quốc gia, chúng tôi không coi việc mình không còn được sản xuất vàng miếng là một thiệt thòi quá lớn.
Từ những năm 1990, PNJ đã chỉ coi kinh doanh vàng miếng là một lĩnh vực phụ bên cạnh lĩnh vực chính là kinh doanh vàng trang sức. Từ thời điểm đó, chúng tôi đã nhận thức được rằng, kinh doanh vàng miếng phụ thuộc nhiều vào chính sách và thị trường vàng miếng cũng có những năm rất trầm lắng. Bởi thế, chúng tôi không đặt nặng lợi nhuận từ kinh doanh vàng miếng và luôn đề ra kế hoạch mở cho mảng này.
Vàng trang sức mới là lĩnh vực chính của chúng tôi, nên nếu kinh doanh vàng miếng có không thuận lợi thì cũng không có ảnh hưởng lớn tới tình hình chung của công ty.
Kế hoạch của PNJ đối với vàng miếng trong năm tới sẽ thế nào, thưa bà?
Hiện chúng tôi không còn sản xuất vàng miếng PNJ, nhưng vẫn mua bán bình thường hai loại vàng miếng là PNJ và SJC. Vàng PNJ của chúng tôi vẫn đang tồn tại trên thị trường, chỉ khác trước là không được sản xuất thêm nữa.
Tôi chưa hình dung tới khi nào vàng PNJ của chúng tôi không còn có mặt trên thị trường nữa.
Bà có mong muốn gì trong năm 2012?
Chúng tôi mong muốn năm tới sẽ có sự ổn định về chính sách vĩ mô để các doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể yên tâm với kế hoạch kinh doanh và đầu tư của mình. Ngoài ra, ổn định tình hình kinh tế thế giới cũng là điều tôi mong muốn trong năm 2012, vì trong bối cảnh hội nhập, tình hình kinh tế Việt Nam khó có thể ổn định nếu thế giới bất ổn.
PNJ vừa đầu tư hàng trăm tỷ đồng để mở một trung tâm kim hoàn có quy mô lớn tại Hà Nội và mở rộng nhà máy sản xuất. Liệu quyết định này có phải được đưa ra sau khi có chủ trương cấm vàng miếng “phi SJC”?
Hàng năm, chúng tôi đều có kế hoạch phát triển doanh thu, trong đó có mở rộng mạng lưới. Tuy nhiên, chúng tôi luôn gặp khó khăn về tìm địa điểm và xây dựng đội ngũ nhân viên nên không phải lúc nào cũng đạt được kế hoạch mở rộng đề ra. Bởi vậy, việc mở thêm trung tâm kim hoàn ở Hà Nội và mở rộng nhà máy đã được lên kế hoạch từ trước và không liên quan gì tới sự thay đổi chính sách.
Dây chuyền sản xuất vàng miếng đang được PNJ dùng vào việc gì?
Dù không sản xuất vàng miếng nữa nhưng dây chuyền này đang được chúng tôi sử dụng cho việc sản xuất các sản phẩm đòi hỏi công nghệ ép. Chẳng hạn, chúng tôi ép các loại mề đay để xuất sang châu Âu, hoặc ép các loại logo cho khách hàng trong nước. Sắp tới chúng tôi sẽ thiết kế thêm sản phẩm sử dụng đến dây chuyền này. Chắc chắn sẽ không tận dụng được 100% công suất dây chuyền dập vàng miếng, nhưng chúng tôi không muốn bỏ phí.
Bà có tính đến chuyện có thể sẽ được gia công vàng miếng cho SJC sau này?
Theo tôi, việc các doanh nghiệp gia công vàng miếng cho SJC là không nên. Nếu nhiều người cùng chịu trách nhiệm về một thương hiệu, tình trạng “đổ thừa” trách nhiệm có thể xảy ra.
Giá vàng trong nước vẫn đang cao hơn thế giới quy đổi hàng triệu đồng mỗi lượng. Bà có ý kiến gì về tình trạng này?
Tôi không bình luận gì về vấn đề này.
Kiều Oanh
TBKTVN
|