Thứ Hai, 28/11/2011 22:51

Vàng miếng khác có thể sẽ được đổi ngang giá với SJC

Các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã nhận được thông tin về việc vàng miếng thương hiệu của họ có thể sẽ được đổi ngang giá với vàng SJC, khi vàng miếng  trở thành của quốc gia sau khi Công ty vàng bạc đá quý SJC chuyển về trực thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Agribank, cho biết các lọai vàng khác sẽ chỉ phải tốn thêm phí gia công, khoảng 30.000 đồng/lượng để chuyển đổi sang thương hiệu SJC; vì vậy, người dân không nên vội vàng bán các loại vàng không phải thương hiệu SJC, gây rối loạn thị trường.

Bên cạnh đó, nếu thực hiện quyết định này thì Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định các loại vàng khác sẽ được phép lưu thông.

Theo ông Nguyễn Minh Châu, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, mặc dù dự thảo nghị định vẫn chưa biết khi nào mới có hiệu lực nhưng hiện tại công ty ông đã bị tác động mạnh. Người dân vẫn đem bán số lượng lớn vàng miếng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty.

“Trong khi chờ đợi được đổi vàng ngang giá với SJC, chúng tôi đang dự định xin Ngân hàng Nhà nước cho phép dập vàng miếng của chúng tôi trở thành SJC. Điều này giúp chúng tôi có thể mua vàng miếng Rồng Thăng Long của người tiêu dùng với giá cao hơn, tránh thiệt hại cho cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp”, ông Châu nói.

Ông cho biết vàng Rồng Thăng Long đã bán cho người tiêu dùng Hà Nội nhiều năm nay, nếu lượng vàng ấy trong cùng một lúc mà người dân bán ra hết thì ảnh hưởng rất lớn đến lượng tiền mặt của doanh nghiệp, vì vậy doanh nghiệp đã phải hạ giá mua.

Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Sacombank - SBJ cũng cho biết đã biết thông tin trên, và cho rằng điều này phần nào trấn an được nỗi lo của doanh nghiệp khi nhìn thấy thương hiệu vàng miếng của mình vừa sẽ biến mất, vừa mất giá trầm trọng. Bà cho rằng, vàng miếng của các thương hiệu khác về chất lượng cũng ngang bằng với SJC, vì vậy việc đổi ngang giá là nên làm.

Về việc Ngân hàng Nhà nước sẽ chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia, từng bước chuyển thành SBV, ông Trúc cho rằng cũng hợp lý vì việc điều tiết thị trường sẽ nằm trong tay nhà nước, tránh được hiện tượng đầu cơ, làm giá. "Tuy vậy, việc chuyển đổi nên sớm thực hiện, vì nếu để SJC là doanh nghiệp như hiện nay thì họ vẫn phải quan tâm đến lợi nhuận, ít nhiều ảnh hưởng đến mục tiêu bình ổn thị trường", ông Trúc nói.

Và theo ông Trúc, sắp tới Ngân hàng Nhà nước khi đã chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia, thì trong những trường hợp nhu cầu mua vàng của người dân tăng nhanh, SJC không thể dập đủ vàng cung ứng thì có thể cho phép một số đơn vị khác có tiềm lực tài chính lớn, có kinh nghiệm sản xuất vàng miếng có thể gia công loại vàng này; tuy vậy phải giám sát chặt để không xảy ra hiện tượng doanh nghiệp tự dập vàng SJC để cung ứng ra thị trường.

Nhưng theo bà Chi sẽ khó có chuyện Ngân hàng Nhà nước cho phép doanh nghiệp khác được cùng gia công vàng miếng vì sẽ rất khó quản lý, dễ gây ra hiện tượng không biết vàng nào là các đơn vị sản xuất theo hạn ngạch, vàng nào là do đơn vị tự dập dưới thương hiệu SJC.

Trong tuần qua, theo ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) thì lượng giao dịch vàng đã tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng trở lại đây. Mức bán cao nhất vào khoảng 20.000 lượng vào ngày 24-11, những ngày khác trong tuần giao dịch từ 4.000 – 7.000 lượng. Lượng vàng bán ra trong tuần khoảng 42.000 lượng (hơn 1,57 tấn). Ngoài ra trong tuần qua, các ngân hàng được cho phép bán vàng bình ổn cũng đã bán ra một lượng vàng lớn để kéo giá trong nước về sát giá thế giới.

Trong khi đó, giao dịch vàng ở các công ty khác không đáng kể, sôi động nhất là ngày 25-11, nhưng lượng giao dịch cũng không vượt quá 2.000 lượng. Bà Chi cho rằng, tâm lý người dân hiện tại vẫn muốn giữ vàng SJC hơn những loại vàng khác nên hầu hết đã đến SJC hoặc các ngân hàng lớn để mua vàng thương hiệu này .

Giá vàng trong nước đã tăng mạnh vào ngày 28-11 theo đà tăng của giá vàng thế giới. Đóng cửa ngày 28-11, giá mua vào tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là 44,87 triệu đồng/lượng và bán ra là 45,02 triệu đồng/lượng, tăng 420.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước.

Ở Hà Nội, giá vàng Rồng Thăng Long của Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu đang mua vào và bán ra ở mức giá khá thấp 44,25 – 44,50 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC 520.000 đồng.

Theo ông Nguyễn Công Tường (SJC), giá vàng tăng mạnh trong sáng nay nhiều người dân đã đến bán vàng chốt lời, lượng giao dịch giảm đáng kể, khoảng 50% so với thứ Năm, thứ Sáu tuần trước. Người mua, đa phần là những nhà đầu tư đang gặp thua lỗ do đã bán trước đó nên mua vàng để tất toán tài khoản.

Bên cạnh đó, theo phòng kinh doanh vàng Công ty Vàng bạc đá quý Sacombank -SBJ, lượng giao dịch tính đến thời điềm này cũng không tăng, vẫn trầm lắng so với cuối tuần qua.

Thùy Linh

Thanh Thương

tbktsg

Các tin tức khác

>   Tổng Giám đốc PNJ: Quản lý vàng miếng vì lợi ích quốc gia (28/11/2011)

>   TS. Cao Sĩ Kiêm: Nên phát hành chứng chỉ để huy động vàng (28/11/2011)

>   Giá vàng vượt 45 triệu đồng (28/11/2011)

>   Vàng tăng 1% nhờ kỳ vọng vào Eurozone và gói hỗ trợ cho Ý (28/11/2011)

>   NHNN lấy thương hiệu hay lấy bộ máy SJC? (28/11/2011)

>   Vẫn còn những bất an (27/11/2011)

>   Dự thảo kinh doanh vàng: Phép thử hay chính sách? (26/11/2011)

>   Vàng tăng nhẹ sau tin SJC thành thương hiệu quốc gia (26/11/2011)

>   Vàng giảm hơn 2%/tuần xuống sát 1,685 USD/oz (26/11/2011)

>   Định giá thị phần vàng miếng ra sao? (26/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật