Ai mua công ty chứng khoán không…
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán nhỏ thành thực thú nhận chỗ “người nhà” rằng mảng chứng khoán giờ như “của nợ” vậy. May mà còn lĩnh vực khác trong “group” lúc này gánh đỡ…
* Chứng khoán Đông Dương chuyển hết khách hàng qua Kim Eng
Sáng 14/12, thị trường đón nhận thêm thông tin, một công ty chứng khoán nữa phải “bán” khách qua một công ty khác: Chứng khoán Đông Dương (DDSC) thông báo với khách hàng sẽ tạm dừng nghiệp vụ môi giới và chuyển mảng này qua Chứng khoán Kim Eng (KEVS).
Theo thông tin từ Chứng khoán Đông Dương, khách hàng vẫn là của công ty, chỉ chuyển các nghiệp vụ qua Kim Eng mà thôi. Sau khi tìm kiếm được đối tác hợp tác để tăng vốn, Đông Dương sẽ mở lại nghiệp vụ này.
Việc công ty chứng khoán cắt giảm bớt nghiệp vụ không phải là mới. Tuy nhiên trước đó mới chỉ là sức ép từ yêu cầu tăng vốn tối thiểu của cơ quan quản lý. Tình hình hiện tại bi đát hơn nhiều, khi không ít công ty lún sâu vào thua lỗ, cụt vốn và phải chủ động cơ cấu lại hoạt động. Ngay với Chứng khoán Đông Dương, một phó tổng giám đốc của công ty này cũng thừa nhận trong bối cảnh thị trường khó khăn, công ty rơi vào tình trạng thiếu vốn nên không thể duy trì các hoạt động kinh doanh không mang lại nhiều doanh thu nhưng lại tốn chi phí lớn.
Còn nhớ, mới hồi đầu tháng 2 năm nay, Đông Dương triển khai phần mềm giao dịch trực tuyến mới và tặng ngày 100 triệu đồng phí giao dịch cho khách hàng mới mở tài khoản. Thậm chí, tham vọng của công ty thời điểm đó là đưa Đông Dương trở thành một trong số những công ty chứng khoán hàng đầu, vững mạnh về công nghệ với những phương tiện giao dịch hiện đại nhất Việt Nam!
Chứng khoán SME, cái tên nổi như cồn cách đây vài năm cũng là nhờ áp dụng hệ thống giao dịch bằng phần mềm thuộc loại hiện đại nhất thời điểm đó. Giới đầu tư thì thầm kháo nhau về hàng loạt tiện ích của nó và số tài khoản mở mới tăng vọt. Tuy nhiên đa phần là tài khoản ảo, mở ra để xài phần mềm là chính, còn tiền vẫn để ở công ty khác! SME giờ đang lo xoay tiền để trả khách hàng và rất có thể cũng đang tìm kiếm đối tác rót thêm vốn.
Chưa bao giờ khái niệm mua bán, sáp nhập công ty chứng khoán lại rộ lên như gần đây, nhất là khi có “đề án” tái cấu trúc trên rất nhiều lĩnh vực. Với hơn 100 công ty chứng khoán trên thị trường Việt Nam mà trong khi đáng lẽ chỉ cần một phần ba, thì câu chuyện tái cấu trúc đã có từ lâu. Năm 2008, tưởng như hoạt động này sẽ sôi động, nhưng hóa ra các gói kích thích kinh tế lại giúp nhiều công ty chứng khoán cầm hơi được. Đến lúc này thuốc đã hết, sức đã kiệt, cộng thêm khả năng quản lý rủi ro kém khiến nhiều công ty rơi vào cảnh nợ nần, mất vốn.
Tuy nhiên đến giờ vẫn chưa có cảnh công ty chứng khoán phá sản, mặc dù số lỗ lũy kế, âm vốn chủ sở hữu là khá nhiều. Việc phá sản gắn liền với nguy cơ mất khả năng trả nợ chứ không phải chuyện kinh doanh lãi lỗ. Dĩ nhiên khi đã mất sạch vốn chủ sở hữu thì công ty cũng chỉ là cái xác không hồn. Nhiều công ty chứng khoán tuy thua lỗ nhưng vẫn là đang bị cắn vào “thịt” chứ chưa đến mức bị chủ nợ đòi mà mất khả năng thanh toán. Thu hẹp nghiệp vụ, dòng tiền kiếm được không đủ bù cho chi phí hoạt động, công ty chứng khoán phải sống cảnh vật vờ. Trong bối cảnh đó, chỉ có chính các chủ sở hữu công ty quyết định “cắt lỗ” bằng cách bán lại.
Chứng khoán Vincom hồi đầu năm đã được bán cho Xuân Thành Group là một ví dụ điển hình cho hoạt động mua bán dạng này. Với một tổ chức lớn trong nước muốn mở rộng thêm lĩnh vực hoạt động sang mảng chứng khoán thì đây là đường đi ngắn nhất. Có lẽ các thương vụ cách đây một năm còn dễ dàng hơn, nhất là đối với các công ty vẫn có khả năng hoạt động tốt. Sự dễ dàng ấy không dám chắc sẽ còn tiếp tục vào thời điểm này vì ngay chính các tổ chức lớn cũng phải tính toán cơ cấu lại hoạt động của mình. Đó là chưa kể đến triển vọng cạnh tranh quá khốc liệt trong mảng chứng khoán.
Việc sáp nhập giữa các công ty chứng khoán lại càng khó khăn hơn. Đặc thù hoạt động rất giống nhau khiến các công ty chứng khoán nhỏ, yếu kém gần như chẳng có gì để “ra giá” với các công ty lớn. Nếu chỉ là bỏ tiền ra để mua lại một công ty khác như phép cộng số học thì chắc chắn không công ty chứng khoán lớn nào thực hiện. Mua lại để “tiêu diệt” đối thủ thì càng không cần, vì cứ để đó đối thủ sẽ tự chết. Thậm chí những công ty lớn còn không coi các công ty nhỏ là “đối thủ” cần để mắt tới.
Một “cửa” nữa cũng khá hợp thời và rất khả thi lúc này là tìm cách bán cho đối tác nước ngoài, những tổ chức muốn nhảy vào thị trường Việt Nam khi lộ trình cam kết WTO trong lĩnh vực chứng khoán được mở hết cỡ. Từ 1/1/2012, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được phép thành lập công ty chứng khoán 100% vốn. Dĩ nhiên việc mua lại giấy phép sẽ đơn giản hơn thành lập mới. Vấn đề là công ty nào sẽ hợp “khẩu vị” của nhà đầu tư ngoại: chỉ cần cái vỏ với giấy phép, hay thâu tóm công ty chất lượng?
Thực tế là những tổ chức nước ngoài có ý định nhảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam đã có mặt từ lâu. Những vụ “kết hôn” có yếu tố nước ngoài đã rầm rộ từ vài năm nay, dĩ nhiên tỉ lệ sở hữu tối đa chỉ là 49%. Những cái tên thuần “ngoại” như Kim Eng, Mirae Asset, Golden Bridge, Kenanga… lẫn những tên ghép như Morgan Stanley Hướng Việt, Saigonbank Berjaya Woori CBV… đã trở nên quen thuộc. Đó là những bước đi sớm nhất và liệu trào lưu thứ hai có bùng nổ hay không thì chưa thể biết trước.
Trước khi các cánh cửa mở ra với những công ty chứng khoán ngấp nghé bờ vực, chí ít những công ty này phải nỗ lực để sống vật vờ. Nhiều công ty đã nỗ lực tìm cách tăng vốn dù điều này là rất khó khăn. Xếp hàng chờ tổ chức khác đến mua lại, hay rót vốn vào không phải là điều mong muốn ban đầu khi thành lập doanh nghiệp, nhưng còn là kết cục có hậu.
Khánh Hà
tbktvn
|