2012: Giá vàng sẽ tiếp tục tăng mạnh
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam - ông Đinh Nho Bảng cho rằng, năm 2012, vàng sẽ vẫn được tìm đến là kênh trú ẩn an toàn khi kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, biến động.
Nhìn nhận lại giá vàng và thị trường vàng trong nước qua năm 2011 đầy biến động, thay đổi nhanh chóng, ông Đinh Nho Bảng cho đó cũng là tất yếu bởi thứ nhất giá vàng quốc tế cũng có nhiều thay đổi khó lường theo diễn biến kinh tế - chính trị, mà Việt Nam lại nhập khẩu vàng gần như 100%.
Thứ nữa, nền kinh tế nước ta năm 2011 có mức độ lạm phát cao, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản chưa khởi sắc, vì thế người dân tập trung đổ xô mua và đầu tư vàng rất lớn.
Việc Chính phủ đã thực thi chính sách giảm nhập siêu và chống lạm phát, thắt chặt tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô đã ảnh hưởng đến các thị trường, mà thị trường vàng cũng không phải ngoại lệ. Song, theo đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, đây là một đường lối rất đúng đắn và cần thiết.
Nhiệm vụ của chúng ta là đồng thuận, quyết tâm thực hiện chủ trương chính sách lớn này của Nhà nước để nhanh chóng góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam ổn định lại, có đà tăng trưởng, phát triển như chỉ tiêu mà Quốc hội vừa thông qua.
- Thưa ông, năm vừa qua nhiều ý kiến của các doanh nghiệp cho rằng việc điều tiết thuế xuất nhập khẩu vàng bất cân đối, thuế suất giữa nhập khẩu và xuất khẩu vàng có sự chênh lệch lớn, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Ông bình luận thế nào?
Ông Đinh Nho Bảng: Chính sách thuế cũng là một công cụ để điều hành nền kinh tế nói chung và vàng cũng vậy. Chính sách ở đây có hai mặt: để điều chỉnh chính sách thương mại, đồng hành với mục tiêu giảm lạm phát.
Đây là chính sách cần thiết, tuy nhiên so với thị trường vàng các nước, họ đã tự do hóa hết rồi, từ vấn đề xuất nhập khẩu đến vấn đề thuế. Ít nước đánh thuế cao và ít nước dùng hình thức cấp giấy phép xuất nhập khẩu vàng.
Như với Việt Nam, tôi cũng hy vọng rằng đó chỉ là một giải pháp tình thế; còn lâu dài để hội nhập thì phải tạo điều kiện để thị trường vàng phát triển như các nước trong khu vực. Điều hành thuế tất nhiên không thể bỏ được, nhưng mức độ nào đó, chính sách thuế vừa đảm bảo có thu ngân sách, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chân chính phát triển.
- Các tháng vừa qua khi giá vàng quốc tế và trong nước tăng vọt kỷ lục, nhiều doanh nghiệp và ngân hàng đã tổ chức bán vàng bình ổn. Tuy nhiên, giá vàng trong nước và thế giới vẫn chênh lệch đáng kể, hiện mức chênh vẫn cao đến 2-3 triệu đồng/lượng. Chính sách không hiệu quả như vậy có nên tiếp tục không thưa ông?
Thực ra cũng không có nước nào đi bình ổn giá vàng đâu. Người ta tự do hóa hết rồi, cho nên giá vàng quốc tế và giá trong nước của họ biến động cùng một chiều cả, chỉ có Việt Nam là như vậy.
Hơn nữa nước ta lại chủ yếu là kinh doanh vàng vật chất, còn các nước là kinh doanh vàng trên tài khoản chiếm 80%, còn 20% vàng vật chất để cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức. Còn nước ta lại khác hoàn toàn, cho nên chính sách của chính phủ vừa rồi cũng định hướng giảm mức thấp nhất về sản xuất vàng miếng.
Tất nhiên phải giải quyết vấn đề một cách đồng bộ, cả chính sách thương mại, xuất nhập khẩu đối với vàng, tạo ra một giá vàng Việt Nam không quá cao, chênh lệch từ 2-3 triệu, thậm chí có lúc chênh quá mức lên 4-5 triệu/lượng so với giá thế giới; tạo cơ hội cho những người làm ăn bất chính kiếm lợi thông qua chính sách này.
- Chênh lệch giá vàng như vậy thì phần thiệt sẽ thuộc về doanh nghiệp, Nhà nước hay người dân?
Chênh lệch lớn như vậy thì người dân là thiệt thòi, vì phải mua vàng giá cao hơn giá quốc tế. Tôi nghĩ các cơ quan Nhà nước đã nhìn thấy vấn đề bất cập như vậy rồi. Họ sẽ phải có bước đi tích cực, phù hợp hơn trong thời gian tới để tạo cơ hội cho thị trường vàng phát triển, loại trừ được hoạt động thương mại không chính đáng
- Vừa qua, SJC và PNJ được chọn là 2 thương hiệu vàng quốc gia. Nhiều thương hiệu vàng khác cho rằng như vậy là chưa công bằng với họ, bởi việc xây dựng thương hiệu bấy lâu nay sẽ bị lu mờ đi. Ông đánh giá thế nào?
Không, tôi nghĩ thế này, thực ra cái thương hiệu quốc gia không phải ngày 1 ngày 2 có được. Cái này cũng có cả hội đồng kiểm định rồi, Bộ Công Thương chủ trì, trong đó Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng được hỏi ý kiến, tham gia. Chọn hai thương hiệu này là khách quan, hợp lý, chứ không có gì bất hợp lý đâu.
Khi đã được công nhận là thương hiệu quốc gia, người ta xét trên nhiều mặt, trước hết là mặt thị trường, thứ hai là công nghệ, quản trị, những giải pháp để duy trì thương hiệu đó nếu đạt được. Đó là cả quá trình dài chứ không phải 1-2 năm. Cho nên tôi nghĩ đó là thương hiệu đúng.
Tất nhiên doanh nghiệp nào cũng muốn có thương hiệu. Việc xây dựng thương hiệu phải có một chiến lược lâu dài, vững chắc. Có thương hiệu rồi nhưng phải giữ vững thương hiệu. Đó là việc khó nên người ta phải xem xét rất kỹ.
- Ngân hàng Nhà nước vừa có chủ trương huy động khai thác vàng trong dân. Tuy nhiên hiện nay do không được cho vay vàng, các ngân hàng chỉ "giữ hộ" vàng cho khách mà không trả lãi. Chủ trương huy động vàng trong dân liệu có khả thi?
Đề ra chủ trương và thực thi chủ trương là 2 điểm khác nhau. Nếu chính sách đúng thì người dân sẽ tham gia chủ trương, còn chính sách chưa phù hợp thì sự thành công của nó hơi thấp. Việc trả lãi suất hay không là quyền của các tổ chức tín dụng. Cái đó mình không thể khẳng định là cần hay không, bao nhiêu là hợp lý.
Tôi nghĩ phải đánh giá khách quan, ngân hàng không cần huy động thì họ không trả lãi suất. Đầu tư mà không có lãi suất thì không ai tham gia.
Về mặt nguyên tắc, nếu theo chủ trương thu hút vàng trong dân, chắc chắn Ngân hàng Nhà nước phải cân nhắc việc người gửi vàng có lãi suất hay không, ở mức bao nhiêu. Họ phải tính toán cân đối giữa lãi suất huy động tiền gửi, lãi suất ngoại tệ, lãi suất vàng để thu hút, vì hiện nay lượng vàng trong dân rất lớn, cần có một kênh huy động để sử dụng nguồn vàng này vào đầu tư cho nền kinh tế.
- Ông nhìn nhận như thế nào về thị trường vàng năm 2012?
Hiện nay tình hình kinh tế thế giới chưa sáng sủa lắm. Do nợ công, lạm phát, bất ổn chính trị kinh tế khu vực cho nên chắc chắn năm 2012 vẫn là khó khăn. Thứ hai tăng trưởng kinh tế thì phải có cái đà, mà cái đà được tạo ra bởi 2011 là khó khăn, cho nên năm 2012, kinh tế sẽ chưa thể bứt phá.
Đã lạm phát cao, suy thoái, khủng hoảng kinh tế thì người ta sẽ quay về đầu tư vào vàng. Cái đó là một trong những nguyên nhân làm cho giá vàng thế giới năm 2012 sẽ lên cao. Nhiều chuyên gia dự đoán mốc giá 2.000 USD/ounce vàng sẽ là không xa.
- Với thị trường trong nước, trong bối cảnh các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản còn đi xuống, chắc hẳn vàng vẫn là một kênh trú ẩn an toàn?
Rõ ràng cái này không cần ai phát biểu, nó đã vốn như vậy rồi. Trong điều kiện lạm phát cao, chính sách thắt chặt và các chính sách đồng bộ khác, nó tạo ra các kênh đầu tư mà người có tiền lựa chọn. Ở đây không có ai cấm, cũng không có ai khuyến khích nhưng tại sao người ta không đổ xô vào các kênh khác?
- Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Nga (ghi)
diễn đàn kinh tế việt nam
|