Thứ Hai, 26/12/2011 09:50

Các biện pháp bình ổn chưa… bình ổn được thị trường vàng

Trong ba tháng cuối năm 2011, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm bình ổn giá vàng như: công bố dự thảo nghị định về quản lý kinh doanh vàng, cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) được bán vàng huy động, một số ngân hàng chọn lọc được mở tài khoản vàng nước ngoài…

Tuy nhiên, mức chênh lệch vàng trong nước và thế giới vẫn không có dấu hiệu giảm bớt. Đến ngày 24.12.2011, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 2,3 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch giá lớn làm gia tăng áp lực tỷ giá

Mặc dù giá vàng SJC trong tuần qua đã giảm mạnh gần 1 triệu đồng/lượng so với các tuần trước đó nhưng mức chênh lệch giá vàng thì vẫn trên 2 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân khiến chênh lệch giá vàng tăng nhanh là do sự tách biệt về xu hướng của giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Khi giá vàng thế giới giảm mạnh thì giá vàng trong nước chủ yếu chỉ đi ngang hoặc giảm rất ít. Trong khi đó, nếu giá vàng thế giới phục hồi thì giá vàng trong nước lại tăng mạnh.

Sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới đã tạo ra lợi nhuận siêu ngạch cho giới kinh doanh vàng. Đây có thể là lý do khiến cho giới kinh doanh vàng thu mua USD trên thị trường tự do để nhập khẩu vàng hưởng chênh lệch.

Vì lẽ đó, tỷ giá trên thị trường tự do luôn bị giữ ở mức cao. Tỷ giá USD/VND tự do cuối tuần trước ở mức 21.230/21.280, cao hơn so với tỷ giá trần gần 260 đồng.

Nếu tính tỷ giá USD/VND quy đổi từ giá vàng trong nước thì tỷ giá USD/VND thực tế sẽ ở mức xấp xỉ 22.500 đồng, cao hơn 5,7% so với mức tỷ giá hiện tại. Tuy nhiên, tỷ giá tự do đã không thể tạo ra những bước nhảy lớn về giá như trong quá khứ bởi những thông tin về việc bắt giữ các giao dịch ngoại tệ trái phép cũng như việc nhập khẩu vàng lậu khiến nhu cầu mua ngoại tệ trên thị trường tự do không tăng đột biến.

Các biện pháp bình ổn chưa thực sự hiệu quả

Điểm lại những biện pháp mà NHNN cố gắng thực hiện để bình ổn thị trường trong thời gian qua có thể thấy rằng, hầu hết các biện pháp này đều không mang lại hiệu quả nào đáng kể. Giá vàng trong nước và thế giới vẫn tiếp tục duy trì chênh lệch lớn hơn nhiều so với cam kết của thống đốc NHNN.

Dự thảo kinh doanh vàng với mục đích hướng đến việc sử dụng một thương hiệu vàng miếng duy nhất là SJC đã khiến cho thị trường vàng miếng thương hiệu này trong nước bị khan hiếm. Thay vì mua các thương hiệu vàng miếng khác nhau để tích trữ thì giờ đây, người dân đổ dồn sang mua thương hiệu SJC. Không có lựa chọn thứ hai nên khi giá vàng SJC giảm, người dân lại tăng cường mua vào và điều này tạo ra cầu không nhỏ cho thương hiệu trên. Đó là chưa kể đến các thương hiệu vàng miếng khác có nhu cầu phải chuyển sang thương hiệu SJC. Dù chỉ chiếm chưa đầy 10% thị phần nhưng do các thương hiệu này cũng đã bán vàng miếng trong suốt một thời gian dài nên nhu cầu chuyển đổi vàng miếng của các thương hiệu này sang SJC là khá lớn. Do đó, dù giá vàng thế giới giảm thì với việc nhu cầu tập trung vào vàng SJC thì giá SJC khó xuống bằng giá thế giới ngay được.

Đối với việc bán vàng bình ổn của các NHTM, sau những bước đầu có hiệu quả thì hiện lại đang đẩy các NHTM vào trạng thái đầy rủi ro. Nếu nhìn vào mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, có thể thấy rằng, các NHTM hoàn toàn có lãi khi thực hiện hoạt động này. Tuy nhiên, “mức lãi chênh lệch này” mới chỉ là lãi ảo, bởi thực tế, các NHTM đều chưa đóng được trạng thái. Trạng thái vàng huy động đang bị âm. Trạng thái vàng tài khoản thì đang dương. Tuy nhiên, vàng tài khoản không thể chuyển thành vàng vật chất để bù đắp vào lượng vàng huy động đã bán do NHNN chưa cho phép nhập vàng. Để có thể bù đắp lại trạng thái sau khi thực hiện bán vàng bình ổn, các NHTM chỉ còn duy nhất một cách là mua lại vàng vật chất trong nước và bán vàng tài khoản thế giới. Nếu giá vàng trong nước và thế giới biến động ngoài dự tính thì các NHTM sẽ có thể thua lỗ. Tác động tích cực từ việc bình ổn có thể biến thành tác động tiêu cực là thúc đẩy giá vàng trong nước tăng trở lại khi các NHTM phải mua về trạng thái.

Thực tế, tính từ khi các NHTM bắt đầu bán vàng huy động để bình ổn giá vàng là đầu tháng 10.2011, giá vàng trong nước dao động từ 43 – 46 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng thế giới ở mức 1.600 – 1.800 USD/oz. Đến thời điểm hiện tại, giá vàng trong nước vẫn không xuống nhiều, vẫn ở mức 43 – 44 triệu đồng/lượng. Như vậy, nếu các NHTM bán vàng huy động trong nước với mức giá hiện tại là 43 – 44 triệu đồng/lượng thì rõ ràng hoạt động này không đem lại lợi nhuận nhiều. Trong khi đó giá vàng thế giới lại giảm mạnh xuống dao động từ 1.500 – 1.600 USD/oz. Điều này đồng nghĩa với việc vàng tài khoản của các NHTM có thể bị lỗ đáng kể nếu không kinh doanh tốt. Tính tổng chung cho hoạt động bán vàng huy động và mua vàng tài khoản của các NHTM hiện có khả năng bị lỗ. Điều này khiến cho các NHTM có thể không mặn mà thực hiện hoạt động bán vàng bình ổn trừ phi NHNN cho phép họ được quyền xuất – nhập khẩu vàng dễ dàng.

Sàn vàng là công cụ hữu hiệu để giữ giá vàng theo nhịp thế giới

Với các biện pháp hành chính như trên, việc bình ổn thị trường vàng trong nước cần phải hướng đến những giải pháp mới. Một trong những giải pháp quan trọng nhất là thực hiện mở sàn vàng quốc gia. Việc mở sàn vàng này sẽ thực hiện được việc tách bạch giữa hoạt động tiết kiệm và hoạt động đầu cơ vàng.

Đối với hoạt động tiết kiệm, việc giao dịch sẽ vẫn thực hiện thông qua vàng vật chất. Do đây là hoạt động có tính ổn định cao, người dân mua vàng để nắm giữ và ít có nhu cầu giao dịch bán đi nên việc sử dụng vàng vật chất trong giao dịch này sẽ dễ dàng có thể quản lý được. Hơn nữa, nhu cầu mua tích trữ này sẽ ít ảnh hưởng đến biến động giá vàng hơn so với các hoạt động đầu cơ. Khi đó, vàng vật chất cũng như các trang sức bằng vàng sẽ chỉ giữ một vai trò cốt yếu là các tài sản tích trữ giá trị chứ không mang tính đầu cơ như trước.

Đối với các hoạt động đầu cơ và kinh doanh vàng, việc giao dịch nên được thực hiện chủ yếu thông qua sàn vàng. Do đây là hoạt động có tính chất mua đi bán lại nhiều lần nên chủ yếu là sự dịch chuyển dòng tiền từ người này sang người khác, còn lượng vàng thực chất trao đổi thường không nhiều. Tất cả các đầu mối kinh doanh sàn vàng trước kia sẽ có thể được tập trung về một sàn vàng duy nhất do NHNN quản lý. Các NHTM, các nhà đầu tư, các tổ chức có thể tham gia được sàn vàng này như các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Khi đó giá vàng trên sàn sẽ biến động nhịp nhàng hơn với giá vàng thế giới.

Có thể thấy rằng, các biện pháp điều hành mang tính chất hành chính đối với thị trường vàng chỉ có tác dụng nhất thời. Nếu cứ tiếp tục duy trì các biện pháp này lâu dài hơn thì sẽ có nhiều bất lợi đến thị trường vàng như tình trạng khan hiếm vàng, chênh lệch giá vàng tăng cao làm ảnh hưởng đến tỷ giá. Việc sớm cởi bỏ các biện pháp hành chính, tạo một nơi giao dịch tập trung cho thị trường vàng sẽ giúp giảm bớt các biến động tiêu cực trên.

Nguyên Minh Cường

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Nhìn lại một năm bão táp của vàng (26/12/2011)

>   Giá vàng ổn định cuối tuần (24/12/2011)

>   Doanh nghiệp hàng không muốn xây kho chứa vàng (24/12/2011)

>   Vàng tăng 0.5%/tuần lên 1,606 USD/oz (24/12/2011)

>   Giá mua vàng tăng mạnh (23/12/2011)

>   Vàng xuống sát 1,610 USD/oz do số liệu kinh tế lạc quan (23/12/2011)

>   Giá vàng trong nước chênh 2 triệu so thế giới (22/12/2011)

>   Vàng giữ vững trên 1,600 USD/oz dù giảm 6/8 phiên (22/12/2011)

>   5 tháng chống đầu cơ vàng: Ai đã thất bại? (22/12/2011)

>   NHNN can thiệp thị trường vàng, USD (22/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật