Thứ Hai, 26/12/2011 18:04

10 lãnh đạo “sốc” nhất TTCK 2011 (Phần 1)

(Vietstock) – Thời khắc kết thúc năm 2011 đã gần kề, hãy cùng Vietstock điểm lại những vị lãnh đạo DNNY đã làm nên “tên tuổi” nhất năm qua cả về nghĩa tích cực lẫn tiêu cực.

1. Tân Tổng giám đốc FPT có“đánh bóng” tên tuổi?

Việc thay TGĐ của FPT, bluechips trên TTCK, đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư và cũng tốn kém rất nhiều bút mực của giới truyền thông. Tuy nhiên, không ít người cho rằng FPT đã PR quá mức qua sự kiện này.

Vào cuối tháng 2/2011, ông Trương Đình Anh đã được HĐQT Tập đoàn FPT (HOSE: FPT) bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc, thay ông Nguyễn Thành Nam.

Ông Anh xuất hiện trên các mặt báo với hình ảnh mạnh mẽ, quyết đoán, đầy tham vọng. Ông đã khẳng định sẽ cống hiến hết mình để vươn tới mục tiêu tăng trưởng 30%/năm và đẩy tốc độ tăng trưởng lên trên 40%/năm trong những năm tới.

Tuy nhiên, bên cạnh những lời khen tặng thì nhiều người cho rằng việc bổ nhiệm nhân sự tại FPT đã bị thổi phồng quá mức. Thậm chí, có những thông tin lan truyền rằng giá cổ phiếu FPT tăng là nhờ thông tin bổ nhiệm Tổng giám đốc trên.

Trên thực tế, thay đổi nhân sự trong công ty là việc rất đỗi bình thường. Ngoài ra, từ trước tới nay, với sự dẫn dắt của người tiền nhiệm là ông Nguyễn Thành Nam, FPT vẫn đạt mức tăng trưởng đáng mơ ước. 

2. Chủ tịch HASC chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng

Vào giữa tháng 5, ông Trương Duy Sơn, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Hà Thành (HASC), bị bãi nhiệm do đã mang trên 100 tỷ đồng khỏi nơi cư trú. Tài sản cá nhân của ông Sơn bị xử lý để bù đắp vào khoản thâm hụt này.

Được biết, từ năm 2009 đến tháng 4/2011, ông Sơn với tư cách là Chủ tịch HĐQT HASC đã vận động nhân viên và người thân mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại HASC. Ông Sơn ra sức thuyết phục các chủ tài khoản giao cho ông trực tiếp quản lý đặt lệnh giao dịch mua, bán chứng khoán trên các tài khoản này. Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh chứng khoán, cùng với đà suy giảm chung của thị trường, vị này không lường trước được tình cảnh thua lỗ hơn 144 tỷ đồng.

Để bù đắp khoản lỗ, ông Sơn tiếp tục vướng vào sai phạm khi chỉ đạo nhân viên của HASC lập khống chứng từ để ký các bảng kê danh sách khách hàng đề nghị vay ứng trước tiền bán chứng khoán nhằm cân đối khớp lệnh mua bán chứng khoán.

Sau đó, ông Sơn đã sử dụng tài liệu khống vay ngân hàng và một công ty tài chính hơn 115 tỷ đồng. Khoản tiền này được ông Sơn chi trả một phần cho công ty tài chính, chi trả các khoản lỗ và tiếp tục sử dụng tài khoản của nhóm trên kinh doanh chứng khoán thua lỗ hết. Đến nước này thì ông Sơn không còn khả năng thanh toán và bỏ trốn khỏi nơi cư trú.

Với những bê bối trên, Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan đến ông Trương Duy Sơn.

3. DVD: Khởi tố Nguyên Chủ tịch HĐQT thao túng giá

Một năm kể từ ngày ấy, khi vụ thao túng giá tại DVD bị phát hiện vào cuối 2010, sự việc vẫn còn nguyên tính thời sự.

Đây là vụ án thao túng chứng khoán đầu tiên ở Việt Nam bị khởi tố điều tra, được dư luận ủng hộ nhiệt tình.

Ở diễn biến mới, ngày 27/6/2011, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an hoàn tất bản kết luận điều tra vụ án hình sự đối với ông Lê Văn Dũng, Nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD), và đồng bọn thao túng giá chứng khoán.

Các nhà chức trách cáo buộc, với mục đích thâu tóm không công khai trên 50% cổ phiếu DHT của CTCP Dược phẩm Hà Tây để nắm quyền điều hành, ông Dũng và đồng bọn đã làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của TTCK Việt Nam. Hành vi này xâm hại đến trật tự quản lý nhà nước kinh tế về chứng khoán và thị trường chứng khoán, tạo ra cung cầu giả tạo đối với cổ phiếu DVD, DHT trên thị trường, làm suy giảm lòng tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Theo kế hoạch, lý ra phiên xét xử vị TGĐ DVD thao túng giá chứng khoán đã được tổ chức vào ngày 14/12 nhưng bất ngờ bị tạm hoãn do vắng mặt đại diện Viện kiểm sát.

Vụ án tới nay vẫn chưa định ngày mở lại.

4. Chủ tịch STB phản pháo tin bị “thay máu”

STB là một trong những mã cổ phiếu có tính thanh khoản cao và rất được khối ngoại ưa chuộng trên thị trường.

Vào tháng 7 vừa qua, việc người nhà ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch HĐQT của STB đăng ký thoái sạch vốn khiến thị trường nhanh chóng xuất hiện hàng loạt thông tin bất lợi cho nhà băng này.

Giới tài chính còn kháo nhau rằng có một “đại gia” bất động sản và ngân hàng đang dòm ngó chiếc ghế Chủ tịch HĐQT STB nên âm thầm gom cổ phiếu. Thậm chí cũng có những thông tin cho rằng “đại gia” này tuyên bố sẵn sàng vét hết tất cả số cổ phần được bán ra.

Trước làn sòng tin đồn dồn dập, người đứng đầu HĐQT công ty đã phải ra mặt thanh minh việc thoái vốn trên thực chất là để chuyển cổ phần STB từ sở hữu cá nhân về sở hữu của pháp nhân là CTCP Sản xuất - Thương mại Thành Thành Công.

Ngoài ra, ông Thành cho rằng nếu có nhà đầu tư mua vào và nắm giữ khối lượng lớn cổ phần thì chứng tỏ họ tin tưởng hoạt động kinh doanh của STB, chứ không nhằm mục đích thôn tính và “thay máu” như những lời đồn đại.

5. VKP: Nguyên TGĐ bị truy tố do trốn thuế

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VKP của CTCP Nhựa Tân Hóa “nổi đình nổi đám” trong năm với thị giá chỉ được so sánh bằng ly trà đá. Có thời điểm, giá cổ phiếu này lọt thỏm xuống chỉ còn 600 đồng.

Sở dĩ thê thảm như vậy không chỉ vì VKP hoạt động kinh doanh thua lỗ triền miên, nợ như chúa chổm mà còn bởi nhà đầu tư ngán ngẩm với cách điều hành doanh nghiệp của VKP. Cuối tháng 7 vừa qua, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TPHCM hoàn tất kết luận điều tra và chuyển sang VKSND TPHCM truy tố 5 bị can về tội trốn thuế.

Trong đó có hai bị can thuộc CTCP Nhựa Tân Hóa (HOSE: VKP), gồm bà Nguyễn Thị Minh Châu (nguyên Tổng giám đốc công ty) và bà Huỳnh Lê Mỹ Thi (nguyên kế toán trưởng công ty).

Theo kết luận điều tra, từ năm 2005 đến 2009, bà Châu chỉ đạo lập xưởng tái chế nhựa phế liệu và giao bà Thi bỏ tiền mua thêm phế liệu ở ngoài. Theo hướng dẫn của bà Châu, bà Thi mua hóa đơn từ các công ty của ba bị can trên để hợp thức hóa toàn bộ số nhựa mua ngoài.

Trong 4 năm, bị can Châu và Thi đã mua tổng cộng 272 tờ hóa đơn GTGT, ghi khống tổng giá trị hàng hóa hơn 32 tỷ đồng nhằm trốn thuế với tổng số tiền hơn 2.9 tỷ đồng.

Những người có liên quan đến các bê bối của công ty rồi sẽ phải trả giá cho những sai phạm của mình. Song đến bao giờ, VKP mới có thể ổn định được đội ngũ nhân sự, ban điều hành để có thể cải thiện tình hình quá đỗi tồi tệ như hiện nay vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

>> Đón xem tiếp phần 2 vào ngày mai (27/12/2011)

Như Ý tổng hợp

Các tin tức khác

>   Nhà đầu tư “đòi” lại tiền thua lỗ chứng khoán? (26/12/2011)

>   Khối ngoại bán ròng 4.9 triệu cổ phiếu STB (26/12/2011)

>   Giáng sinh của… vịt cồ (26/12/2011)

>   Ông Trần Đắc Sinh giữ chức Chủ tịch HĐQT của HOSE (26/12/2011)

>   828.000 tỷ đồng đã được huy động thông qua TTCK (26/12/2011)

>   Chứng khoán Việt Nam năm 2011: Những góc khuất (26/12/2011)

>   Giải mã cổ phiếu lớn mất giá (26/12/2011)

>   Đáy chứng khoán phụ thuộc vào… thâu tóm doanh nghiệp? (26/12/2011)

>   CTCK: Chết vì dễ dãi và tùy tiện (26/12/2011)

>   Bi kịch chứng khoán: “Âm mưu và tình yêu” (26/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật