5 tháng chống đầu cơ vàng: Ai đã thất bại?
"Tôi đã rất kỳ vọng vào tân thống đốc khi ông mới nhậm chức. Nhưng nào ngờ..." - một người dân lắc đầu, buông lửng câu nói. Song bản báo cáo của NHNN mới đây lại trấn an: giới đầu cơ đã không còn khả năng thao túng thị trường. Ai đã thất bại - giới đầu cơ vàng, người dân hay NHNN?
Cái "nào ngờ" như thế chỉ mới xảy ra trong những ngày cuối năm 2011, khi người dân kia thất thần nhận ra anh ta đã bị hố khi phải mua vàng SJC với giá 44 triệu đồng/lượng, trong lúc giá quy đổi thế giới chỉ có 40,5 triệu đồng/lượng.
Nhưng người dân trên vẫn còn may mắn hơn những khách hàng đã phải mua vàng SJC với độ chênh cao đến 5 triệu đồng/lượng vào các tháng 8 và 9 năm 2011.
Trước đó, giá vàng trong nước đã lập một cú tăng nước rút với tỷ lệ gần 20%, cao hơn độ tăng của giá vàng thế giới. Điểm trùng hợp lạ lùng là đợt tăng giá rất mạnh ấy lại khởi phát trùng với thời điểm mà nội các của Chính phủ mới được hình thành sau kỳ họp Quốc hội - ngày 1/8/2011. Trong nội các đó có khuôn mặt tân thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình.
Chiều cao và chiều sâu
Tháng 8 cũng được xem là khoảng thời gian thử thách đầu tiên cho ông Bình. Và thử thách đầu tiên của thời gian ấy lại là nạn đầu cơ vàng mà đã từng hiện hình không biết bao nhiêu lần chỉ tính từ năm 2000 đến nay.
Tháng 8 cũng là thời điểm mà chỉ số lạm phát lập đỉnh của năm nay. Nhưng kết luận về cái đỉnh ấy chỉ được khẳng định vào thời điểm gần cuối năm 2011. Còn trong bối cảnh giá vàng phi mã, không có nhiều chuyên gia và nhà quản lý dám chắc rằng giá vàng sẽ không góp một bàn tay để đẩy lạm phát lên cao hơn nữa.
|
Vài tháng sau khi đưa ra nhiều giải pháp, chưa có thay đổi gì đáng kể trên thị trường vàng |
Bởi thế, trách nhiệm của tân thống đốc NHNN là không hề nhỏ. Cũng như những người dân mua phải vàng giá cao hơn giá quy đổi, nhiều đại biểu Quốc hội và cả báo giới đã mong chờ trong ngành ngân hàng sẽ xuất hiện một gương mặt mới nhằm khép vào khuôn phép những thói quen cũ.
Sự mong chờ ấy là có cơ sở, bởi ông Nguyễn Văn Bình không phải được bổ nhiệm theo lối "nhân sự tập sự". Có học vị tiến sĩ khoa học kinh tế và với kinh nghiệm tích lũy từ một phần tư thế kỷ công tác trong ngành ngân hàng, ông được xem là người có nhiều triển vọng cho sự am hiểu về đường đi nước bước của những lề thói cũ đã tồn tại từ nhiều năm nay, do đó sẽ có điều kiện tiếp cận và xử lý chóng vánh chứ không phải kinh qua thời gian "học bài".
Đáp lại thái độ mong mỏi trên, cũng như trước sự sốt ruột của dư luận xã hội về "cơn điên" giá vàng cùng độ chênh cao đến 4-5 triệu đồng/lượng so với giá thế giới, vào cuối tháng 8/2011, tân thống đốc đã nêu ra một "tiêu chí" mà được giới phân tích và toàn bộ báo giới ghi nhớ: chỉ cần giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 400.000 đồng/lượng là vàng có dấu hiệu bị đầu cơ. Nếu bình ổn giá vàng để tránh đầu cơ, sẽ giữ giá trong nước cao hơn thế giới không quá 400.000 đồng/lượng.
Cũng cần nói thêm là cho đến thời điểm đó, NHNN đã chưa hề có một tiêu chí bằng văn bản nào nhằm làm rõ độ chênh cao bao nhiêu của giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới là biểu thị của hoạt động đầu cơ.
Nhưng sau khi thông điệp "400.000" được phát đi từ tân thống đốc, giá vàng trong nước vẫn tiếp tục đóng vai trò một thách thức đối cương vị mới của ông.
Trong suốt quá trình dao động gần 5 tháng qua, chỉ có một lần duy nhất - từ tuần cuối tháng 9 đến tuần đầu tháng 10 - giá vàng trong nước lao dốc và "bám sát giá vàng thế giới" trong một thời gian có thể tạm chấp nhận.
Và cũng gần 5 tháng qua kể từ ngày thống đốc Nguyễn Văn Bình nhậm chức, điều có thể được gọi là "dấu hiệu đầu cơ" đã thường vượt gấp 10 lần chiều cao của chính nó.
Chiều cao đó lại là là chiều sâu lợi nhuận của kẻ đã tạo ra nó.
Dù chưa có một thống kê nào của NHNN được công bố về độ chênh cao bình quân giữa giá vàng trong nước so với giá thế giới, nhưng sự việc mà bất kỳ người dân mua bán vàng nào đều dễ nhận thấy là độ chênh cao này luôn từ 3-4 triệu đồng/lượng.
Cơ hội và nhóm lợi ích
Giờ đây khi nhìn lại, người ta nhận ra tân thống đốc Nguyễn Văn Bình đã khá may mắn khi quả thật lạm phát đã lập đỉnh vào tháng 8/2011, còn giá vàng thế giới cũng tuột dần từ mốc cao nhất 1.920 USD/oz.
Bởi nếu giá vàng thế giới vẫn tiếp tục leo thang sau tháng 8 thì với "tiêu chí 400.000" hoàn toàn không được các doanh nghiệp vàng tuân thủ, rất có thể tân thống đốc sẽ phải hứng chịu búa rìu dư luận về tác nhân thúc đẩy lạm phát mà không còn cơ hội để cải thiện hình ảnh "tập sự" của mình nữa.
Thậm chí cơ hội của NHNN nhằm cải thiện hình ảnh của mình trong tâm trí người dân càng trở nên nhỏ bé khi vào những ngày giá vàng trở nên điên loạn nhất, lời khuyến cáo của NHNN về nạn đầu cơ đã chỉ được phát đi sau khi SJC cùng một số doanh nghiệp vàng khác đã "thoát hàng" đến hơn hai chục tấn vàng với giá rất cao.
Song cơ hội của NHNN càng ít đi bao nhiêu thì làn sóng dư luận xã hội về lợi ích nhóm lại càng lan truyền nhanh và rộng bấy nhiêu. Vào thời gian này, cụm từ "nhóm lợi ích" đã bắt đầu được nhắc đến, bàn luận một cách công khai và dường như không chỉ dừng ở những hàm ý về hố phân cách xã hội.
Lấy vàng nuôi vàng!
Một cơ hội thật sự chỉ đến với ông Bình vào đầu tháng 10/2011, hai tháng sau khi ông nhậm chức và cũng là thời gian mà sự đồn đoán về chuyện doanh nghiệp được ưu đãi nhập khẩu vàng giá thấp để bán giá cao trong nước được lan truyền đến mức cao điểm.
Vào đầu tháng 10, tromg bối cảnh giá vàng trong nước lao dốc cùng giá thế giới, NHNN cùng với SJC và một số ngân hàng được mệnh danh là "Nhóm G" đã phát đi một thông điệp mới: "Lấy nó nuôi nó", hay còn gọi là giải pháp tạo ra quỹ vàng quay vòng can thiệp thị trường.
Theo giải pháp này, việc can thiệp vào thị trường sẽ thực hiện theo phương châm "hiệp đồng tác chiến" dưới sự chỉ huy của NHNN. Các ngân hàng và SJC cùng bán theo một mức giá và liên tục tung hàng cho đến khi giá vàng trở về bình thường. Theo ước tính, quỹ vàng quay vòng của ngân hàng và SJC ít nhất cũng 20 tấn (530.000 lượng vàng). Số vàng này gấp nhiều lần hạn ngạch nhập khẩu vàng mà NHNN từng cấp trong mỗi đợt, vì thế khả năng bình ổn thị trường cao hơn.
Tạm bỏ qua thời gian "tập sự" của tân thống đốc, tầng lớp bình dân trong xã hội, vốn đã quá mệt mỏi với nạn lạm phát, lại có lý do để hy vọng. Vài tờ báo phấn khích nhất còn gọi giải pháp mới của NHNN là "toa thuốc đặc trị đầu cơ vàng".
Chỉ cần giải pháp này làm được một nửa nội dung của nó, lợi ích nhóm của các chủ thể đầu cơ vàng có thể đã được giảm đi 50%.
Tuy nhiên vài tháng sau khi giải pháp trên được nêu ra, đã chẳng có bất kỳ sự thay đổi nào.
Sự đổi thay duy nhất chỉ diễn ra đối với các ngân hàng và doanh nghiệp được quyền kinh doanh vàng: sau khi đã được thỏa mãn về quota nhập khẩu vàng và được hứa hẹn cả về cơ chế mở tài khoản giao dịch vàng, mục tiêu ban đầu về bình ổn giá vàng đã bị quên lãng một cách nhanh chóng. Thay vào đó, vẫn là thực trạng găm vàng, niêm yết vàng giá cao, vẫn là chất kích thích tiềm ẩn cho chỉ số lạm phát chưa chịu ngủ yên.
Hoàn toàn khác với thái độ dứt khoát đến bất thường đối với công tác duy trì nghiêm trần lãi suất huy động 14%/năm, NHNN đã không tiến hành kiểm tra một cách thực chất và có kết quả đối với hoạt động niêm yết vàng giá cao và nạn đầu cơ hoành hành hàng ngày trên thị trường.
Lời hứa hẹn trước công luận "Sẽ phối hợp với công an để làm rõ đối tượng đầu cơ, làm giá trên thị trường" của tân thống Nguyễn Văn Bình vào cuối tháng 8/2011 đã mau chóng chìm vào dĩ vãng, hoặc ít ra cũng chưa từng được công khai cho công luận về kết quả thực hiện của nó.
Cho tới nay, ngay cả hoạt động nhập khẩu vàng của các doanh nghiệp cũng chưa từng được NHNN theo cách "minh bạch hóa" - một cụm từ mà cơ quan này vẫn thường sử dụng trong các báo cáo của mình.
Nguồn cơn của việc thiếu minh bạch cơ chế nhập khẩu vàng, hiểu một cách đơn giản, là một khi người dân nắm được tình hình cung tương đương hoặc lớn hơn cầu, giá vàng trong nước sẽ bắt buộc phải "bám sát giá thế giới".
Mặc dù đã chưa từng hiện diện những bài viết công khai đề cập mối liên hệ giữa NHNN với nhóm lợi ích vàng, nhưng dư luận cũng là quá đủ.
Người ta còn ngờ rằng giải pháp "lấy nó nuôi nó" của NHNN thực ra chỉ là một bức bình phong giúp cho các doanh nghiệp vàng có thêm thời gian để tiếp tục bán vàng giá cao, bao gồm vàng tự có và lượng vàng đã nhập khẩu, theo phương châm riêng của họ: lấy vàng nuôi vàng.
Tức giá vàng trong nước được các "ông lớn" trong giới kim quý điều chỉnh cuộc chơi theo trình tự: áp giá thấp để thu mua rồi mang đi xuất khẩu trong trường hợp giá thế giới cao hơn; giữ giá trong nước cao, nhập khẩu vàng về bán trong trường hợp giá vàng thế giới thấp hơn!
"Nhân vật của năm 2011"
Cần nhắc lại, cho đến tháng 10/2011, thống đốc Nguyễn Văn Bình vẫn được giới bình luận kinh tế và cả chính giới xem như một "gương mặt". Với thành tích không thể phủ nhận của ông trong chiến dịch giữ nghiêm trần lãi suất huy động 14%/năm, gương mặt này càng trở nên sáng giá, là tiền đề có tính duy nhất cho kết quả bình chọn "Nhân vật của năm 2011" do một tờ báo điện tử tổ chức vào cuối năm nay.
Mọi chuyện có lẽ sẽ không thay đổi nếu NHNN đã không quá tự tin khi tung ra bản dự thảo nghị định về quản lý kinh doanh vàng vào cuối tháng 10.
Một cách đáng ngạc nhiên, dự thảo nghị định trên đã đặt ra những điều kiện mà giới chuyên môn ngành vàng hiểu ngay về tinh thần tập quyền hóa của nó.
Tập quyền lại dẫn đến độc quyền, như một thói quen xấu của lịch sử phát triển nhân loại.
Riêng với thị trường vàng, độc quyền hóa là một cơ chế đặc thù mà chỉ riêng SJC mới thỏa mãn và được thụ hưởng.
Có thể tâm trạng tích tụ của người dân và giới phân tích chuyên môn, kể cả nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng có nguy cơ bị "ra rìa" đã đủ chín, để bản dự thảo nghị định được ban hành tự tin bao nhiêu thì tình hình phản ứng của dư luận cũng ồn ào và bức xúc bấy nhiêu.
Sự cải thiện hình ảnh theo chiều hướng tuột dốc của NHNN cũng vì thế đã đi xuống từ tháng 10 đến nay.
Không chỉ giải pháp "lấy nó nuôi nó", cả đến dự thảo nghị định mà NHNN dự kiến là Thủ tướng Chính phủ sẽ ký vào đầu tháng 11, đã lặng tăm đến tận bây giờ.
Trong 5 tháng qua, dường như NHNN đã chơi trò tung hứng bên nặng bên nhẹ: không công khai cơ chế nhập khẩu vàng, không quản lý giá niêm yết vàng, không làm rõ được bất kỳ đối tượng nào đầu cơ vàng, nhưng lại muốn đóng vai trò đạo diễn cho một sân khấu với sự diễn xuất của diễn viên duy nhất mang tên SJC.
Trong khi đó, nạn đầu cơ vàng vẫn tái diễn công khai, thuần bản chất, với tư thế của kẻ độc quyền đầu cơ.
Ai đã thất bại?
Vào trung tuần tháng 12, NHNN đã mở một hội nghị công bố thông tin báo chí về điều hành chính sách tiền tệ năm 2011, định hướng và giải pháp điều hành năm 2012.
Liên quan đến thị trường vàng, bản báo cáo của NHNN đã nêu ra một đánh giá rất đáng lưu tâm: "Việc triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ổn định giá vàng và thị trường vàng trong nước đã góp phần đưa giá vàng trong nước bám sát với giá vàng thế giới; giới đầu cơ đã không còn khả năng thao túng thị trường".
Một chi tiết đáng lưu tâm khác là tại hội nghị trên có mặt cả Thủ tướng. Ngoài những vấn đề chung, Thủ tướng đã nhấn mạnh "Giảm lạm phát là trách nhiệm của ngân hàng" và "Các anh đừng để Chính phủ phải lo lắng nhiều".
Những hàm ý trong phát biểu của Thủ tướng hoàn toàn không phải được phát ra một cách ngẫu nhiên.
Với thời gian 5 tháng minh chứng cho nạn đầu cơ vàng và độ chênh cao của giá vàng trong nước so với giá thế giới vẫn gần tương tự thời điểm mới nhậm chức tân thống đốc của ông Nguyễn Văn Bình, "Nhân vật của năm 2011" đã làm được những gì để bình ổn giá vàng và góp phần giảm lạm phát?
Bình ổn giá vàng và bình ổn lạm phát cũng chính là bình ổn dân sinh và do đó là bình ổn chính trị - một nguyên lý trị nước mà bất kỳ chính khách đương nhiệm nào cũng nằm lòng...
Viết Lê Quân
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|