Chủ Nhật, 25/12/2011 15:09

Ba điều ước cho năm 2012

Trên phạm vi quốc tế, những cơn bão tài chính - tiền tệ diễn ra dồn dập trong những năm gần đây, đặc biệt là khủng hoảng tài chính năm 2008 và nợ công năm 2011, một lần nữa cho thấy uy lực tàn phá khủng khiếp của tiền tệ, kéo theo nhiều biến động và đổ vỡ, với nhiều hậu quả to lớn về kinh tế - chính trị - xã hội.

Riêng đối với Việt Nam, tâm điểm số 1 của năm 2011 thực chất là vấn đề tiền tệ, thể hiện qua sự tăng tốc khó lường của chỉ số giá cả, cũng như quyết tâm vào cuộc của toàn hệ thống chính trị nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

2011: Trông người, ngẫm đến ta

Lạm phát ở Việt Nam, theo dự kiến đến cuối năm sẽ vào khoảng 19-20%. Đây là con số cao nhất khu vực và thuộc vào nhóm các nước có lạm phát cao hàng đầu thế giới. Về mặt lý thuyết, khi chỉ số giá cả lên đến hai con số, cũng có nghĩa nền kinh tế đã chính thức bị tấn công trực diện bởi lạm phát phi mã, kéo theo những dư chấn nặng nề và gây tác động mạnh đến ba trụ cột chính của nền kinh tế:

(1) Lực lượng doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa): Năng lực sản xuất kinh doanh bị suy yếu nghiêm trọng, khả năng tiếp cận vốn bị suy giảm do lãi suất tín dụng trở nên đắt đỏ và nguồn vốn khan hiếm. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay có khoảng 50.000 doanh nghiệp lâm vào tình cảnh phá sản công khai hoặc ngấm ngầm. Tuy nhiên, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn, vẫn nổi lên một điểm sáng để hy vọng, cho thấy nền kinh tế vẫn còn ẩn giấu nhiều tiềm năng chưa được đánh thức, đó là tốc độ tăng trưởng vẫn duy trì trên dưới 5%, trong đó lực lượng doanh nghiệp tư nhân và nền nông nghiệp đóng vai trò như là một trong những động lực chủ chốt.

(2) Hệ thống ngân hàng thương mại: Xuất hiện tình trạng thiếu thanh khoản kinh niên và kéo dài. Do sức ép lạm phát, cộng với những bất ổn về cơ cấu đầu tư và quản trị điều hành, đã gây ra nhiều rối loạn khó lường trên thị trường vốn, tỷ giá và lãi suất. Năng lực tập trung và phân phối vốn toàn hệ thống bị suy yếu rõ rệt. Nhiều vụ án đau lòng đã liên tục diễn ra đối với nhiều cá nhân và tổ chức do những rủi ro bùng phát trên lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và tình trạng suy thoái đạo đức nghề nghiệp. Hệ thống ngân hàng thực chất đang phải đối diện với nhiều lựa chọn rất khó khăn, làm sao để vừa đồng hành với những trăn trở, vật vã của nền kinh tế, đồng thời vừa có thể tự cải tổ chính mình để tiếp tục tiến lên?

(3) Chính sách tài khóa - tiền tệ: Chuyển từ chủ trương “nới lỏng” liên tục trong nhiều năm trước đây sang “thắt chặt” theo Nghị quyết 11, đã tạo ra những biến động cho hoạt động của doanh nghiệp. Bất cập sâu xa nằm ở chỗ thiếu vắng một “nhạc trưởng” đủ tài năng để cầm trịch phối hợp, vận hành chính sách một cách đồng bộ và hiệu quả. Thay vì hợp lực để kiến tạo nên nội lực cho nền kinh tế, gắn đồng tiền đi liền với khúc ruột, thì tài khóa - tiền tệ nhiều khi lại lâm vào tình huống “ngoảnh mặt làm ngơ/đường ai nấy đi”…

Mặt khác, khi đề cập đến hậu quả lạm phát, phần lớn các ý kiến đều tập trung vào những tác động tiêu cực mà chưa thấy được ảnh hưởng tích cực của nó. Trước hết, lạm phát đã phát đi một thông điệp rõ ràng, mang tính cảnh báo cao về năng lực quản lý điều hành vĩ mô cũng như quản trị điều hành vi mô ở từng doanh nghiệp, kể cả hệ thống ngân hàng. Nói khác đi, khả năng làm chủ và vận hành dòng tiền trong nền kinh tế, từ cấp hành chính trung ương đến địa phương, từ tập đoàn nhà nước cho đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ ngân hàng thương mại nhà nước cho đến ngân hàng cổ phần... đã và đang phát sinh những “lỗi hệ thống” nghiêm trọng, đòi hỏi phải có sự đánh giá, phân tích đầy đủ để chủ động ban hành những quyết sách phù hợp.

Những yêu cầu cấp bách về tính chuẩn mực hóa/minh bạch hóa/chuyên nghiệp hóa/quốc tế hóa trong kỹ năng quản trị điều hành quốc gia cũng như quản trị doanh nghiệp ngày càng trở nên tối quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển bền vững của từng tổ chức nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Trải qua một năm trăn trở, chung sống và trả giá vì lạm phát cao, chúng ta tự chiêm nghiệm lại mình, rút ra bài học về nghệ thuật sử dụng đồng tiền, nhất là trong bối cảnh thế giới có quá nhiều biến động và chao đảo. Thật không dễ để cân bằng giữa lòng tham và đạo đức/giữa lợi nhuận và rủi ro/giữa đầu cơ vào lợi ích ngắn hạn với đầu tư cho tương lai dài hạn/giữa việc chấp nhận hy sinh lợi lộc trước mắt để bảo toàn những giá trị cốt lõi lâu dài...

Không biết từ khi nào dư luận hiện nay lại trở nên rất dị ứng với những ngôn từ như “đầu cơ bất động sản/chứng khoán/vàng/đô la...” mặc dù “đầu cơ” là nghiệp vụ tất yếu trong nền kinh tế thị trường? Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì vấn nạn đầu cơ ở nước ta thường gắn liền với những nguyên nhân gây bất ổn vĩ mô triền miên cho nền kinh tế. Mặt khác, thực tế này cũng cho thấy chúng ta vẫn chưa đủ tầm để chung sống hòa bình cũng như làm chủ được cơ chế thị trường ngày càng biến hóa tinh vi và phức tạp.

2012: Ba điều mong ước

Mong ước đầu tiên, không gì khác hơn là lạm phát cần phải quay trở về một con số. Đây không chỉ là yêu cầu, mà còn là chìa khóa để khôi phục lòng tin của dư luận và thị trường, làm nền tảng để khôi phục vị thế đồng tiền Việt Nam, mở đường cho tiến trình ổn định kinh tế vĩ mô và thực thi những chủ trương cải cách đột phá trong thời gian tới. Quyết tâm kiềm chế lạm phát mới đây lại được cụ thể hóa thêm tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, khi tiến hành thông qua nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 (chỉ số CPI tăng từ 5-7%). Tất nhiên, để điều ước và quyết tâm trở thành hiện thực, bên cạnh sự kiên định nhất quán với những giải pháp đã lựa chọn, quan trọng nhất là phải hành động với tâm thế tổng thể, không quá vị kỷ, không vì lợi ích cục bộ mà làm tổn hại đến hiệu quả toàn cục nền kinh tế.

Mong ước thứ hai, sớm khởi động đồng bộ và có hiệu quả chương trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong tiến trình cải tổ quan trọng này, không một bộ phận nào của guồng máy hành chính và kinh tế, kể cả lĩnh vực công và tư, tự cho phép mình được đứng ngoài cuộc. Bởi lẽ, đây chính là lựa chọn chiến lược duy nhất cho tương lai phát triển của Việt Nam. Vạn sự luôn khởi đầu nan. Nếu chúng ta đủ bản lĩnh để khởi động và vượt qua được những thách thức ban đầu của chương trình tái cơ cấu ngay trong năm 2012 thì cũng đồng nghĩa với việc tự xác lập được vận hội lớn cho tổng thể nền kinh tế.

Cũng cần nhấn mạnh thêm, trọng tâm của chiến lược tái cơ cấu cần phải xác định lựa chọn tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại làm khâu đột phá. Một trong những tiêu chí quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường cạnh tranh hoàn hảo chính là ở chỗ biết chấp nhận và phát huy tính đa dạng, tính năng động của các hình thức sở hữu và quy mô hoạt động, chấp nhận sự đan xen giữa các loại hình doanh nghiệp (lớn/vừa và nhỏ/kể cả siêu nhỏ...).

Tuy nhiên, trong sân chơi toàn cầu, với vô vàn cơ hội cùng cạm bẫy, nhất thiết phải chủ động xác lập những thế lực kinh tế đầu đàn, đủ sức làm chủ thị trường nội địa, lấy đó làm nền để vươn ra dẫn dắt nền kinh tế đi vào cạnh tranh và hội nhập. Trên tinh thần đó, cần xác định một trong những mục tiêu sống còn của công cuộc tái cấu trúc, đó là phải xây dựng bằng được chiến lược tạo lập những chủ thể doanh nghiệp và ngân hàng thực sự “lớn và mạnh”, song hành như một “cặp đôi hoàn hảo”, đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Điều ước cuối cùng, mong sao mọi chủ thể trong nền kinh tế luôn phấn đấu để xây dựng cho riêng mình một bản sắc văn hóa, vừa truyền thống vừa hiện đại, đủ bản lĩnh làm chủ nghệ thuật “chung sống với đồng tiền”. Tiền tệ, suy cho cùng, chỉ là phương tiện mang lại phúc lợi đời sống cho con người. Đối với mỗi cá nhân, có lẽ một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của đời người đó là biết cách làm ra tiền và tiêu tiền theo nghĩa chân chính.

Xét ở phạm vi rộng hơn, đối với một quốc gia, một trong những điều hệ trọng nhất chính là biết cách quản lý, sử dụng công cụ tiền tệ để mang lại sự phồn vinh cho đất nước. Văn hóa chung sống với đồng tiền, lúc này sẽ vượt lên trên mọi ý nghĩa thực dụng, để trở thành một trong những chuẩn mực xã hội về thước đo lòng tin cậy, tài năng, hiệu quả và đạo đức con người nói riêng cũng như bộ máy điều hành nói chung.

Tâm Dân

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Giảm lạm phát: Khó nhưng không phải bất khả thi (25/12/2011)

>   Giảm lạm phát: Nhiều thách thức (25/12/2011)

>   Tái cơ cấu DNNN: Chính phủ gánh thêm nợ? (25/12/2011)

>   TPHCM phấn đấu GDP bình quân 3.600 USD/người (25/12/2011)

>   Kinh tế Việt Nam: Trễ pha với thế giới (24/12/2011)

>   “Khó nhất là cải cách doanh nghiệp nhà nước” (23/12/2011)

>   Những câu hỏi đặt ra từ mức lạm phát cả năm (23/12/2011)

>   Công bố chính thức chỉ số CPI cả nước tháng 12 (23/12/2011)

>   GDP của Hà Nội tăng 10,1% trong cả năm 2011 (23/12/2011)

>   Chủ tịch tỉnh Bình Dương muốn có thêm sân golf (23/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật